Điều kiện phát triển sản phẩm du lịch dựa trên đặc điểm tâm lý khách du lịch

Một phần của tài liệu phát triển sản phẩm du lịch dựa trên đặc điểm tâm lý khách du lịch nhật bản (Trang 26)

- Điều kiện an ninh chính trị và an toàn xã hội

Du lịch nói chung và sản phẩm du lịch nói riêng chỉ có thể phát triển mạnh trong hòa bình hữu nghị giữa các quốc gia và dân tộc. Thực tế cho thấy ở những nước hay khu vực có chế độ chính trị ổn định, tình hình trật tự trị an đảm bảo luôn tạo được sức hút rất lớn với khách du lịch. Du khách thích đến những đất nước và vùng du lịch có không khí chính trị hòa bình, họ cảm thấy bảo vệ, tính mạng được coi trọng. Tại những nơi này, du khách có thể đi lại tự do trong đất nước mà không cần lo sợ và không cần sự chú ý đặc biệt nào. Những điểm đến du lịch mà tại đó không có sự phân biệt chủng tộc, tôn giáo, đến đó du khách có thể gặp gỡ người dân bản xứ, giao thiệp và làm quen với phong tục tập quán của địa phương sẽ thu hút được nhiều du khách hơn những nơi họ bị cô lập với người dân sở tại. Việt Nam đang được rất nhiều du khách quốc tế biết đến như một quốc gia hòa bình, thân thiện,Việt Nam xếp thứ 6 trong top 10 những điểm du lịch an toàn nhất trên thế giới do trang Business insider của Mỹ bình chọn.

Ngược lại ở những nước, những vùng có sự bất ổn về chính trị, xung đột, chiến tranh sẽ gây ảnh hưởng rất xấu hoặc dẫn đến sự ngừng trệ các hoạt động du lịch.Ở các nước có những sự kiện làm xấu đi tình hình chính trị hòa bình, số lượng khách du lịch thường giảm và thấp. Tình hình chiến tranh ở Irac, nội chiến ở Nam Tư, khủng bố ở Mĩ, đảo chính ở Thái Lan,...làm cho hình ảnh du lịch tại các quốc gia này giảm đi trên bản đồ du lịch thế giới.

Các hiện tượng thiên tai như bão, lũ lụt, động đất hay các loại dịch bệnh cũng ảnh hưởng xấu đến phát triển sản phẩm du lịch và toàn ngành du lịch. Những tác động của thiên tai làm cho khả năng cung ứng của dịch vụ du lịch gặp nhiều khó khăn. Sự phát sinh và lây lan các các loại dịch bệnh là những nguy cơ đe dọa đến sức khỏe tính mạng du khách, làm ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch khu vực.

- Điều kiện kinh tế

Điều kiện kinh tế là một trong những điều kiện quan trọng ảnh hưởng đến xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch. Nhưng vùng, quốc gia có nền kinh tế phát triển sẽ có những điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất vốn đầu tư cho du lịch và cho việc phát triển du lịch.

Hơn nữa, mức thu nhập là yếu tố kinh tế quan trọng nhất ảnh hưởng tới nhu cầu du lịch vì nó có ý nghĩa quan trọng trong việc đưa ra quyết định du lịch. Những người có thu nhập ổn định và cao sẽ có nhu cầu đi du lịch nhiều hơn yêu cầu dịch vụ cao cấp hơn và khả năng chi tiêu của họ cho du lịch cũng cao hơn.

Ngoài ra, khi điều kiện kinh tế phát triển thì hệ thống giao thông vận tải cũng phát triển từ đó ảnh hưởng đến việc phát triển hình thành các sản phẩm du lịch. Nhiều loại hình giao thông ra đời, sự tăng lên một cách nhanh chóng số lượng phương tiện vận chuyển đã tạo khả năng vận chuyển số lượng lớn du khách trên thế giới đi du lịch. Sự phát triển giao thông vận tải làm cho mạng lưới giao thông vươn tới được mọi nơi trên trái đất, tạo điều kiện để các doanh nghiệp du lịch có thể khai thác được các vùng tài nguyên du lịch hiệu quả hơn, những nơi có địa thế mạo hiểm những nơi chưa được khai thác làm du lịch trước đây như vùng sâu vùng xa, các đảo xa bờ hay các vùng đất mới như Nam Cực, nơi sinh sống nguyên sơ của các bộ tộc ít người.

- Chính sách phát triển sản phẩm du lịch

Chiến lược và chính sách phát triển sản phẩm du lịch có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển sản phẩm du lịch. Chính sách phát triển của quốc gia, vùng địa phương sẽ góp phần tạo điều kiện thuận lợi hoặc cản trở sự phát triển của sản phẩm du lịch. Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch giúp xác định phương hướng phát triển như hình thành các sản phẩm du lịch mới, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có.

