Nội dung giáo dục pháp luật là yếu tố quan trọng của quá trình giáo dục pháp luật. Xác định đúng nội dung giáo dục pháp luật là đảm bảo cần thiết để giáo dục pháp luật có hiệu quả. Nội dung giáo dục pháp luật được xác định dựa trên cơ sở mục đích của giáo dục pháp luật là hình thành ở đối tượng giáo dục hệ thống tri thức pháp luật, tình cảm, lòng tin và thói quen hành động phù hợp với yêu cầu của pháp luật. Do đó, nội dung của giáo dục pháp luật nói chung bao gồm việc cung cấp một cách thường xuyên, có hệ thống các loại thông tin về pháp luật và thực tiễn thi hành, bảo vệ pháp luật. Đó là một phạm vi rộng bao gồm các kiến thức pháp luật cơ bản như lý luận khoa học về pháp luật, các ngành luật, các văn bản pháp luật thực định, các thông tin về việc thực hiện pháp luật, về điều tra, xét xử các vụ án hình sự, dân sự, kinh tế, các thông tin hướng dẫn hành vi pháp luật cụ thể của công dân như
47
thực hiện quyền và nghĩa vụ theo pháp luật, các quy định và thủ tục để bảo vệ lợi ích của Nhà nước và xã hội, các quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể và công dân.
Tuy nhiên, mức độ về nội dung giáo dục pháp luật phải được xác định cho từng nhóm đối tượng cụ thể thì mới có hiệu quả thiết thực trong việc giáo dục pháp luật. Giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên với những đặc điểm đặc thù về đối tượng, vì vậy nội dung giáo dục pháp luật cũng có những nét đặc thù riêng. Việc xác định, lựa chọn nội dung giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên phải đảm bảo hai yêu cầu:
- Giáo dục pháp luật phổ thông có hệ thống những kiến thức cơ bản về pháp luật: hệ thống pháp luật nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; nội dung cơ bản của Hiến pháp 1992 - nhất là các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; các Bộ luật quan trọng...
- Giáo dục pháp luật chuyên ngành: nội dung này phải gắn với mục tiêu đào tạo nghề của từng khối ngành như sau:
+ Đối với học sinh, sinh viên: nội dung giáo dục pháp luật cần phải nhấn mạnh mối quan hệ giữa giáo dục và nâng cao trình độ văn hóa pháp lý cho thế hệ trẻ trong xu thế hội nhập hiện nay, giúp họ ý thức đầy đủ hơn về trách nhiệm của mình trong bối cảnh quốc tế mới. Giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên phải nhằm làm cho họ hiểu biết một cách đầy đủ, sâu sắc về cuộc sống thực tế, về ý thức xã hội, về những hoạt động có tính mục đích và mang ý nghĩa xã hội rõ rệt. Vấn đề then chốt của giáo dục pháp luật cho thế hệ công dân tương lai là nhằm trang bị cho họ những kiến thức tổng quát nhất, giúp họ hiểu một cách đầy đủ, chính xác và khoa học về pháp luật. Sự hiểu biết đó là tiền đề cả về chiều sâu và bề rộng của ý thức pháp luật. Giáo dục pháp luật trong nhà trường phải bảo đảm chương trình tương ứng với trình độ văn hóa, phù hợp với nhận thức của các em. Điều đó có nghĩa là giáo dục pháp luật trong các trường phải đảm bảo cho chương trình nâng dần từ
48
thấp đến cao. Mặt khác, trong khi tổ chức giáo dục pháp luật cho các em đang theo học trong các nhà trường, chúng ta cần phải xây dựng chương trình với sự định hướng trước dựa theo quy luật phát triển nhận thức và khả năng tiếp nhận của các em, dung lượng thông tin pháp luật cần bảo đảm và đáp ứng với nhu cầu hiểu biết của các em. Với sự định hướng đó, giáo dục pháp luật phải bảo đảm sau khi học hết chương trình phổ thông cơ sở, các em phải hiểu biết và thực hiện đúng luật giao thông đường bộ, hiểu và chấp hành đúng những quy định về giữ gìn trật tự, vệ sinh nơi công cộng... Đối với học sinh phổ thông trung học, các em đã bắt đầu thực hiện một số nghĩa vụ công dân, do vậy, việc nghiên cứu, học tập Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình... đã trở nên rất cần thiết đối với các em. Đối với sinh viên các trường cao đẳng, đại học các ngành không chuyên về luật thì các em phải nắm được các kiến thức pháp luật về các ngành luật như Luật hiến pháp, Luật dân sự, Luật hành chính... Thông qua học tập các ngành luật đó, các em sẽ có được những nhận thức cơ bản về quyền về nghĩa vụ của mình đối với xã hội và hiểu biết toàn diện về pháp luật thuộc lĩnh vực sau này mình sẽ làm việc. Điều đó cũng có ý nghĩa giúp cho các em thấy trước hậu quả pháp lý phải gánh chịu để cân nhắc, lựa chọn trước khi hành động, tránh cho các em sự vi phạm pháp luật một cách không tự giác. Giáo dục pháp luật cho thế hệ công dân tương lai chính là góp phần tạo ra tiền đề giúp các em phát triển một cách toàn diện về đức - trí - thể - mỹ.
