Nguy cơ phổ biếnVKHN sau chiến tranh lạnh

Một phần của tài liệu Chuyên Đề Tác động của hiệp ước start mới đến vấn đề chống phổ biến vũ khí hạt nhân (Trang 33)

HIỆP ƯỚC START MỚI VÀ NHỮNG TÁC ĐỘNG ĐẾN VẤN ĐỀ CHỐNG PHỔ BIẾN VŨ KHÍ HẠT NHÂN

2.1.1.Nguy cơ phổ biếnVKHN sau chiến tranh lạnh

Sau khi Liên Xô sụp đổ, chiến tranh lạnh kết thúc, sự đối đầu căng thẳng, quyết liệt giữa hai khối Đông – Tây không còn, và cuộc chạy đua vũ trang cũng ngừng lại. Nguy cơ về một cuốc chiến hạt nhân toàn diện giảm dần, tuy nhiên, sự kết thúc chiến tranh lạnh lại không dẫn đến việc biến mất của VKHN, mà ngược lại nguy cơ phổ biến VKHN lại gia tăng. Điều này có thể lý giải bởi một số lý do sau:

1/ Trước hết, nguy cơ phổ biến VKHN xuất phát từ sự rò rỉ vật liệu, công nghệ, kỹ thuật hạt nhân thuộc các nước Liên bang Xô viết cũ, hay nói cách khác là từ các kho VKHN không được bảo vệ đầy đủ, đặt tại các quốc gia này trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Sự bất ổn về chính trị và sự sụt giảm hơn 50% tổng sản phẩm quốc nội của các nước trong không gian Liên xô cũ là nguồn gốc gây ra sự bất an về hạt nhân. Hơn một nửa trong số 20 vụ rắc rối liên quan đến các thiết bị hạt nhân quân sự đã được ghi nhận trong khối Hiệp ước Vacsava cũ từ năm 1991 đến năm 2001. Hơn nữa, trong một cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy 24% trong số 130.000 chuyên gia Liên Xô có tri thức trong việc chế tạo VKHN sẵn sàng phục vụ cho bất kỳ nhà nước nào để đổi lấy một khoản tiền thích hợp [11].

2/ Nguy cơ phổ biến hạt nhân còn đến từ thị trường chợ đen, đó là mạng lưới buôn bán bất hợp pháp của chuyên gia hạt nhân A.Q. Khan bị phát hiện vào tháng 2/2004. Đây là một bằng chứng rõ ràng cho thấy nguy cơ phổ biến vũ khí, thiết bị, nguyên liệu, phương tiện vận chuyển hạt nhân ngày càng đáng lo, và có thể nằm ngoài tầm kiểm soát của các thiết chế quốc tế [46]. Từ những năm 80

của thế kỷ trước, nhóm tội phạm này đã cung cấp công nghệ, hay còn gọi là “tổ hợp khung để khởi đầu” cho tất cả những đối tượng quan tâm đến bom nguyên tử như Bắc Triều Tiên, Iran – hai nước vốn được Mỹ và phương Tây liệt vào danh sách nhóm nước “cứng đầu” và bất ổn [46]. Ngoài hai nước này, còn có Libi cũng là “khách hàng” của mạng lưới buôn lậu này; tuy nhiên Tổng thống Libi đã quyết định từ bỏ chương trình hạt nhân và chuyển giao cho Mỹ và Anh bản tài liệu tổng hợp khá công phu về mạng lưới các công ty, các nhà tài chính, kinh doanh, xưởng chế tạo máy có quan hệ với Khan. Mạng lưới này tỏa ra khắp thế giới, từ Dubai đến Malaysia và hàng loạt thủ đô ở Châu Âu. Tuy ông trùm Khan đã bị bắt giữ, nhưng những phụ tá của nhân vật này vẫn tiếp tục bí mật hoạt động. Thêm vào đó, trong những năm gần đây, một số chuyên gia đã khẳng định: Bắc Triều Tiên đã trở thành một nguồn cung cấp công nghệ và thiết bị hạt nhân - khách hàng của Bắc Triều Tiên có thể là Iran và Mianma [9].

