Chính sách chống phổ biếnVKHN của Nga và Mỹ thời hậu Chiến tranh lạnh

Một phần của tài liệu Chuyên Đề Tác động của hiệp ước start mới đến vấn đề chống phổ biến vũ khí hạt nhân (Trang 43)

HIỆP ƯỚC START MỚI VÀ NHỮNG TÁC ĐỘNG ĐẾN VẤN ĐỀ CHỐNG PHỔ BIẾN VŨ KHÍ HẠT NHÂN

2.1.3.Chính sách chống phổ biếnVKHN của Nga và Mỹ thời hậu Chiến tranh lạnh

2.1.3.1. Những điều chỉnh trong chính sách hạt nhân của Mỹ

Chính sách hạt nhân của Mỹ đã dần được điều chỉnh sau khi Barack Obama lên cầm quyền vào đầu năm 2009. Chính những điều chỉnh và cách tư duy mới về nguy cơ phổ biến VKHN, chủ nghĩa khủng bố quốc tế cùng cách thức triển khai chính sách của Mỹ đã đem đến những tiến bộ trong vòng đàm phán START mới.

Tổng thống Obama ngay từ giai đoạn tranh cử năm 2008 đã cam kết “coi việc xóa bỏ hoàn toàn VKHN là yếu tố quan trọng trong chính sách hạt nhân của Mỹ” và kêu gọi xây dựng “một thế giới không có VKHN”. Đồng thời, phát biểu tại Prague tháng 4/2009, Tổng thống Obama đã thể hiện mong muốn “kết thúc tư duy kiểu Chiến tranh lạnh” và cam kết sẽ giảm bớt vai trò của VKHN trong chiến lược an ninh quốc gia và hối thúc các quốc gia khác làm tương tự [50]. Ngăn ngừa phổ biến VKHN, tiến tới một thế giới không VKHN là những ưu tiên cao nhất đối với an ninh quốc gia. Tổng thống Obama cho rằng việc duy trì khối lượng VKHN chỉ để “dành cho việc thể hiện số lượng đầu đạn hạt nhân lớn và đa dạng” là không cần thiết trong bối cảnh hiện nay, trái với lợi ích của nước Mỹ. Thay vào đó, Mỹ nên giảm số lượng VKHN xuống còn 1000 hoặc ít hơn và giới hạn vai trò của chúng chỉ nhằm ngăn chặn cuộc tấn công hạt nhân của nước khác.

Trong triển khai chiến lược chống phổ biến VKHN, chính quyền Obama tập trung kêu gọi hợp tác, phối hợp hành động như coi trọng tính hiệu quả của các thể chế, củng cố các cơ chế pháp lý cũ và xây dựng các quy chế mới… trong khi đó, trước kia, chính quyền Bush lại sử dụng ưu thế hạt nhân vượt trội của Mỹ để xây dựng hệ thống mang tính tiến công (bao gồm lực lượng hạt nhân và lực lượng phi hạt nhân) và thiên về các biện pháp đơn phương như trừng phạt, cấm vận… Chính những tư duy này đã đặt nền tảng cho “Báo cáo đánh giá tư thế hạt nhân” dài 72 trang của chính quyền Obama, công bố ngày 6/4/2010.

Trong báo cáo này, Mỹ khẳng định tuân thủ trách nhiệm không phổ biến VKHN, đồng thời cam kết không nghiên cứu bất kỳ đầu đạn hạt nhân nào, không tiến hành các vụ nổ thử nghiệm hạt nhân. Cũng theo bản báo cáo, kho VKHN quy mô lớn mà Mỹ kế thừa từ Chiến tranh lạnh đã không còn phù hợp để đối phó với mối đe dọa từ sự tấn công liều chết của các phần tử khủng bố, và những quốc gia thù địch theo đuổi chương trình hạt nhân. Do đó, chính quyền Mỹ cho rằng vai trò của VKHN về mặt răn đe các cuộc tấn công phi hạt nhân trong chiến lược an ninh quốc gia nên giảm đi, thay vào đó, Mỹ sẽ tiếp tục tăng cường vai trò của lực lượng thông thường. Ý tưởng chiến lược của Obama là lấy vũ khí thông thường với ưu thế tuyệt đối để thực hiện chiến lược răn đe thay cho VKHN, giảm bớt sự chênh lệch và phụ thuộc vào VKHN. Rõ ràng, đây là một sự điều chỉnh đáng kể của chính quyền Obama so với chính quyền của Clinton và Bush khi hai vị Tổng thống tiền nhiềm vẫn luôn coi VKHN là sức mạnh cơ bản của công việc quốc phòng và coi duy trì sự răn đe hạt nhân là nhiệm vụ hàng đầu trong chính sách quốc phòng Mỹ [12].

Cũng tương tự như chính quyền Bush, Tổng thống Obama xác định mối đe dọa chiến tranh hạt nhân toàn cầu từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh đến nay không còn tồn tại, nhưng lại xuất hiện rủi ro từ các cuộc tấn công hạt nhân và không ngừng gia tăng. Đó là mối nguy hiểm của những kẻ theo chủ nghĩa cực đoan bạo lực theo đuổi tìm kiếm VKHN và vũ khí này đang được phổ biến ra nhiều nước.

Do đó, trọng điểm trong chiến lược hạt nhân của Mỹ đã chuyển từ ứng phó với “mục tiêu quân sự mà vũ khí thông thường bất lực, mối đe dọa và sự tấn công của vũ khí hóa học sinh học và sự phát triển quân sự ngoài ý muốn” sang ứng phó với các mối đe dọa từ phổ biến VKHN và chủ nghĩa khủng bố hạt nhân [12].

