Hình thức, phương pháp giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên

Một phần của tài liệu Giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên ở thành phố Hà Nội hiện nay thực trạng và giải pháp (Trang 56)

Hiệu quả của công tác giáo dục pháp luật không chỉ phụ thuộc vào nội dung mà còn phụ thuộc vào hình thức và phương pháp giáo dục pháp luật. Bởi vì, để chuyển tải được nội dung giáo dục pháp luật đến đối tượng giáo dục, đòi hỏi phải có cách thức và biện pháp tác động phù hợp với khả năng tiếp nhận của đối tượng. Theo các tác giả Trần Ngọc Đường, Dương Thị Thanh Mai, "hình thức giáo dục pháp luật là các dạng hoạt động cụ thể để tổ chức quá trình giáo dục pháp luật, để thể hiện nội dung giáo dục pháp luật", còn "phương pháp giáo dục pháp luật là hệ thống các cách thức sử dụng để tiến hành hoạt động giáo dục pháp luật" [24, tr. 75].

Là hệ thống các qui tắc xử sự chung trong xã hội, pháp luật có phạm vi điều chỉnh rộng lớn và có đối tượng tác động phong phú, phức tạp do vậy đòi hỏi việc phổ biến, giáo dục pháp luật phải có nhiều hình thức và phương pháp đa dạng phù hợp với từng loại đối tượng khác nhau và tùy thuộc tình hình cụ thể trong mỗi giai đoạn. Ở nước ta hiện nay, thực chất chưa có các hình thức giáo dục pháp luật được xác định ổn định về mặt lý luận mà vẫn đang trong giai đoạn tìm tòi, thử nghiệm. Tuy nhiên, trong thực tiễn có rất nhiều hình thức phổ biến giáo dục pháp luật khác nhau như: Trực tiếp truyền đạt nội dung pháp luật cho người nghe (tuyên truyền miệng), sử dụng báo chí và hệ thống truyền thanh cơ sở, biên soạn và phát hành các loại tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật; truyền đạt nội dung pháp luật thông qua các phương pháp sư phạm (giáo dục pháp luật trong nhà trường); tổ chức các hình thức thi tìm hiểu pháp luật; tổ chức các câu lạc bộ pháp luật, xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật; thông qua hoạt động trợ giúp pháp lý; hòa giải cơ sở; thông qua các hình thức văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là các loại hình sinh hoạt văn hóa truyền thống.

Đối với thanh thiếu niên, có thể sử dụng một số hình thức, phương pháp giáo dục pháp luật sau:

51

- Giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên trong các trường phổ thông và đại học

Đây là hình thức giáo dục pháp luật chính quy quan trọng và cơ bản nhất cho thanh thiếu niên. Tất cả học sinh và sinh viên đều là thanh thiếu niên. Hiểu biết pháp luật là một bộ phận quan trọng không thể thiếu được trong tri thức của học sinh, sinh viên. Nội dung pháp luật được tích hợp trong các môn học như: giáo dục công dân, đạo đức, tìm hiểu tự nhiên xã hội, chính trị, pháp luật đại cương... Các chương trình giáo dục ngoài giờ giúp học sinh, sinh viên thực hành pháp luật, tiếp cận với văn hóa pháp luật, thực thi các quy phạm pháp luật trong đời sống, trong học tập và trong lao động. Cùng với việc xây dựng chương trình và sách giáo khoa về luật pháp, các trường phổ thông và đại học đã hình thành được đội ngũ giáo viên giảng dạy và hướng dẫn thực hành pháp luật.

- Giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên thông qua các hoạt động tuyên truyền

Tổ chức cho đoàn viên, thanh niên nghiên cứu, học tập, thảo luận, góp ý các văn bản pháp luật, tập trung vào các bộ luật cơ bản, thiết thân đối với thanh thiếu niên như: Luật Thanh niên, Luật bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Giáo dục, Luật Phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Giao thông đường bộ...

Tổ chức giáo dục pháp luật thông qua hoạt động truyền thông như: mít tinh, diễu hành cổ động, hội trại thanh thiếu niên, phát tài liệu tuyên truyền, truyền thanh, bản tin, cụm panô tuyên truyền (về an toàn giao thông, phòng chống ma túy, HIV/AIDS)... ở các cấp.

Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thi đội tuyên truyền thanh niên, báo cáo viên, tuyên truyền viên trẻ về những chủ đề mang tính thời sự

52

như: phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, bầu cử, biên giới hải đảo, đường sắt...

- Giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên thông qua các mô hình của thanh thiếu niên ở cơ sở

Xây dựng mô hình câu lạc bộ của đoàn viên, thanh niên mang tính đặc thù của các cấp Đoàn cơ sở như: câu lạc bộ tuổi trẻ với pháp luật, câu lạc bộ phòng chống tệ nạn xã hội, câu lạc bộ hôn nhân và gia đình, câu lạc bộ bạn giúp bạn, câu lạc bộ đồng đẳng, câu lạc bộ niềm tin... Hoạt động của các câu lạc bộ này vừa giúp nâng cao hiểu biết pháp luật, góp phần phòng ngừa hành vi vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên.

Mô hình đội tuyên truyền thanh niên (đội tuyên truyền thanh niên phổ biến pháp luật, đội tuyên truyền thanh niên về dân số, sức khỏe, môi trường...) lồng ghép với các hoạt động văn hóa, văn nghệ, cổ động, triển lãm. Những mô hình này vừa góp phần đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần lành mạnh của thanh thiếu niên, vừa giúp quá trình đưa thông tin pháp luật đến thanh thiếu niên được hấp dẫn, hiệu quả.

Mô hình tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho thanh thiếu niên có thể được thành lập ở các cơ sở Đoàn Thanh niên. Đây là hình thức giáo dục pháp luật trực tiếp theo nhu cầu của thanh thiếu niên. Các cán bộ tư vấn sẽ tư vấn trực tiếp, hoặc qua điện thoại, thư từ... cho thanh thiếu niên.

Ngoài ra, đối với thanh thiếu niên đang theo học trong các nhà trường, một số hình thức lồng ghép nội dung giáo dục pháp luật cũng có thể được thực hiện như: ký cam kết không vi phạm pháp luật, giúp đỡ thanh thiếu niên chậm tiến, thanh niên tình nguyện tham gia các chiến dịch, đợt cao điểm phòng chống tội phạm, ma túy, mại dâm, đội thanh niên xung kích an ninh, thanh niên cờ đỏ tham gia phối hợp với lực lượng công an tuần tra, kiểm soát, bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn dân cư, xây dựng tủ sách pháp luật...

53

- Giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên thông qua hệ thống báo chí, sách tham khảo, hướng dẫn, giải thích pháp luật, mạng internet

Vì hệ thống báo chí sách tham khảo, hướng dẫn, giải thích pháp luật, mạng internet có lượng thông tin, tri thức phong phú vừa có vai trò khai sáng, vừa giúp người đọc giải trí nên hình thức giáo dục pháp luật này dễ mang lại hiệu quả cao. Thông tin trên báo chí mang tính hai chiều, vừa chuyển tải tới các tổ chức, cá nhân các văn bản luật pháp và hướng dẫn phương thức thực hiện vừa phản ánh thực trạng của việc thực hiện luật pháp trong xã hội, phản ánh đời sống pháp luật cũng như hoạt động xây dựng pháp luật. Báo chí vừa là diễn đàn của nhân dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, mở rộng giao lưu hội nhập quốc tế, vừa đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật. Thanh thiếu niên ngày nay tiếp cận với báo chí và mạng internet khá thường xuyên. Do đó, báo chí đã thực sự trở thành phương tiện rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đóng góp hiệu quả trong việc phổ cập, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của thanh thiếu niên tăng cường kỷ cương xã hội, nâng cao dân trí pháp lý và văn hóa pháp luật trong nhân dân góp phần thực hiện dân chủ hóa xã hội.

Để tuyên truyền, giáo dục pháp luật bằng công cụ Internet, các nhà quản trị thường phải cung cấp những thông tin về các văn bản luật chủ yếu, các quy định mới và các dự án luật có quan hệ thiết thân đến sinh viên như các luật thanh niên, luật nghĩa vụ quân sự, các văn bản về luật giao thông, an ninh trật tự, về phòng cháy chữa cháy, phòng chống các tệ nạn xã hội v.v..., các mẫu biểu, thủ tục hành chính, các vấn đề có liên quan đến khiếu nại, tố cáo. Xây dựng hoặc nêu ra những trường hợp, tình huống pháp lý cụ thể để cùng định hướng cách thức hành xử đúng pháp luật, hợp tình, hợp lý. Ngoài ra cũng cần chú ý đăng các tin, bài, các phóng sự điều tra về tình hình vi phạm pháp luật để giáo dục, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật trong

54

cộng đồng dân cư. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những gương người tốt, việc tốt, các cá nhân, tập thể gương mẫu trong việc thực hiện các quy định của pháp luật, chấp hành nghiêm túc các quy định của nhà trường.

Một phần của tài liệu Giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên ở thành phố Hà Nội hiện nay thực trạng và giải pháp (Trang 56)