3/ Việc dễ dàng tiếp cận công nghệ hạt nhân đặt trong bối cảnh chủ nghĩa khủng bố quốc tế phát triển như hiện nay khiến nguy cơ phổ biến hạt nhân càng đáng lo ngại đối với an ninh thế giới. Sau sự kiện 11/9/2001, mối lo ngại về việc VKHN có thể rơi vào tay những thành phần khủng bố cực đoan trở nên hiện hữu và thường trực hơn đối với an ninh nước Mỹ; thậm chí Chính phủ Mỹ cho rằng “Chưa có một nhiệm vụ an ninh quốc gia nào quan trọng hơn việc xử lý mối nguy hiểm hạt nhân mới mà Mỹ phải đối mặt trong thời kỳ sau chiến tranh lạnh” [1; 625].

Các nhóm khủng bố, hoặc các nhóm tội phạm xuyên quốc gia có thể sử dụng VKHN như một công cụ nhằm thực hiện mục tiêu chính trị, kinh tế của mình. Đặc biệt trong thời gian gần đây, đã xuất hiện một dạng vũ khí mới, có tên là “bom bẩn” – sử dụng chất nổ thông thường để rải chất phóng xạ trên một khu vực rộng lớn. Những phần tử khủng bố có vẻ rất quan tâm đến loại bom này. Nó không tạo ra các cột khói hình nấm với mức độ hủy diệt cao như bom hạt nhân, mà làm ô nhiễm môi trường một khu vực rộng đến hàng trăm dặm do nguyên

liệu phóng xạ tạo ra. Một vụ khủng bố bom bẩn có thể khiến khu vực bị tấn công phải hạn chế đi lại trong một khoảng thời gian, có thể kéo dài đến vài năm; gây tê liệt tạm thời về kinh tế (ví dụ như buộc phải đóng cửa cảng biển hoặc sơ tán trung tâm thành phố…); thậm chí để khắc phục hậu quả phải tốn khá nhiều chi phí; về lâu dài làm tăng nguy cơ ung thư, đồng thời tạo ra bầu không khí hoảng loạn sợ hãi trong dân chúng. Một cuộc khảo sát năm 2007 do Đại học Chicago Mỹ thực hiện đã chỉ ra rằng 65% dân chúng sẽ sơ tán ra khỏi khu vực bị tấn công bom bẩn dù chính phủ không có lệnh sơ tán và 39% nói rằng họ sẽ kiên quyết sơ tán kể cả khi chính phủ không đồng ý. Chính từ những tác hại tiềm tàng này, bom bẩn đã bị liệt vào danh sách các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt [55; 3]. Loại vũ khí này lại dễ tiếp cận hơn và công nghệ để làm bom bẩn cũng không phức tạp như bom hạt nhân, bom khinh khí, hoặc các thiết vị vận chuyển VKHN khác. Theo số liệu của IAEA, có 540 vụ buôn lậu nguyên liệu phóng xạ đã được phát hiện và hơn 300 vụ khác chưa được làm sáng tỏ [35].

Ngoài ra, các kho dự trữ VKHN cũng dễ bị những kẻ khủng bố tấn công vì chúng có âm mưu đánh cắp các nguyên liệu hạt nhân hoặc thiết bị và kỹ thuật cần thiết để sản xuất VKHN. Theo Phó Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ chịu trách nhiệm về lĩnh vực An ninh quốc gia và Chống khủng bố, John Brennan, lực lượng khủng bố Al-Qaeda đang ra sức tìm cách có được VKHN trong 15 năm qua, tuy chúng chưa đạt được tiến bộ đáng kể nào. Những kẻ khủng bố không đại diện cho bất kỳ một nước nào, do đó rất khó tìm ra cách giải quyết hiệu quả nhất. Nếu một nước có thể sử dụng biện pháp răn đe hạt nhân để giải quyết xung đột với một nước khác thì nước đó gần như không thể đe dọa một tổ chức khủng bố vì các nhóm này có thể hoạt động ở bên trong các đường biên giới của nhiều quốc gia khác nhau [10].

4/ Do nguồn cung nhiên liệu tự nhiên như than đá, dầu mỏ… đang suy giảm trên phạm vi toàn cầu, mà nhu cầu năng lượng để phục vụ phát triển kinh tế của các quốc gia lại tăng cao; đã buộc các nước phải phát triển và mở rộng sử

dụng năng lượng nguyên tử như một nguồn năng lượng thay thế. Tuy nhiên, điều này lại đặt ra những thách thức không nhỏ trong việc ngăn chặn phổ biến VKHN. Bởi công nghệ sản xuất nhiên liệu hạt nhân là lưỡng dụng, có thể được sử dụng trong các lò phản ứng hòa bình hoặc có thể sản xuất vật liệu nổ cho VKHN. Vì vậy, một cơ sở sản xuất nhiên liệu thương mại có thể trở thành một nhà máy sản xuất bom hạt nhân tiềm ẩn [2; 16].

