phát sinh mà không phụ thuộc vào bất kỳ thủ tục nào
Sự thụ hưởng và thực hiện các quyền này không lệ thuộc vào một thể thức, thủ tục nào; sự thụ hưởng và thực hiện này hoàn toàn độc lập không phụ thuộc vào việc tác phẩm có được bảo hộ hay không ở quốc gia gốc của tác phẩm. Do đó, ngoài những quy định của Công ước này, mức độ bảo hộ cũng như các biện pháp khiếu nại dành cho tác giả trong việc bảo hộ quyền của mình sẽ hoàn toàn do quy định của luật pháp của nước công bố bảo hộ tác phẩm đó (khoản 2 Điều 5) [5].
Bản quyền tự động có được khi tác phẩm được tạo ra, và một tác phẩm "đã được tạo ra" khi tác phẩm đó được định hình dưới dạng bản sao hoặc trong bản lưu giữ âm thanh lần đầu tiên. "Bản sao" là những vật thể mà từ đó người ta có thể đọc hoặc có thể cảm nhận (bằng giác quan một cách trực tiếp hoặc với sự trợ giúp của máy móc và thiết bị), chẳng hạn như sách, bản thảo, bản nhạc in, phim, băng vi-đê-ô, hoặc vi phim. "Bản lưu giữ âm thanh" là những vật thể chứa đựng âm thanh được ghi lại (theo luật thì nhìn chung không bao gồm phần nhạc thu từ phim), chẳng hạn như băng cát-xét, đĩa CD, hoặc đĩa LP. Do vậy, ví dụ một bài hát ("tác phẩm") có thể được định hình dưới dạng bản nhạc in ("bản sao") hoặc trong các đĩa hát ("bản lưu giữ âm thanh"), hay cả hai. Nếu tác phẩm được sáng tạo trong một khoảng thời gian nào đó, thì phần tác phẩm được ấn định vào một ngày cụ thể chính là tác phẩm được sáng tạo vào ngày đó.
Như vậy, trên thực tế sẽ rất khó phân định rõ rệt thời điểm tác phẩm ra đời. Đương nhiên, nếu tác giả mới chỉ đang thai nghén mà chưa sinh ra tác phẩm thì sẽ không có gì để mà bảo hộ. Có rất nhiều loại hình tác phẩm văn học nghệ thuật khác nhau đòi hỏi sự biểu đạt ra bằng những hình thức vật chất khác nhau, nhưng tựu trung lại thì nó đòi hỏi phải có được sự biểu đạt. Sau khi sự biểu đạt được thực hiện thì quyền tác giả xuất hiện và sự bảo hộ mặc nhiên tự động phát sinh, không cần phải người sinh ra nó phải đi làm giấy khai sinh. Việc bảo hộ đã là tự động ở tầm quốc gia, thì đương nhiên, nó sẽ được bảo hộ tự động ở tầm cỡ phạm vi cộng đồng các thành viên Công ước.
Nhiều người nhầm lẫn giữa việc xuất bản - công bố tác phẩm với khái niệm tác phẩm ra đời. Bản thân việc xuất bản - công bố tác phẩm hay không là quyền của tác giả - cha đẻ của tác phẩm, việc bảo hộ quyền tác giả của ông ta đối với đứa con của mình là hoàn toàn tự động phát sinh không phụ thuộc vào việc ông ta đưa nó cho nhà xuất bản hay không. Trên thực tế, nếu tác phẩm dở thì khó lòng được xuất bản (không bán được) nhưng không vì thế mà tác giả bị mất các quyền của mình đối với tác phẩm.
Nếu như chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp phải trải qua một thủ tục hành chính để được cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, từ đó quyền sở hữu công nghiệp mới được bảo hộ theo tên của người được cấp văn bằng bảo hộ. Ngược lại, đối với quyền tác giả, một người chỉ cần thể hiện sự sáng tạo trí tuệ của mình dưới một hình thức vật chất nhất định được pháp luật bảo hộ thì quyền tác giả lập tức phát sinh.
Chủ sở hữu quyền tác giả có quyền đăng ký quyền tác giả tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, nhưng thủ tục này không có ý nghĩa bắt buộc. Sự chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là một chứng cứ để xác định ai là chủ sở hữu quyền tác giả khi có tranh chấp. Do đó, khi có tranh chấp, người được cấp giấp chứng nhận không có nghĩa vụ phải chứng minh mình là chủ sở hữu quyền tác giả đó.