quyền tác giả
Tại Việt Nam trước năm 1945, các qui định về quyền tác giả chủ yếu dựa vào Bộ Dân luật Pháp, bên cạnh đó, năm 1946 thêm một số văn bản pháp luật thời Dân chủ cộng hoà. Pháp luật về quyền sở hữu văn nghệ (theo cách gọi lúc bấy giờ) bao gồm: Tại Trung kỳ có Dụ số 9 ngày 24/2/1941 do Vua Bảo Đại ban hành; Tại Nam Kỳ có Sắc lệnh ngày 29/12/1887, Sắc lệnh này chỉ có một điều duy nhất qui định rằng tất cả luật lệ của pháp luật hiện hành vào ngày 29/10/1887 sẽ được áp dụng ở Nam Kỳ. Năm 1941 Sắc lệnh này được ban hành lại kèm theo một số văn bản là Bộ Dân luật ngày 13, 19/01/1791; Đạo luật ngày 19, 24/7/1793; Đạo luật ngày 14/7/1886.
Sau Hoà bình lập lại năm 1954 và thống nhất đất nước năm 1975, Nhà nước ta đã ban hành một số văn bản pháp luật tạo điều kiện cho sự sáng tạo văn học, nghệ thuật, khoa học như Sắc lệnh 282-SL ngày 14/2/1956 về chế độ báo chí: Nghị định 168/CP ngày 7/12/967 và Nghị quyết số 25/CP ngày 20/5/1974 của Hội đồng Chính phủ về chế độ nhuận bút,… Tuy vậy, các văn bản nêu trên vẫn chỉ là những qui định rời rạc, riêng lẻ, chưa đồng bộ về quyền tác giả. Do vậy, ngày 14/11/1986 Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Nghị định số 142 - HĐBT qui định về quyền tác giả, đây có thể được coi là văn bản thống nhất đầu tiên về quyền tác giả tại Việt Nam.
Nghị định này gồm có 8 điều với nội dung chủ yếu là làm rõ các khái niệm tác giả, các đối tượng tác phẩm được bảo hộ, các quyền cơ bản của tác giả. Ngoài ra Nghị định số 142/HĐBT còn qui định về chế độ quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, vô tuyến truyền hình, video, chương trình phát thanh truyền hình cho các cơ quan, xí nghiệp sản xuất, xây dựng nên những tác phẩm đó, cho các tổ chức xuất bản các bán phẩm thường kì phục vụ công chúng. Nghị định qui định thời hạn hưởng quyền tác giả là suốt cuộc đời tác giả và 30 năm sau khi tác giả chết.
Sau Nghị định số 142/HĐBT ngày 2/12/1994 Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Bảo hộ quyền tác giả. Pháp lệnh gồm 47 điều, chia thành bảy chương. Pháp lệnh có cơ cấu tương đối đầy đủ hơn so với Nghị định số 142/HĐBT.
Ngày 28/10/1995 Quốc hội ban hành Bộ luật dân sự, là một Bộ luật hoàn chỉnh, thống nhất và có tầm quan trọng đặc biệt trong hệ thống pháp luật nước ta. Đến năm 2005, Bộ luật dân sự được sửa đổi lần thứ nhất được gọi dưới cái tên Bộ luật dân sự năm 2005. Tại Phần thứ sáu của Bộ luật dân sự có qui định về quyền sở hữu trí tuệ, đã quy định bảo hộ quyền tác giả và các quyền liên quan (chương 34).
Bên cạnh sự kế thừa các qui định về bảo hộ quyền tác giả đã có trước đây Bộ luật dân sự còn bổ sung và khắc phục một số thiếu sót tồn tại của các văn bản pháp luật trước đây. Các qui định về quyền tác giả trong Bộ luật dân sự là một bước tiến mới trong quá trình phát triển của hệ thống pháp luật về quyền tác giả ở Việt Nam. Là một văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao, các qui định về quyền tác giả trong Bộ luật dân sự là nền móng quan trọng để dần dần hoàn chỉnh và thống nhất hoá các qui định pháp luật về quyền tác giả, đáp ứng được nhu cầu điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực này, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam hội nhập quốc tế, gia nhập các công ước quốc tế về quyền tác giả.
Ý thức được việc Việt Nam ngày càng phải hội nhập sâu rộng hơn vào tiến trình phát triển chung về kinh tế và văn hoá của khu vực và thế giới, bảo vệ các quyền về sở hữu trí tuệ càng trở nên quan trọng. Việc hội nhập đòi hỏi phải "theo luật chơi của người khác" chứ không phải một mình đá một sân. Chính vì thế mà không chỉ dựa vào một mình Bộ luật Dân sự mà tất yếu phải có được một Luật chuyên môn riêng về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Sau bao ngày cố gắng thì cuối cùng, Luật sở hữu trí tuệ (Luật số 50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005) cũng ra đời, và sau đó gần một năm, có thêm các Nghị định hướng dẫn thi hành cũng ra đời, đó là:
- Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ.
- Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền tác giả và quyền liên quan.