Quyền tài sản

Một phần của tài liệu Bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam với việc Việt Nam gia nhập Công ước Berne (Trang 64)

Bên cạnh việc bảo hộ quyền nhân thân, bảo hộ quyền tài sản của tác giả cũng có ý nghĩa rất quan trọng, đảm bảo cho tác giả, người thụ hưởng quyền có được lợi ích vật chất nhất định khi tác phẩm được công bố, phổ biến, sử dụng, nhằm bù đắp lại công sức lao động sáng tạo trí tuệ của tác giả và chống lại những hành vi xâm phạm quyền tác giả.

Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự.

Quyền tài sản bao gồm các quyền: làm tác phẩm phái sinh; biểu diễn tác phẩm trước công chúng; sao chép tác phẩm; phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác; cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP thì quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng quy định do chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện biểu diễn tác phẩm một cách trực tiếp hoặc thông qua các chương trình ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được. Tuy nhiên, nếu biểu diễn tác phẩm tại gia đình thì không coi là biểu diễn tác phẩm trước công chúng.

Theo khoản 2 Điều 23 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP thì quyền sao chép là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc tạo ra bản sao của tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc lưu trữ thường xuyên hoặc tạm thời tác phẩm dưới hình thức điện tử. Bởi dưới hình thức điện tử cũng là một dạng tồn tại của vật chất để từ đó có thể hình thành hoặc sử dụng trực tiếp tác phẩm được sao chép đó.

Quyền phân phối bản gốc hoặc bản sao tác phẩm là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện bằng bất kỳ hình thức, phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được để bán, cho thuê hoặc các hình thức chuyển nhượng khác bản gốc hoặc bản sao tác phẩm. Riêng đối với tác phẩm tạo hình, tác phẩm nhiếp ảnh thì quyền phân phối còn bao gồm cả việc trưng bày, triển lãm trước công chúng, theo khoản 3 Điều 23 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP.

Để giải thích rõ hơn về quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác, tại khoản 4 của cùng Điều 23 Nghị định số

100/2006/NĐ-CP nêu quyền đó là quyền độc quyền thực hiện của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc cho phép người khác thực hiện để đưa tác phẩm hoặc bản sao tác phẩm đến công chúng mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn.

Còn đối với quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính thì đó là việc chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc cho thuê để sử dụng có thời hạn, theo khoản 5 của Điều 23 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP. Tuy nhiên,

không áp dụng quyền cho thuê này đối với chương trình máy tính, khi bản thân chương trình đó không phải là đối tượng chủ yếu để cho thuê như chương trình máy tính gắn với việc vận hành bình thường các loại phương tiện giao thông cũng như các máy móc, thiết bị kỹ thuật khác.

Các quyền này do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện. Khi tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản này phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Mọi quyền liệt kê kể trên đều có thể được lượng hoá thành tiền, với tư cách tác phẩm là một sản phẩm văn hoá có thể bán được. Nó thể hiện việc lao động sáng tạo của tác giả không chỉ đơn thuần chỉ để đáp ứng những nhu cầu về cảm thụ cái đẹp của tác giả, mà còn có thể đem lại lợi nhuận để tác giả tái sản xuất sức lao động.

Trao giải thưởng cho tác phẩm là sự tôn vinh và ghi nhận sự lao động sáng tạo của tác giả. Quyền này chỉ dành cho duy nhất tác giả - người trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm bằng năng lực và trí tuệ của mình. Đây không chỉ là lợi ích vật chất, mà còn là vinh dự, là niềm tự hào thậm chí không chỉ dành cho tác giả mà thôi, mà còn cho cả gia đình, dân tộc.

Quyền tài sản này không được quy định cụ thể trong Công ước Berne. Việc quy định quyền này phụ thuộc vào luật pháp của các nước thành viên tham gia Liên hiệp của Công ước Berne.

Một phần của tài liệu Bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam với việc Việt Nam gia nhập Công ước Berne (Trang 64)