Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành quy định khá cụ thể những căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Tuy nhiên, đối với kháng nghị phúc thẩm thì Bộ luật tố tụng hình sự lại không quy định. Nhưng qua nghiên cứu Điều 33 Quy chế tạm thời về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự (Ban hành kèm theo quyết định số 121 ngày 16/09/2004 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao) quy định về
26
những căn cứ để kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm hình sự. Theo đó, có bốn căn cứ đó là: “a. Việc điều tra, xét hỏi tại phiên toà sơ thẩm phiến diện hoặc không đầy đủ; b. Kết luận của bản án hoặc quyết định hình sự sơ thẩm không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án; c. Có những vi phạm trong việc áp dụng Bộ luật hình sự; d. Có những vi phạm về thủ tục tố tụng hình sự trong giai đoạn xét xử sơ thẩm.”
Căn cứ thứ nhất: Việc điều tra xét hỏi tại phiên toà sơ thẩm phiến diện hoặc không đầy đủ. Việc điều tra xét hỏi tại phiên toà phiến diện là việc điều tra, xét hỏi tại phiên toà không khách quan, không toàn diện. Khi điều tra, xét hỏi tại phiên toà, Hội đồng xét xử đã không xem xét tất cả các tình tiết, chứng cứ của vụ án làm cơ sở cho việc kết luận sau này hoặc có xem xét và đề cập đến, nhưng lại không giải quyết một cách triệt để, rõ ràng. Biểu hiện của sự phiến diện là chỉ chú ý đến việc xét hỏi những chứng cứ buộc tội, không chú ý đến những tình tiết gỡ tội của bị cáo, chỉ tập trung vào tình tiết tăng nặng hoặc ngược lại, chỉ chú ý đến việc điều tra, xét hỏi những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, thậm chí có cả những tình tiết mà pháp luật không quy định là những tình tiết giảm nhẹ cũng được đưa ra xem xét, áp dụng…Việc điều tra xét hỏi tại phiên toà không đầy đủ là hoạt động điều tra tại phiên toà còn thiếu những chứng cứ hoặc thiếu những tình tiết mà theo quy định của pháp luật thì chưa đủ căn cứ để xác định bị cáo có phạm tội hay không, hoặc có phạm tội này mà không phạm tội khác, dấu hiện tội phạm chưa được làm rõ. Việc điều tra, xét hỏi không đầy đủ còn được biểu hiện trong trường hợp không triệu tập người làm chứng, bị hại…hoặc mặc dù có triệu tập họ nhưng lại không hỏi, không tiến hành hoạt động đối chất khi có những lời khai mâu thuẫn nhau, không hỏi người làm chứng vì sao họ biết được những tình tiết của vụ án…
Căn cứ thứ hai: kết luận của bản án hoặc quyết định hình sự sơ thẩm không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án. Căn cứ này thể hiện
27
các quan điểm giữa Kiểm sát viên và Hội đồng xét xử về đánh giá chứng cứ, đánh giá các tình tiết của vụ án. Kết luận trong bản án hoặc quyết định bị coi là không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án là kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với các chứng cứ, tài liệu đã được điều tra, xác minh tại phiên toà. Ví dụ: Trần Văn A có hành vi dùng dao chém ba nhát vào đầu, ngực và lưng Hoàng Văn B gây thương tích. Với thương tích trên thực tế làm giảm 31% sức lao động, nhưng ở giai đoạn điều tra cơ quan giám định trong qúa trình giám định đã “bỏ quên” một vết thương ở vùng đầu nên kết luận Hoàng Văn B bị giảm 11% sức lao động. Do không kiểm tra nên Toà án đã dựa vào bản kết luận giám định này để kết luận bị cáo gây thương tích theo khoản 2 Điều 104 Bộ luật hình sự. Việc kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án còn có thể là trường hợp bị cáo, trong quá trình điều tra, xét hỏi trước đó và tại phiên toà, bị cáo không chịu khai báo, không có thái độ hợp tác, nhưng Hội đồng xét xử lại áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “thành khẩn khai báo” theo điểm p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự đối với bị cáo.
