2.2.2.1. Khí hậu và môi trường
Việt Nam nằm hoàn toàn trong vòng đai nhiệt đới của nửa cầu bắc, thiên về chí tuyến hơn là phía xích đạo. Vị trí đó đã tạo cho Việt Nam có một nền nhiệt độ cao. Nhiệt độ trung bình năm từ 22ºC đến 27ºC. Hàng năm, có khoảng 100 ngày mưa với lượng mưa trung bình từ 1.500 đến 2.000mm. Độ ẩm không khí trên dưới 80%. Số giờ nắng khoảng 1.500 - 2.000 giờ, nhiệt bức xạ trung bình năm 100kcal/cm². Chế độ gió mùa cũng làm cho tính chất nhiệt đới ẩm của thiên nhiên Việt Nam thay đổi. Nhìn chung, Việt Nam có một mùa nóng mưa nhiều và một mùa tương đối lạnh, ít mưa. Trên nền nhiệt độ chung đó, khí hậu của các tỉnh phía bắc (từ đèo Hải Vân trở ra Bắc) thay đổi theo bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông; khí hậu của các tỉnh phía nam (từ đèo Hải Vân trở vào) có hai mùa rõ rệt: mùa khô và mùa mưa.
Do ảnh hưởng gió mùa, hơn nữa sự phức tạp về địa hình nên khí hậu của Việt Nam luôn luôn thay đổi trong năm, từ giữa năm này với năm khác và giữa nơi này với nơi khác (từ Bắc xuống Nam và từ thấp lên cao). Sự thay đổi về khí hậu tạo ra sự khác biệt về cảnh quan của mỗi vùng. Thiên nhiên của Việt Nam phân hóa theo Bắc- Nam, Đông- Tây và phân hóa theo độ cao. Sự phân hóa này tạo nên những cảnh quan tự nhiên vô cùng phong phú cho mỗi vùng miền như: rừng nhiệt đới gió mùa ở miền Bắc với thành phần thực vật, động vật nhiệt đới chiếm ưu thế, ngoài ra còn có các loài cây cận nhiệt (dẻ, re) và các loài cây ôn đới (sa mu, pơ mu), các loài thú có lông dày như: gấu, chồn…; rừng cận xích đạo gió mùa ở miền Nam với thành phần thực vật, động vật phần lớn thuộc vùng xích đạo và nhiệt đới từ phương nam (Mã Lai – Inđônêxia) đi lên hoặc
từ phía tây (Ấn Độ – Mianma) di cư sang. Trong rừng xuất hiện nhiều loài cây chịu hạn, rụng lá vào mùa khô. Động vật tiêu biểu là các loài thú lớn vùng nhiệt đới và xích đạo (voi, hổ, báo …), vùng đầm lầy có trăn, rắn, cá sấu …
Khí hậu Việt Nam thay đổi theo mùa góp phần quan trong trong việc tạo ra tính mùa vụ trong du lịch. Khí hậu là nhân tố quyết định tính thời vụ du lịch, nó tác động lên cả cung và cầu trong hoạt động du lịch. Về mặt cung, đa số các điểm tham quan du lịch, giải trí đều tập trung số lượng lớn vào mùa hè với khí hậu ấm áp như các điểm du lịch nghỉ biển, nghỉ núi, chữa bệnh. Về mặt cầu, mùa hè là mùa có lượng khách du lịch lớn nhất. Đặc biệt đối với các hoạt động du lịch biển của Việt Nam, các khu du lịch biển có sự khác nhau về thời gian, độ dài và cả tính chất của mùa vụ.
Cụ thể, ở vùng biển phía Bắc, mùa đông chịu ảnh hưởng của khối không khí lạnh cực đới từ phía Bắc tràn xuống, có nền nhiệt độ thấp; mùa hè chịu ảnh hưởng của khối không khí nhiệt đới có nhiệt độ cao nên khí hậu ở vùng này phân hóa thành hai mùa nóng, lạnh rõ rệt. Mùa lạnh từ tháng 11 đến tháng 4, lại cộng thêm mưa phùn nên hoạt động nghỉ dưỡng, tắm biển ở các điểm, khu du lịch biển vào thời điểm này không thể diễn ra được. Đây chính là mùa vắng khách tại các điểm du lịch biển ở miền Bắc. Chỉ có một số điểm như Hạ Long, Huế vẫn có khách vào mùa này, đặc biệt là khách quốc tế vì các khu du lịch ở đây có tài nguyên du lịch phong phú, ít phụ thuộc vào khí hậu, chẳng hạn như du lịch sinh thái và lịch sử...
