7. Kết cấu của đề tài
1.2.2.2. Những nhân tố ảnh hưởng tới thu hút FDI vào ngành du lịch
Bên cạnh các điều kiện mang tính đặc thù riêng của ngành du lịch, còn có những yếu tố khác ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến việc thu hút FDI vào Du Lịch, do vậy để thu hút FDI vào ngành du lịch thì phải áp dụng các chính sách thu hút FDI trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung bao gồm các nhân tố thuộc về quốc gia tiếp nhận và các nhân tố bên ngoài.
Đây là nhân tố cơ bản quyết định tới khả năng thu hút FDI của một quốc gia. Các nhân tố sau đây có thể xem như là những nhân tố bên trong tác động trực tiếp tới sự di chuyển của dòng FDI vào một quốc gia. Đó là:
Chiến lược huy động vốn phục vụ phát triển kinh tế
Đối với quốc gia, vốn cho đầu tư phát triển thường được chia thành vốn trong nước và vốn nước ngoài. Chiến lược huy động vốn phục vụ phát triển kinh tế có thể coi là nhân tố có ý nghĩa quan trọng quyết định đến các hoạt động triển khai và kết quả thu hút FDI của quốc gia đó. Chiến lược này thể hiện tập trung ở một số điểm: có mở cửa để thu hút vốn bên ngoài hay không? Đặt trọng tâm thu hút vốn trong nước hay nước ngoài? Nguồn vốn nước ngoài tập trung chủ yếu vào nguồn nào: FDI, hay ODA hay vay thương mại…? Định hướng các lĩnh vực thu hút vốn? Tiêu chuẩn để xây dựng phương hướng chiến lược thu hút vốn có ý nghĩa quan trọng để thiết lập các điều kiện thu hút phù hợp nhất. Nói cách khác, do bị quy định bởi chiến lược phát triển được lựa chọn, mỗi mô hình xác định mục tiêu, giải pháp huy động và sử dụng vốn nước ngoài khác nhau.
Nếu theo đuổi chiến lược tăng trưởng kinh tế hướng nội, dựa vào sản xuất thay thế nhập khẩu, hình thức huy động vốn được ưa thích hơn cả là vay thương mại ngắn hạn, phát hành tín phiếu kho bạc và trái phiếu chính phủ ra nước ngoài. Tính chất ngắn hạn của nguồn vốn này tạo ra áp lực sử dụng vốn theo những mục tiêu ngắn hạn (thường có tính đầu cơ), không có lợi cho quá trình phát triển bền vững.
Nếu lựa chọn chiến lược phát triển kinh tế hướng ngoại, tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, hình thức vốn được ưa thích là FDI và vay dài hạn. Các hình thức này không chịu sức ép của yêu cầu trả nợ cũng như sự gia tăng quá nhanh khối lượng nợ mà còn tiếp nhận được công nghệ, kỹ thuật hiện đại hơn, tận dụng tốt các quan hệ thị trường để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.
Trong xu thế quốc tế hóa ngày càng tăng, tính phụ thuộc lẫn nhau ngày càng lớn, không một quốc gia dân tộc nào tự khép kín, cô lập với thế giới mà có thể phát triển được. Do đó, sự hợp tác, cùng tồn tại và phát triển giữa các quốc gia, dân tộc có chế độ chính trị xã hội khác nhau ngày càng tăng. Trong đó, quan hệ kinh tế quốc tế là mối quan hệ quan trọng nhất vì nó vừa là trung tâm, là cơ sở và cũng là động lực thúc đẩy mối quan hệ ở các lĩnh vực khác. Mối quan hệ kinh tế quốc tế của một quốc gia vừa là hệ quả của một chiến lược huy động vốn giữa quốc gia đó, vừa là cơ hội để tìm kiếm đối tác đầu tư. Nhiều quốc gia khi thực hiện mở cửa tham gia các tổ chức kinh tế khu vực hoặc quốc tế, hoạt động ngoại thương phát triển một cách nhanh chóng, thu hút đầu tư nước ngoài đã gia tăng, chất lượng đầu tư nước ngoài được cải thiện một cách đáng kể, do đó mở thêm nguồn lực để phát triển kinh tế đất nước.
