Vị trí, vai trò của giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên

Một phần của tài liệu Giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên ở thành phố Hà Nội hiện nay thực trạng và giải pháp (Trang 39)

1.1.4.1. Giáo dục pháp luật giúp thanh thiếu niên nhận thức được giá trị, vai trò của pháp luật

Với nhiều hình thức, biện pháp khác nhau, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức và tác động trực tiếp đến ý thức của thanh thiếu niên. Trước hết, các hoạt động này tạo ra sự quan tâm đối với pháp luật. Từ chỗ không để ý đến sự tồn tại của pháp luật, thanh thiếu niên được giáo dục bắt đầu dành sự quan tâm của mình đối với pháp luật, đồng thời sự hiểu biết về pháp luật cũng ngày càng được nâng cao. Pháp luật chính là phương tiện hàng đầu để Nhà nước quản lý xã hội và cũng là phương tiện cho mỗi người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Công tác giáo dục pháp luật giúp cho thanh thiếu niên nhận thức được những giá trị cao đẹp ấy của pháp luật và biết sử dụng phương tiện hữu hiệu đó trong cuộc sống.

Một trong những nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được xác định tại Điều 79 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 là: "Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật, tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, giữ gìn bí mật quốc gia, chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng". Nghĩa vụ đó của mỗi công dân chỉ được thực hiện một cách đầy đủ và chính xác khi mà mỗi công dân nắm được quy định của pháp luật. Giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên, thế hệ công dân trẻ và công dân tương lai, bên cạnh việc giúp họ sớm hình thành khả năng tự kiềm chế trước sự tác động của mọi hoàn cảnh còn giúp họ có được những phẩm chất cần thiết để đạt được sự hợp pháp trong sinh hoạt hàng ngày và phù hợp với đạo đức xã hội chủ nghĩa.

34

Giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên là một quá trình được tiến hành nhằm hình thành cho họ ý thức trách nhiệm của mình với tư cách là một thành viên của cộng đồng dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Giáo dục pháp luật phải nhằm xác định mối quan hệ đúng đắn giữa Nhà nước, pháp luật và mọi thành viên trong xã hội. Do đó, góp phần xây dựng thái độ tôn trọng đối với Nhà nước và pháp luật, tôn trọng mọi nguyên tắc, thể chế của pháp luật và các quy tắc xã hội là một trong những yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng của công tác giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên.

Ý thức tôn trọng Nhà nước và pháp luật là một trong những phẩm chất cơ bản của mỗi công dân trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Sự tôn trọng này phải được xác lập trên cơ sở của sự hiểu biết sâu sắc, đầy đủ về chức năng, vai trò và nhiệm vụ của Nhà nước cũng như chức năng của pháp luật xã hội chủ nghĩa. Thái độ tôn trọng đối với nhà nước không chỉ đơn thuần biểu hiện qua thái độ mà trước hết và chủ yếu bằng hành động thực tế trong việc chấp hành các chủ trương, chính sách của Nhà nước, chấp hành nghiêm chỉnh mọi quy định của pháp luật. Khi đề cập đến vấn đề chấp hành pháp luật, cần phải đặc biệt nhấn mạnh tính cụ thể của ý thức pháp luật nhằm giúp họ hiểu ý nghĩa của việc tôn trọng ý thức pháp luật một cách đầy đủ nhất, triệt để nhất.

Tôn trọng và chấp hành pháp luật tuyệt nhiên không chỉ dừng lại ở việc thi hành các điều khoản trong các văn bản quy phạm pháp luật cụ thể mà bao hàm cả ý thức chấp hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bởi vì pháp luật chính là sự thể chế hóa đường lối chủ trương của Đảng, thể hiện ý chí của nhân dân phải được thực hiện thống nhất trong cả nước. Tuân thủ pháp luật chính là chấp hành đường lối chủ trương, chính sách của Đảng.

