Nâng cao trình độ năng lực, trách nhiệm nghề nghiệp và số lượng Kiểm sát viên ngành kiểm sát.

Một phần của tài liệu Kháng nghị phúc thẩm hình sự của Viện kiểm sát nhân dân trong quá trình giải quyết vụ án hình sự (Trang 96)

lượng Kiểm sát viên ngành kiểm sát.

Có thể nói giải pháp nâng cao trình độ năng lực ý thức trách nhiệm của Kiểm sát viên là một giải pháp mang tính chủ động đối với ngành kiểm sát. Mặc dù Kiểm sát viên không phải là chủ thể có thẩm quyền kháng nghị phúc thẩm hình sự, nhưng lại là chủ thể của hoạt động công tố và kiểm sát xét xử tại phiên toà, là người chịu trách nhiệm chính trong việc phát hiện các vi

93

phạm trong quá trình xét xử, cũng như vi phạm trong nội dung bản án để đề xuất với lãnh đạo viện việc kháng nghị. Kiểm sát viên còn là người trực tiếp xây dựng nội dung kháng nghị để trình lãnh đạo viện ký. Do đó, vai trò của Kiểm sát viên trong hoạt động kháng nghị phúc thẩm hình sự là hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công tác kháng nghị phúc thẩm. Chính vì vậy, một trong những giải pháp hàng đầu là phải xây dựng được một đội ngũ Kiểm sát viên đủ mạnh; có trình độ năng lực pháp luật và kiến thức xã hội; có nhận thức về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của ngành kiểm sát trong tình hình mới; có trách nhiệm cao trong công việc.

Đặc biệt là đối với công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự, mỗi Kiểm sát viên cần có nhận thức đó là một trong những quyền năng đặc thù của Viện kiểm sát nhằm đảm bảo cho việc xét xử của Toà án được đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đồng thời, phải hiểu đó còn là nghĩa vụ của mỗi Kiểm sát viên, nghĩa vụ của ngành kiểm sát. Có như vậy mới khắc phục được tư tưởng cho rằng việc ra bản án đúng hay sai là trách nhiệm của Hội đồng xét xử, còn Viện kiểm sát chỉ là người đề nghị. Từ nhận thức như vậy Kiểm sát viên mới thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc phát hiện và đề xuất kháng nghị phúc thẩm.

Tuy nhiên, để thực hiện được trách nhiệm của mình một cách đầy đủ và có chất lượng đòi hỏi Kiểm sát viên phải được đào tạo bồi dưỡng về trình độ nghiệp vụ và kỹ năng nghề nghiệp, cụ thể là Kiểm sát viên phải nắm vững các cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý của hoạt động kháng nghị phúc thẩm hình sự. Trong đó phải nắm vững và hiểu chính xác các căn cứ của việc kháng nghị theo quy định của Điều 33 quy chế thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự (được ban hành kèm theo quyết định 122 ngày 14/09/2004 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao). Ngoài ra, Kiểm sát viên phải nhận thức đầy đủ về các chế định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn có liên quan, có như vậy thì các đề xuất

94

kháng nghị mới bảo đảm tính có căn cứ và tính hợp pháp, tránh tình trạng kháng nghị tràn lan hoặc ban hành kháng nghị với chất lượng thấp.

Kiểm sát viên cần có những kỹ năng nghề nghiệp từ việc phát hiện các vi phạm của Toà án trong quá trình xét xử, đến việc tổng hợp đánh giá và đề xuất để lãnh đạo viện kháng nghị. Muốn vậy thì Kiểm sát viên trước hết phải làm tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật tại phiên toà từ trình tự khai mạc phiên toà đến khi tuyên án, lưu ý các định hướng của Hội đồng xét xử khi thẩm vấn; lý lẽ của Hội đồng xét xử khi quy kết các vấn đề của vụ án như : tội danh, tính chất mức độ nguy hiểm, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; việc làm rõ các chứng cứ tài liệu của Hội đồng xét xử tại phiên toà...Kiểm sát viên phải đặc biệt chú ý ghi chép nhanh các nhận định khi chủ toạ phiên toà công bố bản án, ghi chính xác các điểm, khoản, điều luật mà bản án áp dụng và mức hình phạt mà Hội đồng xét xử áp dụng (cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung), các vấn đề khác như bồi thường dân sự, xử lý vật chứng...trong trường hợp cần thiết phải đối chiếu ngay với thư ký sau khi kết thúc phiên toà. Sau khi kết thúc phiên toà, nếu thấy có vấn đề cần phải kháng nghị thì Kiểm sát viên trước tiên phải tự kiểm tra lại các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đánh giá lại toàn bộ chứng cứ tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến của phiên toà, đối chiếu với các cơ sở pháp lý mà Hội đồng xét xử đã áp dụng trong bản án…Xét thấy có cơ sở để tiến hành kháng nghị thì báo cáo bằng văn bản với lãnh đạo, đề xuất với lãnh đạo việc kháng nghị hay không. Trước khi đề xuất việc kháng nghị cần phải xem xét lại toàn bộ diễn biến tại phiên toà; căn cứ vào kết quả điều tra công khai tại phiên toà. Chỉ kháng nghị khi đã có cơ sở pháp lý cho thấy: việc quyết định của án sơ thẩm là chưa áp dụng đầy đủ các quy định của pháp luật. Tránh tình trạng kháng nghị theo cảm tính, khi Toà án xử khác quan điểm đề nghị của Kiểm sát viên là kháng nghị.