Hơn nữa, trong bản báo cáo đầu tiên, đây là lần đầu tiên Mỹ khẳng định một mình nước Mỹ không thể hoàn thành sứ mệnh bảo vệ an ninh hạt nhân toàn cầu và ngăn chặn chủ nghĩa khủng bố hạt nhân, Mỹ “thật sự coi trọng phối hợp hợp tác” thông qua việc xây dựng lại và tăng cường quy chế không phổ biến toàn cầu, thúc đẩy hợp tác với các nước khác trên thế giới.

Nhìn chung, chính quyền Obama đặt mục tiêu giảm bớt vai trò của VKHN trong chiến lược an ninh quốc gia, đồng thời tăng cường các biện pháp hợp tác, phối hợp để giải quyết các vấn đề về chống khủng bố quốc tế và phổ biến VKHN. Việc giảm bớt vai trò của VKHN trong chiến lược an ninh quốc gia sẽ là cơ sở để Mỹ cắt giảm số lượng VKHN của mình, thực hiện các cam kết quốc tế Mỹ đã tham gia. Để triển khai chiến lược chống phổ biến VKHN, Chính quyền Obama đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và củng cố các thể chế quốc tế như Cơ chế NPT, Hiệp ước đa phương CTBT và tiếp đó là việc tìm kiếm và triển khai Hiệp ước mới thay thế Hiệp ước START I.

2.1.3.2. Chính sách chống phổ biến VKHN của Nga

Ngay khi vừa tuyên bố độc lập (6/1990), các chính quyền Nga từ B. Yeltsin đến Dmitri Medvedev (từ năm 2008) luôn dành sự ưu tiên hàng đầu cho vấn đề chống phổ biến VKHN. Bởi lẽ, bản thân nước Nga đang đứng trước mối nguy cơ rò rỉ nguyên liệu, công nghệ, kỹ thuật hạt nhân từ không gian hậu Xô viết. Bên cạnh đó, sau chiến tranh lạnh, ngày càng có nhiều các quốc gia cố gắng đạt được vũ khí hạt nhân, mà thực tế những thành viên mới của câu lạc bộ hạt nhân hiện nay đều là các nước láng giềng của Nga. Ngay từ khi nhậm chức, Tổng thống Nga năm 2000 đã xác định phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (trong đó có

VKHN) và chủ nghĩa khủng bố quốc tế là những nguy cơ an ninh hàng đầu của nước Nga [11].

Tháng 2/2010, Nga công bố Học thuyết quân sự mới, thay thế cho Học thuyết quân sự năm 2000. Cùng thời điểm thông qua Học thuyết quân sự mới, Tổng thống Dmitri Medvedev cũng ký “Thiết lập chính sách của Liên bang trong răn đe hạt nhân đến năm 2020”, song văn kiện này chưa được công khai. Trái ngược với mong đợi, Học thuyết quân sự mới dường như giảm bớt vai trò của VKHN đối với chính sách an ninh quốc gia của Nga. VKHN sẽ được sử dụng trong các cuộc xung đột khu vực có khả năng leo thang và chiến tranh toàn cầu. Tuy nhiên nếu trong Học thuyết quân sự năm 2000, VKHN sẽ được triển khai trong trường hợp liên quan đến “sự sống còn của an ninh quốc gia” (“in situations critical for national security”), thì phiên bản năm 2010 chỉ cho phép sử dụng loại vũ khí này khi “đe dọa đến sự tồn tại của nước Nga” (“the very existence of [Russia] is under threat”) [80]. Trong thành phần Lực lượng chiến lược, vai trò của yếu tố hạt nhân đã bị hạn chế. Điều này thể hiện rõ trong Học thuyết mới khi rất ít đoạn nhắc về việc sử dụng VKHN. Cũng như Mỹ, Nga nhấn mạnh vào lực lượng vũ khí thông thường và những nhân tố khác mà Nga có thế mạnh truyền thống.

Ngoài ra, Nga cũng muốn sử dụng cơ chế cắt giảm VKHN để giữ cân bằng với Mỹ khi hai kho vũ khí chiến lược của hai nước vẫn đang trong các giai đoạn hạn chế (thực hiện Hiệp ước START I, SORT, INF…). Trong nhiều năm, để có thể hoàn thành các nghĩ vụ của Hiệp ước, Nga đã chấp nhận sự hỗ trợ của Mỹ, đầu tiên là theo chươg trình Hạn chế nguy cơ hạn nhân, sau đó là dưới Sáng kiến Đối tác toàn cầu được hình thành tại Hội nghị G8 năm 2002 tại Kananaskis. Tuy nhiên, Nga luôn phản bác quan điểm cho rằng hệ thống VKHN của Nga hiện tại đang trong tình huống đặc biệt nguy hiểm cho an ninh, và rằng hệ thống này bị “rò rỉ”, do đó, nên được đặt dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt của quốc tế [90].

Tóm lại, chiến lược của Mỹ và Nga đã gặp những điểm chung khi cả hai đều hướng đến một thế giới không còn VKHN, nhấn mạnh việc đấu tranh chống phổ biến VKHN và chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Mỹ và Nga đều muốn hợp tác, tăng cường các biện pháp ngăn chặn phổ biến VKHN, đặc biệt là dựa vào một thể chế pháp lý hiệu quả. Thay đổi trong tư duy của chính quyền Obama và nỗ lực của chính quyền Medvedev là một trong những cơ sở chủ yếu đưa đến việc đàm phán và ký kết thành công Hiệp ước START mới ngày 8/4/2010.

Một phần của tài liệu Chuyên Đề Tác động của hiệp ước start mới đến vấn đề chống phổ biến vũ khí hạt nhân (Trang 43)