5/ Nguy cơ phổ biến VKHN còn xuất phát từ chính các kho VKHN của các quốc gia mà trong đó, Mỹ và Nga sở hữu hai kho vũ khí khổng lồ nhất trên thế giới.

Bảng 4: Số lượng VKHN (ước tính) được triển khai trên thế giới

Tháng 1/2009

Quốc gia Năm nghiệm thành công Số đầu đạn chiến lược Số đầu đạn không chiến lược Tổng số đầu đạn được triển khai

Hoa Kỳ 1945 2200 500 2700 Nga 1959 2787 2047 4834 Anh 1952 160 // (160) Pháp 1960 300 // (300) Trung Quốc 1964 (186) … (186) Ấn Độ 1974 // // (60-70) Pakistan 1998 // // (60) Israel … // // (80) Tổng số (8392) Nguồn: [47; 346] Ghi chú:

• Tất cả số liệu nằm trong ngoặc đơn () đều là những con số ước lượng; • Tổng số VKHN được kiểm kê của Mỹ là 9400 đầu đạn, trong đó có 5200

đầu đạn nằm trong kho của Bộ Quốc phòng Mỹ (2700 đầu đạn chiến lược và không chiến lược đã được triển khai và 2500 đang lưu kho) và 4200 đầu đạn dự kiến sẽ bị tháo dỡ vào năm 2022;

• Tổng số VKHN được kiểm kê của Nga là 13.000 đầu đạn hạt nhân, trong đó có 8166 đang lưu kho hoặc đang chờ tháo dỡ theo các Hiệp định;

• Chưa có thông tin chính xác về số lượng đầu đạn hạt nhân không chiến lược của Trung Quốc được triển khai nên không xác định được số lượng loại vũ khí này;

• Theo các chuyên gia, Ấn Độ, Pakistan, và Israel mới chỉ triển khai một phần vũ khí trong kho VKHN của mình;

• Trường hợp Bắc Triều Tiên dù đã tuyên bố thử thành công VKHN vào năm 2006, nhưng chưa có một thông tin chính thức nào xác nhận nước này có VKHN đang được triển khai.

Nhìn vào bảng 4, có thể thấy, số lượng VKHN được triển khai gần 8400 đầu đạn trong đó có khoảng 2000 số vũ khí luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu. Nếu tính tất cả số VKHN được triển khai, chưa được triển khai, lưu trong kho, các vũ khí đang chờ dỡ bỏ, con số này có thể lên đến 23.300 đầu đạn. Trong đó, số lượng VKHN của Mỹ và Nga triển khai cao gấp nhiều lần so với nước đứng thứ 3 là Anh. Như vậy, để thúc đẩy tiến trình chống phổ biến VKHN, Mỹ và Nga cần phải hành động mạnh mẽ hơn trong việc cắt giảm kho vũ khí của chính mình. Hay nói cách khác, một trong những trụ cột của Quy chế Không phổ biến hạt nhân được xây dựng từ những năm 1990 là các hiệp định hợp tác song phương giữa Mỹ và Nga.

6/ Cuối cùng, tư duy hạt nhân thời kỳ Chiến tranh lạnh vẫn còn ngự trị ở không ít các quốc gia. Một số nước vẫn coi VKHN là công cụ đảm bảo lợi ích quốc gia hiệu quả nhất. Trước hết là đối với những lợi ích an ninh, loại vũ khí này vẫn đóng vai trò răn đe giữa các quốc gia trong việc giải quyết các xung đột, mâu thuẫn trong khu vực và thế giới. Cách tư duy này tạo ra hai kiểu chính sách: đối với các nước sở hữu VKHN, họ tiếp tục củng cố hay hiện đại hóa kho VKHN sao cho phù hợp với tình hình sau Chiến tranh lạnh để đối trọng với các

“đối thủ” tiềm tàng; mặt khác, đối với các quốc gia không sở hữu VKHN, họ kiên trì theo đuổi chương trình hạt nhân, dù vấp phải sự phản đối của đông đảo các quốc gia khác trên thế giới.