Ý thức tôn trọng Nhà nước, tôn trọng pháp luật còn bao hàm cả việc xác định đúng đắn trách nhiệm của mỗi người trong việc tuyên truyền cổ động cho đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, là sự nỗ lực của mỗi

35

người nhằm thúc đẩy quá trình hiện thực hóa đường lối chính sách đó vào cuộc sống xã hội. Ý thức tôn trọng pháp luật phải được thể hiện thông qua việc góp phần tích cực trong phát huy hiệu lực của các văn bản pháp luật, trong sự nghiệp bảo vệ thành quả của cách mạng, trong công cuộc xây dựng đất nước ngày một giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

1.1.4.2. Giáo dục pháp luật là một bộ phận quan trọng trong giáo dục chính trị, tư tưởng

V.I. Lê-nin đã nhấn mạnh: "Luật là biện pháp chính trị, là chính trị" [32]. Đường lối chính trị của Đảng ta - chỗ dựa của công cuộc đổi mới mọi mặt về chính trị, kinh tế, xã hội đã đi vào tất cả các mặt của hoạt động lập pháp, chỉ đạo nội dung của pháp luật. Có thể thấy rằng, ý thức pháp luật là một bộ phận của ý thức chính trị. Vì vậy, khi thực hiện giáo dục pháp luật sẽ tạo ra khả năng cho việc giáo dục chính trị, hình thành ở thanh thiếu niên những hiểu biết nhất định về chính trị. Ngược lại, giáo dục chính trị có những sự đan xen nhất định trong nội dung của mình những tư tưởng pháp lý.

Trong hệ thống giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, thẩm mỹ, lao động... giáo dục pháp luật có ý nghĩa trực tiếp vì nó đề cập trực tiếp đến một phương tiện phổ biến quan trọng nhất trong việc quản lý đời sống xã hội, đến môi trường sinh hoạt, hoạt động hàng ngày của thanh thiếu niên. Giáo dục pháp luật tạo ra khả năng hình thành các điều kiện và nhân tố thuận lợi cho hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội, làm xuất hiện và củng cố những phẩm chất tích cực của ý thức và hành vi của cả chủ thể lẫn đối tượng quản lý.

1.1.4.3. Giáo dục pháp luật giúp hình thành ý thức pháp luật và đạo đức

Đạo đức là những tiêu chuẩn, những nguyên tắc ứng xử được dư luận xã hội thừa nhận, quy định hành vi, quan hệ của con người đối với nhau và đối với xã hội.

Trong các quan niệm về công bằng, thiện ác, nhân đạo, tự do, lương tâm, danh dự... không có sự đối lập giữa pháp luật và đạo đức. Pháp luật là

36

chỗ dựa và là cơ sở của việc hình thành đạo đức mới. Các nguyên tắc căn bản của đạo đức mới được thể chế hóa thành các quy phạm pháp luật. Do đó, pháp luật bảo vệ và phát triển đạo đức, bảo vệ tính công bằng, chủ nghĩa nhân đạo, tự do, lòng tin và lương tâm con người. Giáo dục đạo đức tạo nên những tiền đề cần thiết để hình thành ở công dân sự tôn trọng sâu sắc đối với pháp luật. Ngược lại, giáo dục pháp luật tạo ra khả năng thiết lập trong đời sống thực tiễn thường ngày những nguyên tắc của đạo đức, củng cố các nghĩa vụ đạo đức, hình thành lập trường không dung thứ với các biểu hiện chống đối xã hội.

Chúng ta biết rằng, tiềm lực và tương lai của một quốc gia trong một chừng mực nhất định nào đó, được thể hiện qua ý thức pháp luật của mỗi công dân thuộc quốc gia đó. Vì rằng, ý thức pháp luật của mỗi công dân càng cao, càng hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật. Mặt khác, ý thức pháp luật của mỗi công dân càng cao thì tính thống nhất của cộng đồng dân tộc đó càng lớn và do vậy càng nhân thêm sức mạnh của quốc gia. Trong mối liên hệ đó, việc hình thành thói quen xử thế theo pháp luật cho thế hệ trẻ chính là góp phần tạo nên tiềm lực cho đất nước, tạo nên một trong những cơ sở vững chắc cho sự ổn định và phát triển của đất nước.