Để tăng cường mối quan hệ kinh tế quốc tế của một quốc gia, chính phủ thiết lập và duy trì các quan hệ đối ngoại chính thức, hòa bình, hợp tác thân thiện rộng rãi với các nước, tạo khung pháp lý chính thức và đầy đủ để mở đường cho sự lưu truyền vốn đầu tư giữa thị trường vốn bên ngoài với thị trường vốn trong nước.
Thiết lập các điều kiện thu hút FDI
Khi chính phủ đã thừa nhận tầm quan trọng của FDI đối với sự phát triển kinh tế đất nước và trên cơ sở hiểu biết về mục tiêu của các nhà đầu tư nước ngoài, các quốc gia chấp nhận FDI thiết lập các điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư trở thành một nhân tố đặc biệt quan trọng. Thực tiễn cho thấy, tiêu chuẩn của môi trường đầu tư hấp dẫn, có sức cạnh tranh để thu hút dòng vốn FDI trước hết bao gồm các điều kiện:
-Sự ổn định về chính trị, kinh tế, xã hội
Đây là điều kiện tiên quyết nhằm giảm thiểu những rủi ro kinh tế, chính trị của FDI khi vượt khỏi sự kiểm soát của chủ đầu tư nước ngoài.
Sự ổn định chính trị tạo ra môi trường thuận lợi đối với hoạt động kinh doanh, tác động đến việc thu hút đầu tư. Trong môi trường đó, các nhà đầu tư được bảo đảm an toàn về đầu tư, quyền sở hữu lâu dài và ổn định sự hợp pháp của họ. Từ đó họ có thể an tâm và tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình và thực hiện các dự án đầu tư hiệu quả. Mức độ an tâm của các nhà đầu tư được củng cố thông qua sự đánh giá về rủi ro chính trị. Mức độ rủi ro chính trị thường đánh giá theo các dạng chủ yếu như: mất ổn định trong nước, xung đột với nước ngoài, xu thế chính trị và khuynh hướng kinh tế. Tình trạng bất ổn định chính trị có thể cản trở đầu tư, dẫn đến hệ thống chính sách và biện pháp không ổn định; đặc biệt, dễ có tác động bất lợi đối với nhà đầu tư nếu Chính phủ có sự thay đổi về Luật đầu tư, quyền sở hữu tài sản, các chính sách về thuế và nhất là sự thay đổi thể chế chính trị sẽ làm tăng các rủi ro về tài sản…
Văn hóa xã hội cũng ảnh hướng tới sự hấp dẫn FDI. Đặc điểm phát triển văn hóa-xã hội của nước chủ nhà được đánh giá là hấp dẫn FDI nếu có trình độ giáo dục và nhiều mặt tương đồng về ngôn ngữ tôn giáo, phong tục tập quán với nhà đầu tư FDI. Các đặc điểm này không chỉ giảm được chi phí đào tạo nhân lực cho các nhà đầu tư FDI mà còn tạo điều kiện thuận lợi để họ hòa nhập vào cộng đồng nước sở tại.
- Sự đồng bộ của hệ thống pháp luật đầu tư
Hệ thống pháp luật là thành phần quan trọng của môi trường đầu tư, bao gồm: các văn bản pháp luật, các văn bản quản lý hoạt động đầu tư nhằm tạo nên hành lang pháp lý đồng bộ và thuận lợi cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Các quy định trong hệ thống pháp luật đầu tư nước sở tại phải đảm bảo sự an toàn về vốn và cuộc sống cá nhân cho nhà đầu tư khi hoạt động đầu tư đó của họ không làm phương hại đến an ninh quốc gia (đảm bảo pháp lý đối
với tài sản tư nhân, môi trường cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo việc di chuyển lợi nhuận về nước của các nhà đầu tư được dễ dàng). Nội dung của hệ thống luật pháp càng đồng bộ chặt chẽ, không chồng chéo, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế thì khả năng hấp dẫn FDI ngày càng cao.
-Sự mềm dẻo, minh bạch, hấp dẫn của một hệ thống các chính sách đầu tư nước ngoài.
