Sự cần thiết phải thu hút vốn FDI vào ngành du lịch

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành du lịch Hà Nội (Trang 41)

7. Kết cấu của đề tài

1.2.2.1. Sự cần thiết phải thu hút vốn FDI vào ngành du lịch

Cũng như đối với các ngành kinh tế khác, thu hút vốn đầu tư có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của ngành du lịch. Để đưa du khách đến với các địa điểm du lịch, trước hết cần phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông, phương tiện vận chuyển…Muốn giữ chân du khách phải đầu tư xây dựng, tôn tạo các khu du lịch, xây dựng cơ sở lưu trú, hoàn chỉnh hệ thống thông tin liên lạc, cung cấp năng lượng, nước sạch cho các khu du lịch…Muốn gia tăng nguồn thu từ khách du lịch phải đầu tư vốn để tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, phong phú và hấp dẫn…Do đó, việc xác định quy mô và định hướng đầu tư vốn đúng đắn sẽ tạo điều kiện cho du lịch phát triển bền vững, khai thác tốt các tiềm năng và bảo vệ cảnh quan môi trường. Ở nhiều quốc gia trên thế giới kinh doanh du lịch đang là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn. Du lịch là “con gà đẻ trứng vàng”

và kinh doanh du lịch đang trở thành một trong những ngành công nghiệp hàng đầu trong tương lai. Vì vậy, không ngừng tăng cường thu hút vốn đầu tư vào ngành du lịch là sự cần thiết khách quan, bởi một số lý do sau:

Thu hút vốn đầu tư vào ngành du lịch góp phần tăng trưởng kinh tế:

Mô hình Harrod - Domar đã chỉ ra rằng vốn đầu tư của nền kinh tế có ảnh hưởng trực tiếp với tốc độ tăng trưởng: Mức tăng trưởng GDP = vốn đầu tư / ICOR. Muốn tăng trưởng hàng năm với tốc độ cao thì phải tăng mức đầu tư và giảm ICOR xuống hoặc hạn chế không tăng. Như vậy thu hút đầu tư sẽ làm cho lượng vốn đầu tư tăng lên, và do đó sản lượng đầu ra cũng tăng lên sẽ góp phần thúc đẩy phát triển ngành du lịch nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung.

Thu hút vốn đầu tư vào ngành du lịch góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế là quá trình phát triển của các ngành kinh tế dẫn đến sự tăng trưởng khác nhau giữa các ngành và làm thay đổi tương quan giữa chúng so với thời điểm trước đó. Đầu tư chính là phương tiện đảm bảo cho cơ cấu kinh tế được hình thành hợp lý. Ngành du lịch là một bộ phận cấu thành nên nền kinh tế do đó thu hút vốn đầu tư vào ngành du lịch sẽ làm ảnh hưởng đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Cùng với vai trò trong quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành, hoạt động thu hút vốn đầu tư vào ngành du lịch còn tác động mạnh mẽ đến chuyển dịch cơ cấu vùng, hình thành và phát huy vai trò của vùng trọng điểm, đồng thời tăng cường tiềm lực kinh tế cho các vùng khó khăn, thúc đẩy mối liên hệ, giao lưu kinh tế liên vùng, đảm bảo phát triển kinh tế bền vững. Định hướng và biện pháp thu hút vốn đầu tư hợp lý còn tác động đến cơ cấu thành phần kinh tế, và tác động đến mối quan hệ giữa đầu tư khu vực nhà nước và khu vực tư nhân. Đầu tư công cộng của Nhà nước phải có tác động lôi kéo, dẫn dắt mà không làm suy giảm, lấn át đầu tư tư nhân.

Thu hút vốn đầu tư vào ngành du lịch góp phần tăng cường trình độ

khoa học kỹ thuật và nâng cao năng lực quản lý điều hành kinh doanh: Thu hút vốn đầu tư để phát triển ngành du lịch sẽ làm cho trình độ khoa học kỹ thuật của ngành du lịch được tăng lên thông qua các dự án đầu tư được triển khai, thay thế các thiết bị, công nghệ lạc hậu. Đối với các nước đang phát triển, mặc dù tích lũy vốn và công nghệ thấp nhưng cũng có những lợi thế của người đi sau tiếp thu, thích nghi và làm chủ công nghệ có sẵn, do đó rút ngắn thời gian và giảm những rủi ro trong áp dụng công nghệ mới. Đồng thời thu hút vốn đầu tư vào phát triển du lịch sẽ góp phần nâng cao được trình độ quản lý, năng lực điều hành của một số nhà doanh nghiệp.

Thu hút vốn đầu tư vào ngành du lịch góp phần tạo công ăn việc làm cho địa phương và tăng nguồn thu cho NSNN: Thu hút vốn đầu tư còn góp phần tạo ra công ăn việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, làm cho nguồn nhân lực phát triển cả về số lượng và chất lượng; đồng thời tạo điều kiện khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên và góp phần tăng thu nhập ngân sách nhà nước.

Như vậy, FDI có một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển các khu du lịch nói riêng và cho ngành du lịch nói chung trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới như hiện nay. Đầu tư trực tiếp nước ngoài là một đặc trưng nổi bật của nền kinh tế thế giới hiện đại, vừa là kết quả, vừa là công cụ và động lực quan trọng thúc đẩy quá trình toàn cầu hóa.

Một phần của tài liệu Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành du lịch Hà Nội (Trang 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(136 trang)