Quan điểm chung là đầu tư phải được tính toán trên phạm vi toàn ngành, tập chung có trọng điểm cho ngành sản xuất may mặc hướng vào xuất khẩu đi đôi với việc tăng cường phát triển ngành công nghiệp Dệt và sản xuất phụ liệu cho ngành may tiến tới tự túc phần lớn nguyên vật liệu, phụ liệu thay thế nhập khẩu. Vì hiện nay ngành may mặc Việt Nam phần lớn phải nhập khẩu nguyên phụ liệu làm tăng chi phí, đẩy giá thành sản phẩm lên cao giảm sức cạnh tranh của sản phẩm. Đồng thời, đầu tư chọn lọc theo mặt hàng có thế mạnh nhằm tạo khả năng liên kết, hợp tác và khai thác tốt hơn năng lực thiết bị công nghệ, những mặt hàng truyền thống có khả năng hội nhập trong điều kiện vốn của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hạn hẹp. Khuyến khích mọi hình thức đầu tư để phát triển cơ khí dệt may, tiến tới cung cấp phụ tùng, lắp ráp và chế tạo thiết bị dệt may trong nước.
Về mục tiêu đầu tư: nhằm đổi mới công nghệ, trước hết là trong công nghiệp dệt và đồng bộ hoá dây chuyền sản xuất của công nghiệp may, khắc phục những khâu yếu nhằm sử dụng có hiệu quả thiết bị kỹ thuật; đầu tư để mở rộng quy mô sản xuất cho cả doanh nghiệp cũ và doanh nghiệp mới; phát triển cơ khí và hiện đại hoá hạ tầng kỹ thuật của công nghiệp dệt may.
Chính sách đầu tư hướng vào mục tiêu cấp thiết hiện nay là phát triển và hiện đại hoá ngành dệt, trước mắt là khâu sợi dệt và đồng bộ hoá công nghệ của ngành may.
Hỗ trợ đầu tư cho khâu thiết kế, sản xuất hàng mẫu, đào tạo đội ngũ cán bộ đủ khả năng thiết kế mẫu mã, đồng thời hỗ trợ cho công tác đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, tạo điều kiện đưa hàng Việt Nam vào thị trường thế giới. Đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa ngành may nhằm tự túc nguồn vốn sản xuất kinh doanh. Kêu gọi đầu tư nước ngoài nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng hàng may gia công, tạo dựng và củng cố uy tín trên thị trường thế giới. Đầu tư nước ngoài vào công nghiệp dệt và sản xuất các nguyên phụ liệu cho ngành dệt may
nhằm khắc phục sự lạc hậu của công nghiệp dệt cũng như sự mất cân đối giữa công nghiệp dệt và may Việt Nam.
Bên cạnh đó Nhà nước cần có các chính sách ưu đãi cho ngành Dệt – may như Chính sách về hỗ trợ tín dụng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn tốt hơn; chính sách xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế cho công nghiệp dệt, chất thải, môi trường,..
* Chính sách phát triển cơ sở hạ tầng:
Cơ sở hạ tầng về giao thông, mạng lưới điện, hệ thống cấp thoát nước, dịch vụ bưu chính viễn thông, nhà đất,… có ảnh hưởng lớn tới chi phí đầu vào của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
Thực tế trong thời gian qua, các loại dịch vụ này giá đều tăng lên so với trước đây (như giá điện, giá nước, giá xăng dầu, cước phí vận tải, bưu chính viễn thông), có loại tăng gấp 2 lần và so với các nước trong khu vực giá đều ở mức cao hơn. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách phát triển hợp lý hệ thống cơ sở hạ tầng. Trước hết, phải có chiến lược và quy hoạch phát triển ngành dịch vụ phù hợp với chiến lược hội nhập và công nghiệp hoá đất nước. Kết hợp đầu tư mới và cải tạo, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có, đưa nhanh tiến bộ của khoa học công nghệ và thông tin, nâng cao năng suất lao động trong các ngành dịch vụ này. Khắc phục tình trạng giá dịch vụ tăng, làm cho chi phí đơn vị sản phẩm tăng theo, dẫn đến nhiều mặt hàng giảm sức cạnh tranh, trong đó có sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam.
Theo các chuyên gia kinh tế, khả năng cạnh tranh dựa trên chi phí của các doanh nghiệp và sức cạnh tranh sản phẩm dệt may xuất khẩu Việt Nam phần lớn phụ thuộc vào sự cung ứng các nguyên liệu đầu vào với chất lượng tốt và giá thành hợp lý. Tuy nhiên, một số dịch vụ cơ sở hạ tầng, nhất là dịch vụ cung cấp điện, cước hàng không, giá xăng dầu, dịch vụ nhà đất được xem như là những cản trở đối với việc nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm cũng như khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp. Vì vậy, Nhà nước cần phải quản lý và kiểm soát
chặt chẽ các dịch vụ có liên quan đến quá trình tái sản xuất của các doanh nghiệp, vì phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh các dịch vụ trên đều là doanh nghiệp Nhà nước.
Nhằm đáp ứng và đón đầu nhu cầu ngày càng cao về môi trường, an toàn về sản phẩm, ngay từ bây giờ phải có chính sách khuyến khích đầu tư để các sản phẩm may mặc Việt Nam ngày càng đáp ứng tốt hơn theo hệ thống tiêu chuẩn ISO 9000& ISO 1400.