Có thể nói, giáo dục pháp luật và giáo dục đạo đức cùng tác động vào lòng tin của con người đối với sự cần thiết tuân theo những nguyên tắc cơ bản của đạo đức mới, lòng tin đối với giá trị xã hội của pháp luật và lòng tin đối với những quy phạm đạo đức và pháp luật trong đời sống thực tế hàng ngày, hướng đến hoàn thiện những mối quan hệ lẫn nhau giữa con người với con người.

1.1.4.4. Giáo dục pháp luật là khâu đầu tiên trong quá trình triển khai thực hiện pháp luật

Sự khẳng định vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội gắn liền với quá trình không ngừng nâng cao ý thức và tính tích cực tham gia của mọi tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ pháp luật. Tăng cường pháp chế xã hội chủ

37

nghĩa (mà một trong những yếu tố cấu thành là sự phát triển của nhận thức pháp luật và văn hóa pháp lý của nhân dân), mở rộng và hoàn thiện nền dân chủ sẽ không có ý nghĩa khi không thực hiện được một cách toàn diện, hiệu quả công tác giáo dục pháp luật cho cán bộ và nhân dân nói chung và thanh thiếu niên nói riêng.

Việc thực thi và chấp hành pháp luật phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có yếu tố ý thức pháp luật và văn hóa pháp lý của nhân dân.

Đặc trưng rõ nét của ý thức pháp luật - thể hiện thái độ của các thành viên trong xã hội đối với kỷ cương, pháp luật là sự đánh giá và ghi nhận tính công bằng của pháp luật xã hội chủ nghĩa. Pháp luật chỉ có thể trở thành công cụ có tác dụng điều chỉnh những hành vi đúng đắn khi sự cần thiết của nó đối với xã hội được ghi nhận, chấp nhận, khi mà nghĩa vụ chấp hành các quy định của pháp luật thực sự trở thành nhu cầu chấp hành một cách tự nguyện và có ý thức của bản thân mỗi người. Bởi thế có thể coi ý thức pháp luật như là tiền đề tư tưởng cho sự củng cố và phát triển nền pháp chế.

Trong thực tế, không phải lúc nào việc chấp hành pháp luật cũng trở thành ý thức tự nguyện. Bởi vậy trong điều kiện hiện nay, vai trò của giáo dục pháp luật là hình thành ý thức pháp luật, góp phần giúp thanh thiếu niên nhận ra tính công bằng của pháp luật, chấp hành pháp luật trên cơ sở tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu của bản thân, mà không phải do sự sợ hãi trước sự trừng phạt.

Tuân thủ pháp chế xã hội chủ nghĩa còn phụ thuộc không nhỏ vào trình độ văn hóa pháp lý của thanh thiếu niên. Trình độ văn hóa pháp lý không chỉ phản ánh sự hiểu biết các quy định của pháp luật một cách tổng thể, cần thiết cho thanh thiếu niên, gắn liền với các nghĩa vụ của họ mà còn là sự hiểu biết một cách sâu sắc ý nghĩa của pháp luật trong cuộc sống xã hội, sự tôn trọng pháp luật và biết vận dụng pháp luật một cách đúng đắn.

38

1.1.4.5. Giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên góp phần quan trọng vào hình thành nhân cách của thanh thiếu niên

Thứ nhất, giáo dục pháp luật làm cho thanh thiếu niên tạo dựng thói quen hành động theo pháp luật nên đã dần hình thành tính hướng thiện trong hành vi của thanh thiếu niên. Đó là vì sự điều chỉnh của pháp luật nhằm chống lại cái ác, bảo vệ cái thiện, hướng con người hành động trong mối quan hệ vươn tới cái thiện. Sự hiểu biết và tôn trọng pháp luật giúp thanh thiếu niên luôn hướng đến những hành động bảo vệ cái thiện, chống lại cái ác.

Thứ hai, giáo dục pháp luật tạo nên tính kiềm chế trong hành vi của thanh thiếu niên. Bởi vì sự hiểu biết pháp luật sẽ trực tiếp giúp thanh thiếu niên nhận thức được trách nhiệm đối với hành vi của mình, hạn chế được sự bột phát, thiếu suy nghĩ của mình trong ứng xử. Đây cũng là cơ sở, là tiền đề để hình thành phong cách sống tự tin, chủ động của thanh thiếu niên, tạo cho họ khả năng kiềm chế cao, biết lựa chọn phương thức ứng xử thích hợp trước mọi tình huống xảy ra, tránh cho họ khỏi rơi vào hoàn cảnh phạm tội không tự giác.

