Chính sách và chương trình xóa đói giảm nghèo

Một phần của tài liệu Nâng cao vai trò nhà nước trong xóa đói giảm nghèo ở Lạng Sơn (Trang 35)

Chính sách là thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong đời sống kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, qua tìm hiểu các tài liệu, các nghiên cứu cho thấy khái niệm chính sách được thể hiện khác nhau, theo Từ điển tiếng Việt (Nhà Xuất bản Đà Nẵng. 1988. Tr.157): “Chính sách là những sách lược và kế hoạch cụ thể nhằm đạt một mục đích nhất định, dựa vào đường lối chính trị chung và tình hình thực

tế mà đề ra”; hoặc theo Đại Từ điển tiếng Việt (Nhà Xuất bản Văn hoá - Thông

tin.1999. tr.369) thì: “Chính sách là các chủ trương và các biện pháp của một

đảng phái, một chính phủ trong các lĩnh vực chính trị - xã hội”.

Chính sách xóa đói giảm nghèo là một hệ thống quan điểm, chủ trương, biện pháp dựa trên những tư tưởng, quan điểm của chủ thể lãnh đạo, được cụ thể hóa và thể chế hóa bằng pháp luật của Nhà nước để giải quyết vấn đề đói nghèo, vấn đề công bằng xã hội; nó phản ánh trách nhiệm của cộng đồng xã hội nói chung và của từng nhóm xã hội nói riêng, nhằm mục đích thỏa mãn các nhu cầu cơ bản của nhóm người nghèo về đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần, mà những nhu cầu này đã được xã hội thừa nhận tuỳ theo trình độ phát triển kinh tế - xã hội và phong tục tập quán của địa phương.

Chính sách xóa đói giảm nghèo là công cụ, là đòn bẩy thúc đẩy nhanh quá trình xóa đói giảm nghèo, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của công cuộc XĐGN. Thực hiện tốt chính sách xóa đói giảm nghèo để giải quyết

những khó khăn, thiếu thốn của những người nghèo, khuyến khích làm giàu chính đáng và hợp pháp, nâng nhanh mức sống nhân dân ở các xã nghèo, vùng nghèo, giảm dần khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa các vùng, các dân tộc, các tầng lớp dân cư và nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp cho bộ phận dân cư dễ bị tổn thương thoát khỏi đói nghèo để hòa nhập vào cuộc sống cộng đồng. Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN chỉ được thực hiện thành công chừng nào người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo, được bảo đảm các nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Một số chính sách về xóa đói giảm nghèo

Việc xây dựng chính sách xóa đói giảm nghèo theo hướng bền vững phải dựa trên bốn trụ cột cơ bản là: Tạo cơ hội cho người nghèo phát triển kinh tế, tăng thu nhập; mở rộng khả năng cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội (y tế, giáo dục, nước sạch sinh hoạt...) có chất lượng, thuận tiện và chi phí thấp; giảm thiểu nguy cơ rủi ro trong kinh tế thị trường và rủi ro xã hội khác, nhất là thiên tai, dịch bệnh; thực hiện cơ chế dân chủ ở cơ sở với nguyên tắc công khai, minh bạch, bảo đảm cho người nghèo tham gia vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo và phát triển. Cụ thể:

Nhóm chính sách tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập:

Thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, trong đó bao gồm việc hỗ trợ vốn cho hộ gia đình nghèo có sức lao động, có điều kiện sản xuất kinh doanh nhưng thiếu vốn để phát triển kinh tế; hỗ trợ xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo chưa có nhà ở hoặc nhà ở dột nát, tạm bợ, có nguy cơ sập đổ và không có khả năng tự cải thiện về nhà ở; hỗ trợ vốn khai hoang đất chuyển thành đất sản xuất cho các hộ nghèo thuộc diện thiếu đất canh tác; xây dựng

các công trình cung cấp nước sinh hoạt cho các hộ nghèo được thụ hưởng, phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống.

Trang bị cho người nghèo những kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thú y, bảo vệ thực vật, sử dụng máy móc công cụ lao động, chế biến nông sản, phát triển ngành nghề. Đồng thời tạo việc làm ổn định tại chỗ, tăng thu nhập cho người lao động nghèo.

Nhóm chính sách tạo cơ hội cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội:

Hỗ trợ về y tế, giáo dục cho người nghèo, theo đó Nhà nước sẽ tạo cơ hội cho người nghèo được tiếp cận với các dịch vụ y tế khi ốm đau được thuận lợi hơn, bình đẳng hơn; đồng thời hỗ trợ con em hộ nghèo được tới trường học tập bình đẳng như các trẻ em khác, góp phần nâng cao trình độ văn hoá của người nghèo.

Nhóm chính sách nâng cao năng lực và nhận thức cho người nghèo:

Bao gồm các chính sách để đào tạo cán bộ giảm nghèo và hoạt động truyền thông. Nội dung chủ yếu của nhóm chính sách này là: Đào tạo để nâng cao được năng lực xóa đói giảm nghèo cho đội ngũ cán bộ, thông qua đó nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng, mục tiêu và chủ trương của Đảng, Nhà nước về xóa đói giảm nghèo. Nâng cao năng lực phòng chống rủi ro, nâng trách nhiệm bản thân của người nghèo tham gia giảm nghèo, tự lực vươn lên khá, giàu.

Một phần của tài liệu Nâng cao vai trò nhà nước trong xóa đói giảm nghèo ở Lạng Sơn (Trang 35)