Hiện nay, nước ta đang đẩy mạnh việc phát triển ngành du lịch, coi đó là một mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế. Vì vậy Chính phủ có các chính sách nhằm hỗ trợ việc phát triển các sản phẩm du lịch để thu hút du khách quốc tế đến với Việt Nam.

Các cơ quan quản lý về du lịch đã chú trọng hơn việc nghiên cứu, phân tích đặc điểm tâm lý của du khách nhằm xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với từng đối tượng du khách.

Xây dựng các văn phòng xúc tiến tại các nước, tổ chức các buổi hội chợ quảng bá du lịch Việt Nam đến các nước, xây dựng các wedside du lịch chính thức đối với từng quốc gia cụ thể.

1.2.2.2. Những điều kiện đặc trưng

- Điều kiện tự nhiên và tài nguyên du lịch tự nhiên

Vị trí địa lý: Trong du lịch, sự di chuyển chỉ là một chiều tức là không có hiện tượng sản phẩm du lịch được mang đến tận tay khách du lịch, mà muốn thưởng thức nó khách du lịch phải tự tìm đến. Khoảng cách địa lý xa sẽ làm cho du khách tốn thêm chi phí cho việc di chuyển, hao tổn sức khỏe, rút ngắn thời gian lưu lại do tốn thời gian cho di chuyển, gây mất hứng thú nhất là với người có tuổi và người già vì vậy có thể là lý do bất lợi cho việc phát triển các sản phẩm du lịch.

Địa hình: Địa hình là một trong các yếu tố quan trọng góp phần tạo nên phong cảnh và sự đa dạng về tự nhiên cho điểm đến du lịch. Đối với du lịch, địa hình càng đa dạng tương phản và độc đáo sẽ càng tạo được sứ hút đối với du khách nhất là với nhóm du khách trẻ ưa mạo hiểm khám phá. Sự đa dạng về địa hình cũng giúp tạo ra sự đa dạng của sản phẩm du lịch.

Khí hậu: Khí hậu là yếu tố quan trọng của môi trường tự nhiên đối với hoạt động du lịch. Những nơi có khí hậu ôn hòa mát mẻ thường được du khách yêu thích và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các sản phẩm du lịch. Khí hậu là yếu tố quan trọng tạo ra tính thời vụ trong du lịch, vì vậy dựa vào điều kiện khí hậu khác nhau có thể tạo ra các sản phẩm du lịch phù hợp với các thời điểm khác nhau nhằm khai thác tốt những ưu khuyết điểm của tài nguyên du lịch.

Thủy văn: Nước không chỉ gắn với việc phục vụ các nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của con người mà còn gắn liền với các hoạt động du lịch. Tài nguyên nước bao gồm nước bề mặt và nước ngầm. Nước bề mặt bao gồm đại dương, biển, hồ, sông, suối,… có thể phát triển các sản phẩm du lịch như du ngoạn trên sông, biển, du lịch sinh thái biển... Nguồn nước nước khoáng có vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch chữa bệnh, nghỉ dưỡng.

Hệ động, thực vật: Hệ động, thực vật đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của du lịch chủ yếu nhờ sự đa dạng và tính đặc hữu. Bên cạnh các loại hình du lịch văn hóa, du lịch về với thiên nhiên đang trở thành một xu thế và nhu cầu phổ biến trong xã hội hiện đại ngày nay.Thế giới động thực vật hoang dã luôn kích thích tính tò mò của nhiều du

khách việc khai thác tốt hệ động thực vật vừa bảo vệ thiên nhiên vừa đem lại dấu ấn thú vị cho điểm đến và sẽ ngày càng hấp dẫn nhiều du khách hơn.

- Điều kiện kinh tế xã hội và tài nguyên du lịch nhân văn.

Giá trị văn hóa lịch sử, các thành tựu chính trị và kinh tế có ý nghĩa đặc trưng cho sự phát triển du lịch ở một địa điểm, một vùng hoặc một đất nước. Chúng có sức hấp dẫn đặc biệt đối với số đông khách du lịch với nhiều nhu cầu và mục đích khác nhau của chuyến du lịch. Ở mỗi nước, các tài nguyên du lịch nhân văn có sức hấp dẫn khác nhau đối với khách du lịch. Tài nguyên du lịch nhân văn góp phần quan trọng trong việc tạo nên sự phong phú, đa dạng của sản phẩm du lịch, giúp xây dựng các sản phẩm du lịch khác nhau phù hợp với nhu cầu và mục đích khác nhau của du khách.

Một phần của tài liệu phát triển sản phẩm du lịch dựa trên đặc điểm tâm lý khách du lịch nhật bản (Trang 26)