Thứ ba, giáo dục pháp luật hình thành ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ công dân của thanh thiếu niên. Quyền và nghĩa vụ của công dân được pháp luật xác định không phải là sự ban phát của Nhà nước đối với công dân mà xuất phát từ điều kiện cụ thể của đời sống xã hội trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Giáo dục pháp luật giúp thanh thiếu niên hiểu được những quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mình từ đó họ có ý thức hơn trong mọi hành vi, xử sự, ý thức được trách nhiệm của mình đối với nhà nước, đối với cộng đồng xã hội.

Cùng với việc hình thành thói quen hành động theo đúng pháp luật cho thanh thiếu niên, công tác giáo dục pháp luật có nhiệm vụ giáo dục tính tích cực của người công dân và trách nhiệm của họ trong đấu tranh chống những biểu hiện vi phạm pháp luật. Giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên nhằm hình thành ở họ ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật nhưng không

39

phải là sự tuân thủ một cách thụ động. Yêu cầu ở đây đặt ra là thông qua giáo dục pháp luật, chúng ta phải xây dựng cho họ ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ của người công dân đối với Tổ quốc, tinh thần sẵn sàng thực hiện và hoàn thành nghĩa vụ của mình trong mọi điều kiện, đấu tranh và loại trừ lối sống vị kỷ, né tránh nghĩa vụ của người công dân, trước hết là nghĩa vụ học tập tốt, rèn luyện tốt thông qua việc xác định đúng đắn động cơ học tập và gắn việc học tập, rèn luyện của các em vào mục đích phục vụ cho sự nghiệp xây dựng đất nước, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Giáo dục cho thanh thiếu niên có một nhận thức sâu sắc về số phận tương lai của dân tộc. Cùng với học tập, thanh thiếu niên có quyền và nghĩa vụ lao động. Lao động cho chính bản thân mình và lao động cho Tổ quốc, cho tương lai của cả dân tộc. Xác định quyền và nghĩa vụ lao động cho thanh thiếu niên có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp cho họ nhận rõ giá trị đích thực của lao động. Giáo dục tính tích cực của người công dân sẽ giúp thanh thiếu niên tìm thấy giá trị trong chính thành quả lao động của mình, tìm thấy hướng đi phù hợp với quy luật phát triển của xã hội trong thời đại văn minh.

Đề cập đến tính tích cực của công dân là nói đến khả năng và tinh thần tự giác của họ trong việc tham gia vào quá trình hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Khả năng, mức độ tham gia vào công tác quản lý xã hội là thước đo tinh thần làm chủ và ý thức giác ngộ cách mạng của công dân trước vận mệnh của đất nước. Tính tích cực của công dân không chỉ được thể hiện qua việc thực hiện những nghĩa vụ của mình mà còn được thể hiện ở ý thức tự giác tham gia vào cuộc đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực và việc đấu tranh ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật.

Đối với mỗi công dân, tinh thần yêu nước phải được thể hiện thông qua ý thức tôn trọng chân lý, thiết tha phấn đấu vì sự công bằng xã hội và thái độ không chấp nhận những hành vi vi phạm pháp luật, kiên quyết đấu tranh để loại bỏ những hành vi tiêu cực đó ra khỏi đời sống xã hội. Yêu cầu giáo

40

dục pháp luật cho thanh thiếu niên là làm cho họ nhận thức sâu sắc rằng làm ngơ, né tránh trước những hành vi tiêu cực là tự chôn vùi lương tâm, phẩm giá của con người, là sự chối bỏ trách nhiệm của công dân. Do vậy, hình thành ý thức đấu tranh chống mọi hành vi vi phạm pháp luật cho thanh thiếu

Một phần của tài liệu Giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên ở thành phố Hà Nội hiện nay thực trạng và giải pháp (Trang 39)