Nguyên nhân nghèo đói ở Lạng Sơn

Một phần của tài liệu Nâng cao vai trò nhà nước trong xóa đói giảm nghèo ở Lạng Sơn (Trang 55 - 58)

Thứ nhất, nhóm nguyên nhân thuộc về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội:

Lạng Sơn là một tỉnh miền núi biên giới, nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc. Phía Bắc giáp tỉnh Cao Bằng, phía Đông Bắc giáp tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc, phía Đông Nam giáp tỉnh Quảng Ninh, phía Nam giáp tỉnh Bắc Giang, phía Tây Nam giáp tỉnh Thái Nguyên, phía Tây giáp tỉnh Bắc Cạn. Lạng Sơn có 10 huyện, 1 thành phố gồm 226 xã, phường, thị trấn. Diện tích tự nhiên là 830.521 ha trong đó diện tích đất lâm nghiệp là 669.265 ha chiếm 80,58% diện tích tự nhiên. Diện tích đất nông nghiệp là 68.958,8 ha chiếm 8,30% còn lại là đất núi đá vôi và sông suối. Dân số là 75,2 vạn người gồm 7 dân tộc chính: Dân tộc Nùng 43,7%, Tày 37%, Kinh 15%, dân tộc Dao 3,6% ngoài ra là các dân tộc thiểu số khác như Hoa, Sán, Chay, Cao Lan, Mông.

Lạng Sơn là tỉnh đông dân nhất trong các tỉnh miền núi phía Bắc hiện nay. Tốc độ tăng dân số bình quân 1,45%/ năm, mỗi năm lao động của Lạng Sơn tăng bình quân từ 7.000 - 10.000 người. Trong tổng số 226 xã, phường, thị trấn có 163 xã vùng cao, 21 xã biên giới. Trong đó số xã đặc biệt khó khăn là 102 xã, số xã có đường ô tô đến trung tâm xã (đi lại được 4 mùa) là 190/226 xã chiếm 84%; số xã có điện lưới quốc gia là 214/226 xã chiếm 95%. Do điều kiện vùng núi cao như vậy, vấn đề giao thông, đi lại giữa trung tâm xã với trung tâm huyện, tỉnh, giữa các thôn bản với trung tâm xã là cực kỳ khó khăn, đặc biệt là trong mùa mưa. Chính vì lẽ đó công tác tuyên truyền,

vận động nhân dân, thực hiện chính sách, chủ trương của Nhà nước về công tác xóa đói giảm nghèo không đến hết được với đồng bào dân tộc, vùng núi cao. Điều này đã làm hạn chế vai trò của Nhà nước trong thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Lạng Sơn. Vì vậy, đói nghèo thường xuyên xảy ra.

Cơ sở hạ tầng yếu kém chưa phát triển: Thực tế cho thấy cơ sở hạ tầng gồm điện, nước, giao thông thuỷ lợi, trường học, trạm xá, thông tin liên lạc còn rất thấp kém. Người dân không có điều kiện tiếp xúc với tiến bộ khoa học kỹ thuật. Nông lâm nghiệp là ngành sản xuất chủ yếu nhưng điều kiện sản xuất khó khăn nên năng suất lao động thấp.

Trình độ quản lý còn nhiều hạn chế: Từ khi chuyển đổi cơ chế quản lý kinh tế từ nền kinh tế kế hoạch tập trung sang nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, đội ngũ cán bộ các huyện miền núi, đặc biệt là ở xã vùng cao còn ở trình độ thấp, chậm đổi mới và nhiều lúng túng chưa thích nghi với cơ chế quản lý mới.

Cơ cấu kinh tế chưa hợp lý: Hầu hết dân số ở miền núi sống bằng nghề nông lâm nghiệp. Công nghiệp, xây dựng dịch vụ... chưa phát triển. Do đó cơ cấu kinh tế còn mất cân đối. Ngay bản thân ngành trồng trọt cơ cấu cây trồng vẫn chưa hợp lý, nông dân hầu như chỉ độc canh cây ngô, lúa nhằm giải quyết nhu cầu trước mắt mà chưa chú trọng đến mục tiêu phát triển bền vững lâu dài. Ở khu vực này có nhiều ưu thế trồng cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như: Quýt (huyện Bắc Sơn), na (huyện Chi Lăng), hồi (huyện Văn Quan), vải thiều (huyện Hữu Lũng)... nhưng trình độ sản xuất yếu kém và điều kiện giao thông, thuỷ lợi khó khăn nên những thế mạnh này chưa được khai thác triệt để..

