Tại khoản 4, Điều 27 Luật Giáo dục năm 2005 quy định “Giáo dục
THPT nhằm giúp học sinh củng cố và phát triển những kết quả của giáo dục trung học cơ sở, hoàn thiện học vấn phổ thông và những hiểu biết thông thường về kĩ thuật và hướng nghiệp, có điều kiện phát huy năng lực cá nhân để lựa chọn hướng phát triển, tiếp tục học đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, học nghề hoặc đi vào cuộc sống lao động”.
Giáo dục phổ thông đặt nền móng cho phát triển toàn diện con người Việt Nam thời kỳ CNH, HĐH đất nước; để đáp ứng đòi hỏi phát triển bền vững, người lao động cần phải có những yêu cầu sau đây:
- Phải có kiến thức tổng hợp của nhiều lĩnh vực khoa học xã hội, tự nhiên, kiến thức lý thuyết và thực tế.
- Khối kiến thức về khoa học xã hội và nhân văn: bao gồm hiểu biết
chung về văn hoá, xã hội, lịch sử, chính trị, nghệ thuật, thể dục thể thao… của nhân loại và trước hết của dân tộc. Những kiến thức về văn hoá, xã hội, chính trị, đạo đức là nền tảng của sự phát triển nhân cách, đặc biệt của sự hình thành nhân sinh quan, thế giới quan. Đồng thời những kiến thức đó là điều kiện cho mỗi người phát triển các năng lực khác, tạo ra động lực bên trong của hành động.
- Khối kiến thức về khoa học tự nhiên và công nghệ: nội dung khối kiến thức này rất phong phú, trên các lĩnh vực khoa học như: Toán học, Hoá học, Vật lý, Sinh học và các môn công nghệ, hướng nghiệp…
- Khối kiến thức thứ về tri thức công cụ: bao gồm ngoại ngữ và Tin học (ở một số nước xếp Toán học vào môn công cụ vì Toán phổ thông cơ bản được xem như tri thức ứng dụng vào các lĩnh vực của nghiên cứu khoa học và sản xuất, hoạt động thực tiễn).
Như vậy, muốn tồn tại và tham gia vào quá trình phát triển kinh tế tri thức thì người lao động sẽ phải có trình độ học vấn tối thiểu là THPT vì đó là kiến thức nền tảng của một phương thức lao động kỹ thuật và phải có một trình độ ngoại ngữ, tin học và có năng lực lao động của một lĩnh vực ngành nghề cụ thể.
Ở trường THPT, GV giảng dạy ở các môn học khác nhau theo các khối kiến thức phân loại trên sẽ được bố trí vào các TCM theo đặc điểm phân loại khối kiến thức và qui mô phát triển của nhà trường đồng thời phù hợp với đặc điểm đội ngũ GV sao cho đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và chất lượng GD của mỗi nhà trường đáp ứng với yêu cầu đề ra.