Chính sách đầu tư nước ngoài bao gồm một hệ thống các chính sách, công cụ biện pháp thích hợp mà nhà nước áp dụng để điều chỉnh các hoạt động đầu tư quốc tế của một quốc gia (bao gồm: đầu tư ra nước ngoài và thu hút FDI). Những chính sách về đầu tư nước ngoài phù hợp theo nghĩa rộng thường được xác định là những chính sách tốt nhất nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh nội địa cạnh tranh và năng động. Những chính sách kinh tế minh bạch không phân biệt đối xử của nước sở tại, có khả năng làm tối đa hóa lợi ích và tối thiểu hóa chi phí cho các dự án FDI triển khai đều có sức thuyết phục các nhà đầu tư nước ngoài bỏ vốn đầu tư. Các chính sách đầu tư nước ngoài hấp dẫn của nước tiếp nhận chủ yếu gồm: chính sách thương mại, chính sách tiền tệ, các mức ưu đãi tài chính - tiền tệ, những ưu đãi về thuế.
- Sự phát triển của cơ sở hạ tầng
Cơ sở hạ tầng là tổng thể các cơ sở vật chất, kỹ thuật, các công trình, các phương tiện tồn tại trên một lãnh thổ nhất định được dùng làm điều kiện sản xuất và điều kiện sinh hoạt nói chung, bảo đảm sự vận hành liên tục, thông suốt các luồng của cải vật chất, các luồng thông tin và dịch vụ nhằm đáp ứng yêu cầu có tính phổ biến của sản xuất và đời sống.
Sự phát triển của hạ tầng kinh tế của một quốc gia và tại địa phương -nơi tiếp nhận đầu tư là điều kiện quan trọng để các chủ đầu tư có thể nhanh chóng thông qua các quyết định và triển khai thực tế các dự án đầu tư đã cam kết. Một tổng thể hạ tầng phát triển phải bao gồm một hệ thống giao thông vận tải đồng
bộ và hiện đại với các cầu cảng, đường sá, kho bãi và các phương tiện vận tải đủ sức bao phủ quốc gia và đủ tầm hoạt động quốc tế; một hệ thống bưu điện thông tin liên lạc viễn thông với các phương tiện nghe - nhìn hiện đại, có thể nối mạng thống nhất toàn quốc và liên thông với toàn cầu; hệ thống điện, nước đầy đủ và phân bổ tiện lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống xã hội; một hệ thống mạng lưới cung cấp các loại dịch vụ khác (y tế, giáo dục, giải trí, các dịch vụ hải quan, tài chính, thương mại, quảng cáo, kỹ thuật…) phát triển rộng khắp, đa dạng và có chất lượng cao.
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội nước ta còn hạn chế, chậm phát triển, chưa đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư. Đó là: hệ thống đường sá, sân bay, cảng biển, kho hàng, xử lý chất thải, hệ thống cung cấp nước sạch, bưu chính viễn thông…Hệ thống kết cấu hạ tầng của nước ta hiện nay so với nhiều nước trong khu vực còn quá khiêm tốn cũng là yếu tố hạn chế đối với các nhà đầu tư.
- Sự phát triển cuả đội ngũ lao động, của khoa học công nghệ và hệ thống doanh nghiệp trong nước
Để có thể hưởng những lợi ích từ việc chuyển giao công nghệ củng cố kĩ năng của lực lượng lao động cũng như kĩ năng quản lí FDI, nguồn nhân lực của nước tiếp nhận đầu tư cần phải đào tạo đạt mức có khả năng tiếp thu và liên kết được những tri thức do nhà đầu tư nước ngoài cung cấp.
Nguồn nhân lực ảnh hưởng trực tiếp đến việc thu hút FDI. Nếu một quốc gia có nguồn nhân lực được đào tạo với tay nghề kỹ thuật cao, đủ khả năng để phục vụ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI thì quốc gia đó sẽ có vị thế cạnh tranh hơn các quốc gia khác. Việt Nam là nước có lực lượng lao động trong số đó đã được đào tạo và biết tiếp thu kiến thức kỹ năng; chi phí nhân công rẻ hơn các nước trong khu vực sẽ là nguồn nhân lực hấp dẫn các nhà đầu tư FDI.
Hệ thống doanh nghiệp trong nước phát triển, đủ sức tiếp thu công nghệ chuyển giao và là đối tác ngày càng bình đẳng với các nhà đầu tư nước ngoài, là điều kiện cần để nước tiếp nhận đầu tư có thể thu hút nhiều và sử dụng có hiệu quả hơn dòng vốn FDI.
Các nguồn lực và lợi thế so sánh của nước tiếp nhận
Một quốc gia muốn phát triển kinh tế cần có nhiều điều kiện, nhiều yếu tố. Các quốc gia có vị trí thuận lợi, xa các vùng địa lý bất ổn, quy mô thị trường nội địa rộng lớn, nguồn nhân lực dồi dào, giá nhân công rẻ, tài nguyên thiên nhiên phong phú sẽ là những quốc gia có lợi thế thu hút vốn FDI.