Trung Quốc là một cường quốc mới nổi từ sau chiến tranh lạnh. Tuy Trung Quốc luôn cam kết không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng VKHN trước, song thực tế nước này vẫn chủ trương hiện đại hóa lực lượng quân đội, đặc biệt là xây dựng một lực lượng hạt nhân “tinh nhuệ và hiệu quả”, không theo đuổi ưu thế về số lượng mà chú trọng đến chất lượng của các loại VKHN. Đặc biệt là lực lượng hải quân Trung Quốc đã có tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân chiến lược, nâng cao toàn diện khả năng “răn đe và phản kích chiến lược” [49; 5]. Theo số liệu thống kê, Trung Quốc hiện giờ ước tính 186 đầu đạn hạt nhân được triển khai (Xem chi tiết tại bảng số 4). Chính quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc đã gây ra lo ngại cho một số nước láng giềng như Nga, Ấn Độ… Ấn Độ đã quyết định ký kết Hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự đầy tranh cãi với Mỹ năm 2005, còn Nga vẫn tiếp tục tinh giảm VKHN cũ từ thời Liên Xô và tiến hành hiện đại hóa.

Ngoài ra, có thể thấy, tại khu vực Nam Á, đang diễn ra “cuộc chạy đua hạt nhân” từ ngấm ngầm đến công khai giữa Ấn Độ và Pakistan [16; 100]. Chương trình hạt nhân của Pakistan lấy tên là Ghauri một phần nhằm đối trọng với chương trình hạt nhân Prithvi của Ấn Độ (cần lưu ý rằng tên của hai chương trình này lấy từ tên hai vị vua của hai nước). Vụ thử tên lửa Ghauri năm 1998 đã giảm được khoảng cách chiến lược về lực lượng hạt nhân giữa Pakistan với Ấn Độ. Song sự kiện này đã khiến Ấn Độ tiếp tục một loạt các vụ thử hạt nhân khác. Việc Pakistan tuyên bố sẽ luôn thử vũ khí hạt nhân hơn Ấn Độ một lần, rõ ràng là bằng chứng cho thấy những vụ việc này mang màu sắc cạnh tranh chính trị, uy hiếp, răn đe nhau hơn là vì lý do kỹ thuật [16; 102].

Bên cạnh đó, quan niệm VKHN thể hiện sức mạnh quốc gia, vị trí, tiếng nói của nước lớn trên trường quốc tế dường như vẫn không thay đổi trong cách tư duy của các nhà hoạch định chính sách. Có thể thấy rõ quan điểm này trong

trường hợp của Nga. Nước Nga bước ra khỏi chiến tranh lạnh kế thừa di sản khổng lồ của Liên bang Xô viết, bao gồm một nền kinh tế khủng hoảng nghiêm trọng, bất ổn xã hội – chính trị gia tăng, và một kho VKHN lớn thứ hai thế giới. Nếu địa vị kinh tế của Nga giảm khá nhiều so với thời kỳ chiến tranh lạnh thì trong lĩnh vực hạt nhân, Nga vẫn được coi là “siêu cường” và Nga luôn lợi dụng VKHN như một cách thể hiện sức mạnh, gia tăng tầm ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế. Thậm chí, tri thức về hạt nhân lại là một trong những lĩnh vực kinh tế duy nhất có giá trị cao mà ở đó, nước Nga có khả năng cạnh tranh. Hợp tác với các nước khác để xây dựng nhà máy hạt nhân là một trong những cách Nga triển khai sức mạnh hạt nhân của mình, gây tầm ảnh hưởng đối với một số quốc gia trong khu vực và thế giới.

Tóm lại, môi trường quốc tế sau Chiến tranh lạnh đã tạo điều kiện cho nguy cơ phổ biến hạt nhân tăng cao. Sự rò rỉ hạt nhân từ các lò phản ứng, từ thị trường chợ đen… kết hợp với chủ nghĩa khủng bố quốc tế, ý chí của các quốc gia mong muốn sở hữu công nghệ hạt nhân đã trở thành những thách thức lớn đối với an ninh thế giới cũng như đối với mục tiêu “một thế giới không VKHN” của nhân loại. Mặt khác, số lượng VKHN trong các kho vũ khí của Nga và Mỹ dù đã cắt giảm nhưng vẫn còn tương đối lớn. Chính thực tế phổ biến VKHN sau chiến tranh lạnh đã khiến Nga và đặc biệt là Mỹ điều chỉnh chính sách chống phổ biến VKHN của mình. Một trong những trọng tâm ưu tiên của chính quyền Obama thời gian gần đây là việc hợp tác với Nga nhằm cắt giảm và hạn chế kho VKHN.

Một phần của tài liệu Chuyên Đề Tác động của hiệp ước start mới đến vấn đề chống phổ biến vũ khí hạt nhân (Trang 33)