Trung Quốc

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh của ngành dệt - may Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 33)

Trung Quốc đã cải cách ngành dệt may từ hơn 2 thập kỷ trước. Khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu được mở cửa vào đầu thập kỷ 80, các công ty may mặc Hồng Kông đã di dời cơ sở sản xuất của họ sang vùng đất lân cận- Thẩm

Quyến, trên lãnh thổ Trung Quốc. Sau đó các nhà đầu tư Đài Loan, Nhật và Hàn Quốc cũng chen chân nhau đến Trung Quốc. Đến giữa thập kỷ 90 Trung Quốc đã trở thành nhà xuất khẩu may lớn nhất thế giới. Trung Quốc là nhà sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may lớn nhất thế giới, hiện chiếm khoảng 25% khối lượng thương mại dệt may thế giới, cung cấp khoảng 30 triệu tấn xơ (40% của thế giới), và là nhà cung cấp hàng đầu thế giới về xơ hoá học, sợi vải, tơ tằm và hàng may mặc [21]. Tuy nhiên, nhìn chung Trung Quốc chỉ là nhà cung cấp các sản phẩm có giá trị thấp và trung bình. Nhiều nhà Trung Quốc hướng về xuất khẩu, gia công các sản phẩm cần nhiều lao động, phần lớn giành được lợi thế về giá do có quy mô sản xuất lớn.

Theo số liệu của cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 9 tháng đầu năm 2008 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và quần áo may sẵn của Trung Quốc đạt 136,94 tỷ USD, trong đó thị trường Mỹ chiếm 19,24 tỷ USD [47]. Tuy nhiên, có một thực tế là hàng dệt may xuất khẩu của Trung Quốc đang mất dần sức cạnh tranh so với các nước sản xuất hàng dệt may khác của Châu Á, do nhu cầu từ thị trường Mỹ giảm. Do khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên tăng trưởng dệt may của Trung Quốc có phần chững lại bởi ngành dệt may Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, mặc dù vậy Trung Quốc vẫn được coi là một người “khổng lồ” trong lĩnh vực dệt may của thế giới.

Hàng năm, ngành dệt may Trung Quốc đã tạo công ăn việc làm cho 20 triệu người và mang lại nguồn thu nhập ngoại tệ lớn cho nước này.

Trong một ngành mà việc giao hàng đúng hạn (kỳ hạn giao hàng thường gấp gáp) với chất lượng tốt nhất có ý nghĩa quyết định đến chuyện thành hay bại như ngành dệt may, Trung Quốc thường là người giao hàng đầu tiên và là hàng tốt nhất. Hiện hàng dệt may Trung Quốc đáp ứng được tất cả các yêu cầu của khách hàng về tiến độ, thời gian giao hàng, những tiêu chuẩn về chất lượng, số lượng, giá cả,..ở nhiều chủng loại hàng hoá khác nhau.

- Với truyền thống công nghệ lâu đời và đội ngũ kỹ thuật viên giỏi, Trung Quốc chẳng những đã tiếp cận nhanh chóng với công nghệ hiện đại mà còn có khả năng sáng tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, hợp thị hiếu trên những thiết bị cũ và thiết bị do chính Trung Quốc chế tạo.

- Có nhiều trung tâm thiết kế và sản xuất hàng thời trang nổi tiếng như Quảng Châu, Thượng Hải, Hàng Châu,.. có sức thu hút khách đặt hàng trên toàn cầu - Giá cả thấp, có sức thu hút mạnh khách hàng từ các nước (giá chỉ bẳng 70-80% so với giá hàng tương ứng của Việt Nam). Ưu thế này là do giá vật tư đầu vào thấp: nguyên liệu bông, xơ sử dụng chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc với giá chỉ băng 75-85% so với nhập. Chất trợ, thuốc nhuộm Trung Quốc tự cung ứng được khoảng 50% nhu cầu với giá chỉ bằng 20-30% giá của Tây Âu. Các loại phụ liệu khác hầu như toàn bộ được sản xuất tại Trung Quốc. Bên cạnh đó Trung Quốc còn sử dụng phương cách one-stop-shopping, theo đó các nhà máy nối kết với nhau, sử dụng nguyên liệu có sẵn để thực hiện tất cả các khâu: kéo sợi, dệt, nhuộm, cắt, và may tỏ ra rất khó bị đánh bại. Hơn nữa các nhà máy này còn được hưởng thêm một lợi ích nữa, đó là sự tiếp cận với hệ thống giao thông khá hữu hiệu.

- Marketing có hiệu quả: Với truyền thống của một dân tộc giỏi về buôn bán, các công ty Trung Quốc đã rất xông xáo tiếp cận ở mọi ngõ ngách của thị trường từ tiểu ngạch đến chính quy. Lực lượng đông đảo Hoa kiều trên khắp thế giới với tinh thần phường hội, buôn có bạn, bán có phường là nhân tố quan trọng đã đưa hàng dệt may Trung Quốc đi khắp nơi trên thế giới.

- Chính phủ có chính sách hỗ trợ hiệu quả: Việc quy hoạch phát triển và hiện đại hoá ngành dệt đã được chính phủ quan tâm đồng bộ với công tác hỗ trợ xúc tiến thương mại. Các xí nghiệp tư nhân nhỏ và vừa có cơ chế sản xuất và tiếp thị linh hoạt được khuyến khích phát triển.

Hàng dệt may Trung Quốc một vài năm trước đã chiếm tới 90% thị trường Nhật Bản, nhưng với tâm lý “không bỏ trứng vào một giỏ” nên hiện nhiều nhà

nhập khẩu đã chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia thuộc cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản, bên cạnh lợi thế về khoảng cách địa lý giữa hai nước, việc thiết lập được mạng lưới phân phối, bán lẻ gọn nhẹ tới tận tay người tiêu dùng giữa các doanh nghiệp Trung Quốc và các nhà nhập khẩu Nhật Bản là điều kiện hết sức thuận lợi để hàng Trung Quốc có mặt ở khắp Nhật Bản. Cụ thể, các doanh nghiệp đã xây dựng được hệ thống cập nhật thông tin chính xác cũng như có khả năng thích ứng kịp thời khi có yêu cầu mới của thị trường để tung ra những sản phẩm mới. Về điểm này các doanh nghiệp Việt Nam chưa theo kịp. Nghiên cứu của các chuyên gia Nhật Bản cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam chỉ nghĩ đến việc thay đổi mẫu mã sản phẩm khi chu kỳ sống của sản phẩm đó đã bước sang giai đoạn thoái trào, hàng không bán được nữa. Điều này khiến cho dù đã chấm dứt sản xuất nhưng sản phẩm đó vẫn còn lưu thông rất nhiều trên thị trường. Trong khi đó các doanh nghiệp Trung Quốc luôn thay đổi mẫu mã từ khi sản phẩm còn đang ăn khách. Do vậy, hàng hoá của các doanh nghiệp Trung Quốc luôn mới. Một nguyên nhân khác khiến hàng Trung Quốc xâm nhập mạnh thị trường Nhật Bản là sự xuất hiện của các nhà đầu tư Nhật Bản và một số nước Châu Âu khác tại Trung Quốc do lợi thế về giá nhân công, khả năng cung cấp nguyên liệu dồi dào, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài thông thoáng. Vì vậy, các sản phẩm tại Trung Quốc theo công nghệ và chất lượng Nhật Bản dễ dàng được đón nhận hơn các sản phẩm cùng loại sản xuất ở nước khác.

Một phần của tài liệu Năng lực cạnh tranh của ngành dệt - may Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 33)