Trình tự, thủ tục kháng nghị phúc thẩm hình sự.

Một phần của tài liệu Kháng nghị phúc thẩm hình sự của Viện kiểm sát nhân dân trong quá trình giải quyết vụ án hình sự (Trang 37)

Điều 33 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định trình tự kháng nghị “Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp kháng nghị bằng văn bản có nêu rõ lý do, kháng nghị được gửi đến Toà án đã xét xử sơ thẩm”. Như vậy, ngay sau khi kết thúc phiên toà hoặc sau khi nghiên cứu quyết định sơ thẩm của Toà án thì Viện kiểm sát được phân công giải quyết vụ án phải đánh giá kết quả xét xử, nội dung bản án, quyết định của Toà án. Sau đó, đối chiếu với các quy định của pháp luật hình sự và tố tụng hình sự để xác định bản án hoặc quyết định có vi phạm hay không? Vi phạm đến mức độ nào, có căn cứ để kháng nghị hay không? Nếu thấy đủ căn cứ kháng nghị thì phải làm báo cáo đề xuất bằng văn bản cho Viện trưởng hoặc Phó viện trưởng phụ trách trực tiếp (là người được Viện trưởng giao nhiệm vụ) để Viện trưởng hoặc Phó viện trưởng xem xét quyết định. Nếu Lãnh đạo

34

viện quyết định kháng nghị phúc thẩm thì trong thời hạn theo quy định của Điều 234, 239 Bộ luật tố tụng hình sự phải ban hành quyết định kháng nghị. Quyết định kháng nghị “phải nêu rõ và cụ thể những vi phạm pháp luật của bản án hoặc quyết định về đánh giá chứng cứ, về vận dụng chính sách pháp luật hoặc về áp dụng thủ tục tố tụng và nêu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật” (Điều 23 Quy chế tạm thời về thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử), nhằm khắc phục các sai lầm của bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Nội dung đề nghị Toà án cấp phúc thẩm phải rõ ràng và cụ thể, không đề nghị một cách chung chung như: “đề nghị Toà phúc thẩm xét xử theo pháp luật” hoặc nêu rõ lý do

“không thoả đáng, không đảm bảo tính nghiêm minh, không công bằng…và yêu cầu xét xử phúc thẩm” v.v. Nếu thủ tục kháng cáo có thể bằng miệng hoặc bằng văn bản đều hợp lệ thì đối với kháng nghị Điều 233 Bộ luật tố tụng hình sự và Điều 34 Quy chế tạm thời về thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử nêu rõ “quyết định kháng nghị phải bằng văn bản theo hướng dẫn của Viện kiểm sát nhân dân tối cao”, phải tuân theo một thủ tục luật định là kháng nghị phải được gửi đến Toà án đã xét xử. Sau đó được Toà án cấp sơ thẩm thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được kháng nghị (Điều 236 Bộ luật tố tụng hình sự). Việc quy định quyết định kháng nghị được gửi đến Toà án đã xét xử sơ thẩm vụ án có một ý nghĩa lớn ở chỗ: khi nhận được kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc cấp trên trực tiếp, Toà án đã xét xử sơ thẩm vụ án tiến hành làm thủ tục để gửi hồ sơ vụ án đó lên Toà án cấp phúc thẩm theo quy định của pháp luật. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định một thời hạn cụ thể như vậy giúp cho việc giải quyết vụ án có kháng nghị không bị dây dưa, kéo dài mất thời gian.

35

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 không quy định kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát cấp dưới phải gửi cho Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp. Việc gửi quyết định kháng nghị cho Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp sẽ giúp cho Viện kiểm sát cấp trên sẽ nắm được tinh thần kháng nghị của Viện kiểm sát cấp dưới để nghiên cứu, xem xét bảo vệ quan điểm của Viện kiểm sát cấp dưới tại phiên toà phúc thẩm, đồng thời bảo đảm cho Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp thực hiện quyền thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị. Chính vì những lý do trên tại Điều 35 Quy chế tạm thời về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử đã quy định rõ, quyết định kháng nghị của Viện kiểm sát được gửi đến Toà án đã xét xử sơ thẩm để Toà án thông báo cho những người tham gia tố tụng biết, đồng gửi cho Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp và gửi Viện kiểm sát cấp sơ thẩm, nếu là kháng nghị trên một cấp. Kháng nghị cùng cấp của Viện kiểm sát tỉnh đồng gửi Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm khu vực, các Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự. Kháng nghị của các Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm gửi lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao phụ trách khối; gửi vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự để theo dõi.

Một phần của tài liệu Kháng nghị phúc thẩm hình sự của Viện kiểm sát nhân dân trong quá trình giải quyết vụ án hình sự (Trang 37)