Căn cứ thứ ba và bốn, Điều 33 Quy chế tạm thời về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự được ban hành kèm theo quyết định số 121 ngày 16/09/2004 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Quy chế mới) so với Điều 32 Quy chế kiểm sát xét xử hình sự ban hành kèm theo quyết định số 48 ngày 06/08/1996 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Quy chế cũ) đã bỏ cụm từ “nghiêm trọng” mà chỉ quy định “có những vi phạm trong việc áp dụng Bộ luật hình sự”, “có những vi phạm về thủ tục tố tụng hình sự”. Với quy định này sẽ giúp cho việc vận dụng trong thực tiễn được rõ ràng hơn, không còn tình trạng tranh luận thế nào là vi phạm “nghiêm trọng” Bộ luật hình sự, hoặc “vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng hình sự”, mà chỉ cần khi có căn cứ xác định bản án hoặc quyết định vi phạm vào bất kể một điều nào quy định trong Bộ luật
28
hình sự, Viện kiểm sát có thể tiến hành kháng nghị phúc thẩm. Tuy nhiên, cũng không nên kháng nghị “tràn lan” mà chỉ nên kháng nghị những bản án, quyết định có vi phạm Bộ luật hình sự hoặc vi phạm về thủ tục tố tụng hình sự trong giai đoạn xét xử sơ thẩm mà hậu quả của vi phạm dẫn đến việc làm thay đổi căn bản nội dung vụ án, ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ hợp pháp của bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. Vì vậy, trong căn cứ thứ ba và thứ tư cần phải có quy định cụ thể là vi phạm đến mức độ nào thì phải kháng nghị. Bởi nếu không có quy định cụ thể sẽ dẫn đến việc xem xét có kháng nghị hay không hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự đánh giá chủ quan của người có thẩm quyền kháng nghị. Đặc biệt đối với căn cứ thứ tư, Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm hình sự khi có vi phạm về thủ tục tố tụng hình sự trong giai đoạn xét xử sơ thẩm. Trong trường hợp này những vi phạm đó là gì? Đây là vấn đề khá phức tạp vì trong quá trình xét xử, những vi phạm thủ tục tố tụng không phải là ít. Do đó, việc xác định thế nào là vi phạm thủ tục tố tụng dẫn đến kháng nghị phúc thẩm cũng chưa được hiểu một cách thống nhất. Bởi trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, những vi phạm về thủ tục tố tụng của Toà án cấp sơ thẩm bao gồm cả trong việc chuẩn bị xét xử và quá trình xét xử tại phiên toà cũng như sau phiên toà và những vi phạm này dẫn đến việc xâm phạm quyền tố tụng của những người tham gia tố tụng. Nếu nhận thức trong giai đoạn xét xử sơ thẩm chỉ cần có vi phạm là kháng nghị, thì nhiều khi việc kháng nghị phúc thẩm sẽ không còn tác dụng mà ngược lại dẫn đến việc giải quyết vụ án bị kéo dài, gây lãng phí không cần thiết.
Từ những phân tích trên cho thấy, các căn cứ kháng nghị phúc thẩm hình sự quy định tại Điều 33 Quy chế tạm thời về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự là phù hợp với thực tiễn và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự. Tuy nhiên, hiện nay những căn cứ để kháng nghị phúc thẩm hình sự không được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự hoặc thông tư liên ngành, hay văn bản
29
hướng dẫn thi hành Bộ luật mà mới chỉ được quy định trong quy chế nghiệp vụ của ngành kiểm sát nhân dân. Do đó, dẫn đến tình trạng nhận thức và áp dụng pháp luật giữa ngành Kiểm sát và Toà án không thống nhất và đây cũng là một trong những nguyễn nhân dẫn đến nhiều kháng nghị của Viện kiểm sát không được Toà án chấp nhận. Vì vậy, để tạo cơ sở pháp lý cho công tác kháng nghị phúc thẩm hình sự của Viện kiểm sát trong Bộ luật tố tụng hình sự cần quy định cụ thể về căn cứ kháng nghị phúc thẩm hình sự như đối với thủ tục kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.