Khác với khu vực ven biển phía Bắc, khu vực ven biển miền Nam có điều kiện khí hậu thuận lợi, với nền nhiệt độ cao đều trong năm (nhiệt độ trên 25 độ C), ít chịu ảnh hưởng của bão và gió mùa đông bắc. Với điều kiện khí hậu thuận lợi, kết hợp cảnh quan đẹp, tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn phong phú, nên hoạt động du lịch biển nơi đây có thể diễn ra quanh năm. Do đó, thời vụ du lịch ở các khu du lịch biển miền Nam không mang đặc điểm, tính chất thời vụ sâu sắc như ở các khu du lịch biển miền Bắc. Tuy nhiên, khu vực Nam Bộ cũng có đặc điểm khí hậu nhiệt đới hai mùa, mùa khô và mùa mưa (từ tháng 4-5 đến tháng 10-11). Trong mùa mưa, điều kiện để phát triển du lịch biển chỉ kém thuận lợi hơn mùa khô chút ít vì vào mùa mưa, lượng mưa trung bình
tháng không lớn và mưa thường tập trung vào buổi chiều dưới hình thức mưa rào và dông, thời gian ban ngày có nắng ấm nên vẫn có thể tiến hành hoạt động du lịch được.
Ngoài ra, sự biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng rất lớn tới phát triển du lịch của Việt Nam. Biến đổi khí hậu hiện đang là vấn đề "nóng" được toàn cầu quan tâm bởi nó gây ảnh hưởng tới đời sống cư dân thế giới, đặc biệt là các nước ven biển, trong đó có Việt Nam. Ở khu vực Đông Nam Á, nước ta là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Phần lớn những tác động này sẽ xảy ra ở vùng ven biển đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân và các hoạt động kinh tế, trong đó có du lịch. Những tác động do biến đổi khí hậu đã và đang hiện hữu ở Việt Nam và gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển du lịch vì đặc điểm phân bố tài nguyên du lịch và hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tập trung chủ yếu ở vùng ven biển, trên các đảo - nơi chịu ảnh hưởng tực tiếp của biến đổi khí hậu...
Viện nghiên cứu phát triển du lịch tiến hành đã chỉ ra rằng: Biến đổi khí hậu tác động trực tiếp tới phát triển du lịch ở ba hình thức. Một là tác động đến tài nguyên du lịch, điểm hấp dẫn du lịch trong đó có cả những tài nguyên du lịch tự nhiên đã hình thành, tồn tại hàng triệu năm qua như Vịnh Hạ Long, vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng... Hai là các hoạt động du lịch, đặc biệt là hoạt động lữ hành bị ảnh hưởng, đình trệ thậm chí huỷ do điều kiện thời tiết xấu liên tiếp, bão lụt, lũ quét di biến đổi khí hậu gây ra. Nhiều chương trình du lịch đến với khu vực miền Trung, vùng núi phía Bắc đã phải huỷ, hoãn, chấm dứt giữa chừng do mưa bão. Ba là biến đổi khí hậu cũng tác động trực tiếp đến hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật của du lịch nhất là hệ thống giao thông, cơ sở lưu trú, khu vui chơi giải trí...
2.2.2.2. Kinh tế
Một trong những yếu tố quan trọng có ảnh hưởng đến sự phát sinh và phát triển của du lịch là điều kiện kinh tế chung. Nến kinh tế chung phát triển là tiền đề cho sự ra đời và phát triển của ngành du lịch. Điều này được giải thích bằng sự lệ thuộc của du lịch vào thành quả của các ngành kinh tế khác. Những nước có nền kinh tế phát triển, có điều kiện sản xuất ra nhiều của cải vật chất có chất lượng đạt các tiêu chuẩn quốc tế thì sẽ có điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.
