GIỚI HẠN QUYỀN TÁC GIẢ

Một phần của tài liệu Bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam với việc Việt Nam gia nhập Công ước Berne (Trang 67 - 70)

Các quyền tài sản mang lại cho chủ thể sở hữu quyền được hưởng lợi ích vật chất khi người khác khai thác, sử dụng tác phẩm, họ giữ độc quyền cho phép người khác khai thác, sử dụng tác phẩm của mình. Điều này tạo nên bất lợi cho bên khai thác, sử dụng tác phẩm. Việc dự liệu cho những quy định giới hạn quyền tác giả nhằm cân đối giữa một bên là bảo hộ quyền tác giả và một bên là quyền thụ hưởng của công chúng.

Bản chất của việc giới hạn quyền tác giả là hạn chế một số quyền lợi vật chất của tác giả hay là quyền được sử dụng hợp lý tác phẩm của người khác trong một số trường hợp nhất định mà không phải xin phép, không phải trả thù lao, đảm bảo cân bằng lợi ích của tác giả, người sử dụng tác phẩm và công chúng. Cùng với Công ước Berne, pháp luật các nước khác trên thế giới đều có quy định về giới hạn quyền tác giả.

Quyền tác giả nằm trong quyền sở hữu trí tuệ nói chung nên bị giới hạn chung về quyền sở hữu trí tuệ theo Điều 7 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, theo đó tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả cũng chỉ được thực hiện quyền của mình trong phạm vi và thời hạn bảo hộ theo quy định của Luật này. Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và không được vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan. Điều đó có nghĩa việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ nằm trong khuôn khổ và không được làm thiệt hại đến lợi ích của bên thứ ba khác.

Nếu vì mục tiêu bảo đảm quốc phòng, an ninh, dân sinh và các lợi ích khác của Nhà nước, xã hội quy định tại Luật này, Nhà nước có thể cấm hoặc hạn chế chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện quyền của mình hoặc buộc chủ thể quyền sở hữu trí tuệ phải cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng một hoặc một số quyền của mình với những điều kiện phù hợp, cũng theo Điều 7 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.

Như vậy, quyền tác giả bị giới hạn trong phạm vi của quyền sở hữu trí tuệ nói chung. Tác giả và chủ sở hữu tác giả được quyền thực hiện những quyền nhân thân và quyền tài sản như đã nêu trên. Ngoài ra, quyền tác giả còn bị giới hạn bởi thời hạn bảo hộ và phạm vi bảo hộ. Trong phạm vi bảo hộ thì quyền tác giả còn bị hạn chế bởi trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao, và trường hợp có phải trả thù lao.

2.4.1. Thời hạn bảo hộ

Theo khoản 1 Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 thì các quyền nhân thân sau được bảo hộ vô thời hạn:

- Đặt tên cho tác phẩm;

- Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;

- Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Đây là những yếu tố gắn liền với tác phẩm, là những vấn đề để phân biệt, để xác định giá trị của tác phẩm, vì vậy, để bảo toàn tác phẩm thì cần phải bảo hộ những yếu tố trên vô thời hạn.

Theo khoản 2 Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 thì các quyền sau bảo hộ có thời hạn là quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm và quyền tài sản, trong đó:

- Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là 50 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên. Trong thời hạn năm mươi năm, kể từ khi tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu được định hình, nếu tác phẩm chưa được công bố thì thời hạn được tính từ khi tác phẩm được định hình; đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả được xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo quy định tại điểm b khoản này;

- Tác phẩm không thuộc loại hình quy định tại trường hợp trên thì có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và 25 năm tiếp theo năm tác giả chết; trong trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.

Cụ thể hơn thì thời hạn bảo hộ quy định tại hai trường hợp trên chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.

Theo Điều 7 Công ước Berne thì thời hạn bảo hộ theo Công ước này sẽ là suốt cuộc đời của tác giả và năm mươi năm sau khi tác giả chết. Tuy nhiên, đối với những trường hợp đặc thù thì có những quy định riêng. Theo khoản 2 của cùng Điều thì đối với những tác phẩm điện ảnh, các quốc gia thành viên Liên hiệp có thể quy định chấm dứt thời hạn bảo hộ sau 50 năm, tính từ khi tác phẩm được phổ cập đến công chúng, với sự đồng ý của tác giả. Hoặc nếu không có sự phổ cập như thế trong vòng 50 năm tính từ ngày thực hiện tác phẩm, thì thời hạn bảo hộ chấm dứt 50 năm sau khi tác phẩm được thực hiện. Còn đối với những tác phẩm khuyết danh hay bút danh, thời hạn bảo hộ do Công ước này quy định chấm dứt là 50 năm sau khi tác phẩm được phổ cập đến công chúng một cách hợp pháp. Riêng đối với trường hợp bút danh thể hiện một cách rõ ràng, cụ thể về danh tích của tác giả thì thời hạn bảo hộ được tính như trường hợp thể hiện tên rõ ràng của tác giả.

Trong trường hợp tác giả một tác phẩm khuyết danh hay bút danh tiết lộ danh tính của mình trong thời gian đã nói ở trên, thời hạn bảo hộ cũng được tính đầy đủ thời hạn như được biết danh tính từ đầu.

Luật pháp của quốc gia thành viên Liên hiệp có thẩm quyền quy định thời hạn bảo hộ các tác phẩm nhiếp ảnh và các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng coi như tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, thời hạn này kéo dài ít nhất 25 năm kể từ khi tác phẩm được thực hiện.

Về thời điểm để tính các sự kiện của Công ước Berne cũng giống như pháp luật của Việt Nam, đó là chỉ được tính từ ngày mồng 1 tháng giêng

năm tiếp theo sau cái chết của tác giả hay từ sự kiện xảy ra tại những trường hợp trên.

Các nước thành viên Liên hiệp có thể quy định một thời hạn bảo hộ dài hơn các thời hạn quy định ở những khoản trên đây. Trong bất kỳ trường hợp nào thời hạn bảo hộ sẽ do luật pháp của nước công bố bảo hộ quy định. Tuy nhiên, nếu luật pháp của nước đó không có những quy định khác thì thời hạn bảo hộ sẽ không quá thời hạn được quy định ở quốc gia gốc của tác phẩm.

Một phần của tài liệu Bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam với việc Việt Nam gia nhập Công ước Berne (Trang 67 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(119 trang)