Đặc điểm nghèo đói ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Nâng cao vai trò nhà nước trong xóa đói giảm nghèo ở Lạng Sơn (Trang 40)

Nghèo đói phổ biến trong những hộ có thu nhập thấp và bấp bênh

Mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành công rất lớn trong việc giảm tỷ lệ nghèo, tuy nhiên cũng cần phải thấy rằng, những thành tựu này vẫn còn rất mong manh.

Thu nhập của một bộ phận lớn dân cư vẫn nằm giáp ranh mức nghèo, do vậy chỉ cần những điều chỉnh nhỏ về chuẩn nghèo, cũng khiến họ rơi xuống ngưỡng nghèo và làm tăng tỷ lệ nghèo.

Phần lớn thu nhập của người nghèo là từ nông nghiệp. Với điều kiện nguồn lực rất hạn chế (đất đai, lao động, vốn), thu nhập của những người nghèo rất bấp bênh và dễ bị tổn thương trước những đột biến của mỗi gia đình và cộng đồng. Nhiều hộ gia đình tuy mức thu nhập ở trên ngưỡng nghèo, nhưng vẫn giáp ranh với ngưỡng nghèo đói, do vậy, khi có những dao động về thu nhập cũng có thể khiến họ trượt xuống ngưỡng nghèo. Tính mùa vụ trong sản xuất nông nghiệp cũng tạo nên khó khăn cho người nghèo. Mặc dù chỉ số nghèo đói có cải thiện, nhưng mức cải thiện ở nhóm người nghèo chậm hơn so với mức chung và đặc biệt so với nhóm người có mức sống cao. Hệ số chênh lệch mức sống giữa thành thị và nông thôn còn rất cao.

Nghèo đói tập trung ở các vùng có điều kiện sống khó khăn

Đa số người nghèo sinh sống trong các vùng tài nguyên thiên nhiên rất nghèo nàn, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt như ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa

hoặc ở các vùng Trung du miền múi phía Bắc, Tây Nguyên, miền Trung do sự biến động của thời tiết (bão, lụt, lũ quét, hạn hán...) khiến cho các điều kiện sinh sống và sản xuất của người dân càng thêm khó khăn. Đặc biệt, sự kém phát triển về hạ tầng cơ sở của các vùng nghèo đã làm cho các vùng này càng bị tách biệt với các vùng khác. Năm 2005, khoảng 20-30% trong tổng số 1.870 xã đặc biệt khó khăn chưa có đường dân sinh đến trung tâm xã; 40% số xã chưa đủ phòng học; 5% số xã chưa có trạm y tế; 55% số xã chưa có nước sạch; 40% số xã chưa có đường điện đến trung tẫm xã; 50% chưa đủ công trình thủy lợi nhỏ. Bên cạch đó, do điều kiện thiên nhiên không thuận lợi, số người trong diện cứu trợ đột xuất hàng năm khá cao, khoảng 1-1,5 triệu người.

Đói nghèo tập trung trong khu vực nông thôn.

Nghèo đói là một hiện tượng phổ biến ở nông thôn với trên 90% số người nghèo sinh sống ở nông thôn. Trên 80% số người nghèo là nông dân, trình độ tay nghề thấp, ít khả năng tiếp cận các nguồn lực trong sản xuất (vốn, kỹ thuật, công nghệ...), thị trường tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn do điều kiện địa lý phức tạp, chất lượng sản phẩm kém, chủng loại loại sản phẩm nghèo nàn. Những người nông dân nghèo thường không có điều kiện tiếp cận với hệ thống thông tin, khó có khả năng chuyển đổi việc làm sang ngành phi nông nghiệp.

Tỷ lệ nghèo đói khá cao trong các vùng sâu, vùng xa, vùng núi cao

Đói nghèo mang tính chất vùng rất rõ rệt. Các vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người sinh sống, có tỷ lệ đói nghèo rất cao. Tính đến hết năm 2009 vẫn còn 64% số người nghèo tập trung tại các vùng Trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung. Đây là những vùng có điều kiện sống khó khăn, địa lý cách biệt, khả năng tiếp cận với các điều kiện sản xuất và dịch vụ còn nhiều hạn chế, hạ tầng cơ sở rất kém phát triển, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt và thiên tai xảy ra thường xuyên.

Tỷ lệ hộ nghèo đói đặc biệt cao trong các nhóm dân tộc ít người

Trong thời gian qua, Chính phủ đã đầu tư và hỗ trợ tích cực, nhưng cuộc sống của cộng đồng dân tộc ít người vẫn gặp nhiều khó khăn và bất cập. Mặc dù dân số dân tộc ít người chỉ chiếm khoảng 14% tổng số dân cư, song lại chiếm khoảng 29% trong tổng số người nghèo. Đa số người dân tộc ít người sinh sống trong các vùng sâu, vùng xa, bị cô lập về mặt địa lý, văn hóa, thiếu điều kiện phát triển về hạ tầng cơ sở và các dịch vụ xã hội cơ bản.

Một phần của tài liệu Nâng cao vai trò nhà nước trong xóa đói giảm nghèo ở Lạng Sơn (Trang 40)