95

Kiểm sát viên muốn làm tốt công tác kháng nghị thì không chỉ cần có nhận thức và trình độ nghiệp vụ mà còn phải có ý thức trách nhiệm cao với công việc, đảm bảo đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo, cũng như những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trách nhiệm của Kiểm sát viên phải được thể hiện từ việc nghiên cứu một cách đầy đủ, toàn diện các chứng cứ buộc tội, gỡ tội, tính chất mức độ của hành vi phạm tội, đặc điểm về nhân thân, các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, để đề xuất mức án cho phù hợp. Tránh tình trạng nghiên cứu, đề xuất mức án với Hội đồng xét xử nhưng không có cơ sở để kháng nghị hoặc kháng nghị không chính xác, không được cấp phúc thẩm chấp nhận.

Khi Kiểm sát viên phát hiện thấy có vi phạm trong bản án, quyết định hình sự sơ thẩm phải có trách nhiệm báo cáo với lãnh đạo viện và đề xuất kháng nghị, tránh tình trạng chờ cấp trên kháng nghị hoặc cho rằng: “đằng nào bị cáo cũng kháng cáo”. Khi đề xuất phải nêu rõ những vi phạm trong bản án, quyết định và cần phải kháng nghị toàn bộ hay chỉ kháng nghị một phần bản án hoặc quyết định. Nếu kháng nghị một phần thì phải nêu rõ kháng nghị phần nào của bản án hoặc quyết định. Đồng thời phải nêu rõ cơ sở của việc kháng nghị, không đề xuất chung chung hoặc theo kiểu “tuỳ lãnh đạo quyết định”. Thực tế cho thấy khi Kiểm sát viên có ý thức trách nhiệm nghề nghiệp thì thường phát hiện chính xác những vi phạm của bản án sơ thẩm và đề xuất kháng nghị có căn cứ và ngược lại. Kiểm sát viên còn phải nâng cao trách nhiệm trong việc thiết lập, rà soát bản kháng nghị trước khi trình lãnh đạo ký và ban hành, tránh những thiếu sót không đáng có.

Từ phân tích trên, biện pháp cụ thể để nâng cao trình độ năng lực của Kiểm sát viên thì trước tiên, bản thân mỗi Kiểm sát viên phải tự nghiên cứu học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, nắm vững hệ thống văn bản pháp luật có liên quan, để xây dựng cho mình một bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng. Từ đó có đủ tự tin trong giải quyết công việc nói chung và đề xuất kháng nghị phúc

96

thẩm nói riêng. Ngoài ra Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng như Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh cần tổ chức các lớp tập huấn cho Kiểm sát viên ít nhất một lần một năm. Tại các lớp tập huấn cần tổng kết, đánh giá toàn bộ công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự, những ưu điểm cũng như những tồn tại, thiếu sót của công tác này; những trường hợp cần rút kinh nghiệm; lựa chọn những kháng nghị có chất lượng tốt làm kháng nghị mẫu cho các Kiểm sát viên học tập. Các lớp tập huấn chuyên đề về kháng nghị cũng là một cơ hội cho mỗi Kiểm sát viên đề xuất những kiến nghị để công tác kháng nghị phúc thẩm đạt hiệu quả, nêu những khó khăn vướng mắc trong thực tế công tác để cùng thảo luận tìm ra phương hướng khắc phục, hoàn thiện. Đồng thời, đây cũng là dịp để các Kiểm sát viên trao đổi cho nhau những kinh nghiệm trong thực tế công tác.

Để nâng cao trình độ, năng lực của Kiểm sát viên, Viện kiểm sát các cấp hàng quý cần tổ chức các buổi rút kinh nghiệm trong kháng nghị phúc thẩm đối với một số vụ án điển hình, để chỉ ra các ưu, khuyết điểm trong hoạt động kháng nghị phúc thẩm hình sự nói riêng và giải quyết án hình sự nói chung theo chức năng của Viện kiểm sát. Đồng thời hàng năm, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật tố tụng hình sự liên quan đến chức năng công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát trong hoạt động tố tụng hình sự bằng việc giải quyết các tình huống nghiệp vụ cho tất cả Kiểm sát viên các cấp trong cả nước. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh tổ chức các cuộc thi viết cáo trạng, luận tội...cho Kiểm sát viên trong địa bàn tỉnh; Viện kiểm sát nhân dân các cấp cần tổ chức thường xuyên các phiên toà mẫu để các Kiểm sát viên tham gia học tập thực tế; tổ chức sát hạnh nghiệp vụ của Kiểm sát viên hàng năm...

Ngoài các giải pháp như đã nêu trên, ngành kiểm sát cần xây dựng tập san kiểm sát để các Kiểm sát viên nêu ý kiến trao đổi về tất cả các vấn đề trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành kiểm sát. Đối Viện

97

kiểm sát nhân dân mỗi tỉnh, thành trong cả nước nên xây dựng tập san kiểm sát của tỉnh mình để khuyến khích tình thần học hỏi, trao đổi kinh nghiệm của các Kiểm sát viên.

Ngoài ra, như đã phân tích tại các phần trên của đề tài, hiện nay số lượng Kiểm sát viên ngành kiểm sát nhân dân hàng năm đã được bổ sung kịp thời phù hợp với tình hình, nhiệm vụ của ngành kiểm sát đặt ra. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, số lượng Kiểm sát viên các cấp vẫn còn trong tình trạng thiếu. Mặt khác, so với khối lượng công việc đòi hỏi thì số lượng Kiểm sát viên các cấp vẫn chưa đáp ứng được. Do đó, bên cạnh việc nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm nghề nghiệp của Kiểm sát viên thì việc bổ sung số lượng Kiểm sát viên theo chỉ tiêu đặt ra là một giải pháp quan trọng nhằm góp phần nâng cao chất lượng cũng như số lượng của công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự.

Một phần của tài liệu Kháng nghị phúc thẩm hình sự của Viện kiểm sát nhân dân trong quá trình giải quyết vụ án hình sự (Trang 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(120 trang)