2.5.1. Những quy định chung
Về lý thuyết, cơ chế bảo vệ quyền tác giả phải nằm trong mối quan hệ hữu cơ giữa tác giả - cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả - cơ quan chức tư pháp; ngoài ra có thể còn có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan.
Trong hệ thống cơ quan quản lý nhà nước, Bộ Văn hoá thông tin có chức năng quản lý Nhà nước về quyền tác giả và tổ chức ra các cơ quan chức năng bảo hộ quyền tác giả như Cục bản quyền Văn học - Nghệ thuật, Cục nghệ thuật biểu diễn, Thanh tra chuyên ngành văn hoá thông tin… tham gia vào còn có hệ thống các cơ quan tư pháp: cơ quan điều tra, kiểm sát, toà án, thi hành án.
Để bảo vệ tốt quyền tác giả, bản thân tác giả nên đăng ký quyền tác giả, và bản thân Nhà nước cũng khuyến khích việc đăng kí quyền tác giả tại Cục bản quyền tác giả, dù đây không phải là thủ tục hành chính bắt buộc để xác lập quyền tác giả mà chỉ là biện pháp nhằm ngăn ngừa tranh chấp và thuận lợi hơn cho việc xác định chủ sở hữu quyền tác giả bởi quyền tác giả được phát sinh từ thời điểm ý tưởng sáng tạo của tác giả được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định.
Tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả có quyền nộp đơn đăng ký quyền tác giả và được cấp giấy chứng nhận quyền tác giả.
Theo số liệu thống kê của Cục bản quyền tác giả thì từ năm 1996, tổng số Giấy chứng nhận bản quyền đã cấp trong cả nước năm 1997 là 547, năm 1998 là 245, năm 1999 là 432 và năm 2000 là 316 Giấy chứng nhận quyền tác giả. Trong đó chiếm tỷ lệ lớn nhất là loại hình tác phẩm viết, tiếp theo là các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm âm nhạc, điện ảnh, video và một số loại hình tác phẩm khác.
Gần đây số lượng giấy chứng nhận bản quyền có tăng lên do bản thân các tác giả đã ý thức được tầm quan trọng của việc đăng ký.
Ngoài ra, tác giả và các chủ thể khác của quyền tác giả có quyền tự bảo vệ tác phẩm của mình. Tại Điều 43 của Nghị định số 100/2006/NĐ-CP có quy định: "Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại điểm a khoản 1 Điều 198 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc các chủ thể quyền đưa các thông tin quản lý quyền gắn với bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng; đưa thông tin quản lý quyền xuất hiện cùng với việc truyền đạt tác phẩm tới công chúng nhằm xác định tác phẩm, tác giả của tác phẩm, chủ sở hữu quyền, thông tin về thời hạn, điều kiện sử dụng tác phẩm và mọi số liệu hoặc mã, ký hiệu thể hiện thông tin đó để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan. Đồng thời các chủ thể quyền có thể áp dụng các biện pháp công nghệ để bảo vệ các thông tin quản lý quyền, ngăn chặn các hành vi tiếp cận tác phẩm, khai thác bất hợp pháp quyền sở hữu của mình theo quy định của pháp luật".
Hợp đồng sử dụng quyền tác giả cũng cần được các bên liên quan quan tâm, nếu như thực hiện tốt việc đàm phán, ký kết và thực hiện thì điều kiện phát sinh tranh chấp cũng được giảm thiểu, theo Điều 48 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005.
Theo Điều 43 Nghị định số 100/2006/NĐ-CP thì chủ thể có quyền tự bảo vệ trước hành vi xâm phạm. Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền tác giả là việc các chủ thể quyền đưa các thông tin quản lý quyền gắn với bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình,
chương trình phát sóng, hoặc đưa thông tin quản lý quyền xuất hiện cùng với việc truyền đạt tác phẩm tới công chúng nhằm xác định tác phẩm, tác giả của tác phẩm, chủ sở hữu quyền, thông tin về thời hạn, điều kiện sử dụng tác phẩm và mọi số liệu hoặc mã, ký hiệu thể hiện thông tin đó để bảo vệ quyền tác giả. Đồng thời các chủ thể quyền có thể áp dụng các biện pháp công nghệ để bảo vệ các thông tin quản lý quyền, ngăn chặn các hành vi tiếp cận tác phẩm, khai thác bất hợp pháp quyền sở hữu của mình theo quy định của pháp luật.
Các chủ thể quyền có thể áp dụng các biện pháp khác là các biện pháp dân sự, hành chính, hình sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.