Ngành nông nghiệp và công nghiệp Việt Nam khá phát triển, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm như công nghiệp chế biến đường, thịt sữa, đồ hộp, công nghiệp chế biến rượu , bia, thuốc lá... Trong đó, một số ngành công ngiệp nhẹ đóng vai trò không kém phần quan trọng trong cung ứng vật tư, hàng hóa, trang thiết bị chất lượng cao từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ của ngành du lịch Việt Nam như: công ngiệp dệt may, công nghiệp thủy tinh, công nghiệp sành sứ và đồ gốm. Ngành công nghiệp dệt may cung ứng cho các doanh nghiệp du lịch các loại vải để trang bị cho phòng khách, khăn trải bàn, ga trải giường…
Sự phát triển về kinh tế sẽ kéo theo sự phát triển về giao thông vận tải. Hiện nay, ngành giao thông vận tải Việt Nam đang phát triển cả về số lượng và chất lượng của các phương tiện giao thông, cơ sở hạ tầng giao thông giúp thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Ngành đường sắt đã đóng góp hơn 500 toa xe các loại và sửa chữa 100% phương tiện vận tải. Trong 3 năm gần đây, ngành tàu thủy cũng có sự phát triển mạnh mẽ. Đội tàu Việt Nam hiện đứng vị trí 60/152 quốc gia mang cờ có quốc tịch và xếp thứ 4 trong 10 nước ASEAN. Vận tải hàng không ngày càng khẳng định về vị thế, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế nói chung và phát triển du lịch nói riêng. Năm 2010, hãng hàng không quốc gia Việt Nam "Vietnam Airlines "đã chính thức gia nhập Liên minh Hàng không toàn cầu Sky Team. Việc phát triển, mở rộng khai thác các đường bay và đường thủy quốc tế đã góp phần quan trong trong việc vận chuyển khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
2.2.2.3. Cơ sở hạ tầng viễn thông
Viễn thông góp phần nối liền hoạt động liên lạc giữa nhiều nước với nhau. Đây cũng là nhân tố quan trọng giúp hoạt động thu hút khách du lịch trở nên hiệu quả. Ngày nay, giao dịch được thực hiện qua mạng Internet ngày càng phổ biến, việc đặt tour, đăng ký vé máy bay qua mạng Internet giúp công tác chuẩn bị đi du lịch của du khách ngày càng dễ dàng hơn và nhờ đó mà hoạt động của ngành du lịch ngày càng hiệu quả.
Mạng xã hội, thiết bị kỹ thuật số và điện thoại di động của VN đang phát triển với tốc độ đáng kinh ngạc, với người sử dụng Internet trong nước tăng 5% kể từ báo cáo khảo sát của WeAreSocial vào cuối năm 2011. WeAreSocial cho biết số người dùng
Internet Việt Nam là 30,8 triệu. Tỉ lệ người dùng Internet trên tổng số dân là 34% (cao hơn mức trung bình của thế giới là 33%). Riêng năm 2012, Việt Nam có thêm 1,59 triệu người dùng mới. Mạng internet phát triển toàn cầu, các công ty du lịch đã tận dụng điều này tiến hành các hoạt động quảng bá, xúc tiến trên nhiều trang mạng xã hội, thiết lập các wedside riêng của công ty giúp khách hàng có thê dễ dàng đặt tour, thanh toán trên mạng.