Đất canh tác ít: Địa hình vùng núi phức tạp, diện tích đất canh tác ít, phân bố không đồng đều và điều kiện sản xuất khó khăn nên hệ số sử dụng đất thấp, nhiều hộ dân do quá túng thiếu, nợ nần nên đã chuyển giao bớt ruộng đất của mình để gán nợ nên không có phương tiện canh tác, càng làm cho cuộc sống khó khăn.

Bệnh tật ốm đau, những rủi ro và tai hoạ phát sinh đột xuất: Do điều kiện sống khắc nghiệt, tập tục lạc hậu nên đồng bào các dân tộc vùng núi thường mắc nhiều bệnh xã hội và bệnh dịch nguy hiểm như sốt rét, lao, bướu cổ... dẫn đến sức lao động bị giảm sút. Ngoài ra những tai hoạ ập đến đột ngột như: bão lụt, hoả hoạn, ốm đau... đã làm cho họ cùng quẫn không còn khả năng lao động hoặc mất nguồn thu nhập chính từ nông nghiệp khó có thể gây dựng lại cơ nghiệp từ ban đầu.

Thứ hai, nhóm nguyên nhân thuộc cơ chế chính sách:

Trong nền kinh tế thị trường bên cạnh những mặt tích cực cũng còn nhiều mặt hạn chế tồn tại như sự phân hoá giàu nghèo, thất nghiệp, phân phối không đều. Để giải quyết công bằng xã hội và hạn chế những mặt trái của kinh tế thị trường. Nhà nước đã có những cơ chế, chính sách kịp thời hỗ trợ cho các huyện, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn.

Thứ ba, nhóm nguyên nhân thuộc về chủ quan của người nghèo, đói:

Do thiếu vốn sản xuất, thiếu việc làm: Qua phỏng vấn trực tiếp ở các huyện có tỷ lệ đói nghèo cao như Cao Lộc, Chi Lăng, Đình Lập, Hữu Lũng thì có 91,53% số hộ trả lời nguyên nhân nghèo nàn, lạc hậu, chậm phát triển là do thiếu vốn . Nguồn vốn ngân hàng phục vụ người nghèo còn hạn hẹp, thủ tục điều kiện ràng buộc... nên ít thu hút được người dân. Thiếu vốn sản xuất là lực cản lớn nhất hạn chế sự phát triển sản xuất nâng cao đời sống của đồng bào. Tỷ lệ thất nghiệp cao do cơ cấu kinh tế chưa hợp lý, đất canh tác ít, trung bình một người chỉ sử dụng được từ 40 - 45% quỹ thời gian. Vấn đề này gây ảnh hưởng xấu đến xã hội.

Trình độ dân trí thấp, thiếu kinh nghiệm và kiến thức làm ăn: Trình độ dân trí thể hiện ở trình độ học vấn, năng lực nhận thức của con người. Thực tế trình độ dân trí ở khu vực này rất thấp, nhiều người chưa biết chữ, nhiều người chỉ có trình độ từ cấp I đến cấp II... do vậy khả năng tiếp thu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Hơn nữa các hộ do thiếu thông tin, đời sống lam lũ quanh năm

lại sử dụng phương pháp canh tác cổ truyền đã ăn sâu vào tiềm thức nên chậm đổi mới tư duy, bảo thủ, làm cho năng suất chất lượng sản phẩm thấp.

Đẻ nhiều, đông con: Mặc dù Đảng và Nhà nước từ lâu đã vận động thực hiện chương trình kế hoạch hoá gia đình và sinh đẻ có kế hoạch nhưng nhìn chung vùng dân tộc miền núi tỷ lệ giảm sinh còn thấp so với khu vực khác. Sinh đẻ nhiều dẫn đến suy yếu sức khoẻ của mẹ và con, người làm thì ít, người ăn theo thì nhiều gây ra nạn suy dinh dưỡng, trẻ em ít được chăm sóc học hành dẫn đến tình hình đói nghèo lại càng trở nên gay gắt và khó giải quyết.

Trên đây là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến đói nghèo ở Lạng Sơn. Ngoài ra còn có những nguyên nhân khác như:

Do hậu quả để lại của các cuộc chiến tranh (CSHT bị tàn phá, chất độc hóa học ảnh hưởng đến sức khỏe, trí tuệ nhiều thế hệ…); Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới (hạn chế xuất khẩu, hạn chế tiêu dùng)… làm xáo trộn cuộc sống của nhiều người lao động, thu nhập thấp, mất việc làm… đã làm cho cuộc sống của họ rơi vào cảnh túng thiếu và nghèo đói lại tái diễn.

Một phần của tài liệu Nâng cao vai trò nhà nước trong xóa đói giảm nghèo ở Lạng Sơn (Trang 55 - 58)