+ Đối với thanh niên là công chức nhà nước: nội dung giáo dục pháp luật cần phải toàn diện về hệ thống pháp luật và chuyên sâu về những ngành luật liên quan đến hoạt động, công việc hàng ngày của công chức. Đó là vì nhu cầu giải quyết các công việc chuyên môn đòi hỏi cán bộ công chức phải có trình độ kiến thức pháp luật chuyên ngành cao. Tuy nhiên, theo phân cấp hành chính hiện nay, cán bộ công chức hành chính ở nước ta đang đảm nhiệm công việc tại bốn cấp: cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) với các chức năng, nhiệm vụ khác nhau và thuộc các ngành,
49
các lĩnh vực khác nhau. Ở mỗi cấp, mỗi lĩnh vực lại có những yêu cầu và văn bản pháp luật điều chỉnh, quy định phạm vi, chức năng, nhiệm vụ riêng. Chính vì vậy, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục pháp luật cho cán bộ công chức ở mỗi cấp, mỗi ngành cũng đa dạng và khác nhau. Chẳng hạn, nhu cầu thông tin, kiến thức pháp luật của cán bộ công chức cấp xã khác với nhu cầu thông tin, kiến thức pháp luật của cán bộ, công chức cấp huyện và cấp tỉnh; nhu cầu về thông tin pháp luật cho cán bộ, công chức ngành văn hóa - thông tin chắc chắn khác nhiều so với nhu cầu thông tin pháp luật cho cán bộ, công chức ngành tư pháp hay địa chính...
Bên cạnh đó, vấn đề trình độ kiến thức, hiểu biết pháp luật của các đối tượng tiếp nhận giáo dục pháp luật cũng khác nhau. Có những cán bộ công chức đã có trình độ cử nhân luật, cử nhân hành chính trước khi trở thành cán bộ công chức nên nhu cầu thông tin pháp luật của họ khác với nhu cầu của những người chưa được đào tạo chính quy, bài bản hoặc hiện giờ mới đang tham gia các khóa giáo dục, đào tạo pháp luật. Tính chất nông - sâu, rộng - hẹp trong truyền đạt nội dung pháp luật cho mỗi nhóm đối tượng cũng khác nhau.
+ Đối với thanh thiếu niên chậm tiến: nội dung giáo dục cần nhấn mạnh tới các vấn đề như ma túy, HIV/AIDS, an toàn giao thông, các tệ nạn cờ bạc, mại dâm, chống phân biệt đối xử… Cần có nhiều dẫn chứng sống động, cách diễn giải thuyết phục đã góp phần nâng cao nhận thức, hạn chế hiện tượng. Tùy theo từng đối tượng mà chúng ta sẽ có những mục tiêu cảm hóa khác nhau. Đối với thanh niên có biểu hiện phạm pháp, cần hướng đến mục tiêu thay đổi và chuyển biến hoàn toàn về suy nghĩ, lối sống không lành mạnh, nguy cơ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật bằng nhận thức đúng, hành động đúng, lối sống đúng, hành vi chuẩn mực. Đối với thanh niên có tiền án, tiền sự hoặc thanh niên sau cai, cần tạo môi trường lành mạnh, thân thiện để họ có thể chan hòa tình cảm và thật sự yên tâm, tin tưởng khi họ bắt đầu hòa nhập với cuộc sống cộng đồng.
50