2.2.2.4. Tình hình an ninh, chính trị, an toàn xã hội
Nền chính trị ổn định tạo cho Việt Nam có được một nền hoà bình và thịnh vượng. Nếu nhìn sang một số quốc gia trong khu vực, dễ thấy rằng, trừ Singapore, thì từ năm 1990 trở lại đây, hầu hết các nước khu vực đều trải qua các cuộc đảo chính hay khủng hoảng chính trị, trong khi đó nền chính trị của Việt Nam luôn ổn định. Sự an toàn là một nhu cầu thiết yếu trong việc lựa chọn điểm đến du lịch của du khách. Việt Nam, một điểm du lịch hòa bình trên bản đồ thế giới, đã tạo ra sự hấp dẫn đối với du khách quốc tế. Trong những năm gần đây, sự căng thẳng giữa các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản do xung đột trên biển Hoa Đông hay cuộc đảo chính ở Thái Lan… tạo ra những xu hướng dòng khách dịch chuyển sang những điểm đến thay thế an toàn hơn. Đây là cơ hội cho Việt Nam nổi lên như điểm đến mới, hấp dẫn, an toàn, thân thiện. Tuy nhiên, các hiện tượng như trộm cắp, móc túi, chèo kéo khách tại các điểm du lịch của Việt Nam thường hay xảy ra, điều này làm ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh của điểm đến đối với du khách.
2.2.2.5. Chính sách phát triển du lịch
Chính sách phát triển du lịch là chìa khóa dẫn đến thành công trong việc phát triển du lịch. Tuy nhiên, nó cũng có thể là nhân tố kìm hãm nếu đường lối sai với thực tế. Chính sách phát triển du lịch được thể hiện ở hai mặt: thứ nhất là chính sách chung của Tổ chức du lịch thế giới đối với các nước thành viên, thứ hai là chính sách của cơ quan quyền lực tại địa phương, quốc gia đó. Mặt thứ hai có ý nghĩa quan trọng hơn cả vì nó huy động được sức người, căn cứ vào khả năng thực tế tại mỗi vùng, quốc gia đó để đưa ra chính sách phù hợp.
Những biện pháp để thúc đẩy du lịch Việt Nam được Đảng và Nhà nước đề ra ở Đại Hội VIII: “Triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể du lịch Việt Nam tương xứng với tiềm năng du lịch của đất nước theo hướng du lịch văn hoá, du lịch môi trường sinh thái. Xây dựng các chương trình và điểm hấp dẫn về văn hoá, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Huy động nguồn nhân lực của nhân dân tham gia kinh doanh du lịch, ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng ở những khu du lịch, tập trung ở những trung tâm lớn. Nâng cao trình độ văn hoá và chất lượng dịch vụ với các loại khách khác nhau. Đẩy mạnh việc huy động vốn trong nước đầu tư vào khách sạn, chuyển các nhà nghỉ, nhà khách từ cơ chế bao cấp sang kinh doanh khách sạn và du lịch.”
Nhận thức được ảnh hưởng tiêu cực của thủ tục visa trên lượng du khách, chính phủ Việt Nam đã sóm có sáng kiến về visa như từ tháng 1/2004 bãi bỏ thị nhập cảnh cho du khách Nhật đến Việt Nam từ 15 ngày trở xuống. Tháng 7/2004, sáng kiến này cũng được áp dụng với du khách Hàn Quốc. Các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Inđonesa, Philippines, Singapore và Lào cũng có các thỏa hiệp visa với Việt Nam.
Đa dạng hoá các sản phẩm du lịch Việt Nam là chính sách dài hạn của Tổng cuc Du lịch Viêt Nam. Từ năm 1995, chính phủ đã chuẩn bị kế hoạch lớn thời kì 1995 – 2010 nhằm phát triển du lịch, biến du lịch thành cánh tay đắc lực mang lại ngoại tệ và công ăn việc làm cho người dân đồng thời giới thiệu phong cảnh, văn hoá và con người Việt Nam với du khách nước ngoài. Năm 2000 kế hoạch được bổ sung và chỉnh sửa, theo đó, kỹ nghệ du lịch Việt Nam sẽ thu hút đầu tư phát triển các cơ sở hạ tầng và phục vụ du khách đi kèm với việc phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo mang bản sắc Việt Nam.
Thực hiện đường lối của Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã có những văn bản chỉ đạo hoạt động du lịch khoa học, thực tiễn và có hiệu quả từ Đại hội VIII đến nay. Pháp lệnh du lịch Việt Nam ban hành ngày 20/2/1999 đã đi vào cuộc sống và tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch việt Nam ngày một đi lên.