Quốc gia có vị trí địa lý thuận lợi, có nguồn tài nguyên du lịch phong phú là điểm đến của nhà đầu tư nước ngoài về lĩnh vực du lịch. Tài nguyên du lịch là tổng thể tự nhiên và văn hóa lịch sử cùng các thành phần của chúng góp phần khôi phục và phát triển ngành du lịch.
-Tài nguyên du lịch chia làm hai nhóm:
+ Tài nguyên du lịch tự nhiên: là các đối tượng và hiện tượng trong môi trường tự nhiên bao quanh chúng ta. Tài nguyên du lịch tự nhiên chính là môi trường sống của hoạt động du lịch. Các thành phần của môi trường tự nhiên có ý nghĩa nhất đối với hoạt động du lịch bao gồm: vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, khí hậu, nguồn tài nguyên thiên nhiên…có thể làm tăng khả năng sinh lãi hoặc rủi ro cho các nhà đầu tư. Vì vậy, ảnh hưởng đến việc đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài ở nước nhận đầu tư. Trong đó, vị trí chiến lược (có cảng biển, sân bay, có tài nguyên biển…) là những nhân tố quan trọng nhất tạo nên lợi thế cạnh tranh của một quốc gia trong thu hút FDI.
Địa hình: Với hoạt động du lịch điều quan trọng nhất là đặc điểm hình thái địa hình. Sự tiếp nhận hình dạng bên ngoài của tự nhiên gọi là phong cảnh, khách du lịch thường ưa thích những nơi có phong cảnh đẹp và đa dạng.
Những địa hình có giá trị cao về mặt du lịch là địa hình vùng núi, địa hình biển đảo, và địa hình ven bờ.
Khí hậu: là chỉ tiêu quan trọng có liên quan trực tiếp đến trạng thái tâm lí thể lực của con người, khí hậu càng ôn hòa thì chất lượng của khu vực dành cho du lịch và nghỉ ngơi càng tốt lên. Điều kiện khí hậu có ảnh hưởng tới việc tổ chức các hoạt động tham quan du lịch và chất lượng các dịch vụ du lịch. Tính mùa vụ cho du lịch chịu tác động chủ yếu của khí hậu.
Nguồn nước: Tài nguyên nước bao gồm nước chảy trên bề mặt và nước ngầm. Tài nguyên nước có ý nghĩa trên nhiều mặt khác nhau đối với hoạt động du lịch. Nước cần cho sinh hoạt hàng ngày của du khách, một số nguồn nước đặc biệt (nước khoáng, nước khoáng nóng, nước biển) có giá trị an dưỡng và chữa bệnh, tài nguyên nước cũng là môi trường để hoạt động du lịch thể thao nước, câu cá, lặn biển, đua thuyền…
Động thực vật: Nguồn tài nguyên động - thực vật cùng với quang cảnh sống động, hài hòa của nó là môi trường hấp dẫn để tổ chức các hoạt động tham quan du lịch, dịch vụ săn bắn thể thao và dịch vụ nghiên cứu khoa học.
+ Tài nguyên du lịch nhân văn: là các đối tượng và hiện tượng được tạo ra một cách nhân tạo phải bao gồm:
Các di tích lịch sử - văn hóa - kiến trúc: là những không gian vật chất cụ thể, khách quan, trong đó chứa đựng các giá trị lịch sử, khoa học, nghệ thuật, cũng như có giá trị văn hóa khác. Ở đó chứa đựng tất cả những gì thuộc về truyền thống tốt đẹp, những tinh hoa, trí tuệ, tài năng, giá trị văn hóa vật chất, và những giá trị văn hóa xã hội, văn hóa tinh thần.
Các lễ hội: Lễ hội là loại hình sinh hoạt văn hóa tổng hợp hết sức đa dạng và phong phú, là kiểu sinh hoạt tập thể của nhân dân sau thời gian mệt mỏi, hoặc là dịp để con người hướng về một sự kiện lịch sử trọng đại. Khách du lịch tham dự các lễ hội là gắn chặt vào kết cấu của đời sống quốc gia và chính tại đây tình cảm cộng đồng, sự hiểu biết về dân tộc được bộc lộ mạnh mẽ.