Hoàn thiện hệ thống thông tin tín dụng trên cấp độ quốc gia và thường xuyên tổ chức tập huấn cho các NHTM sử dụng hệ thống thông tin này nhằm truy cập thông tin cần thiết khi thẩm định hồ sơ vay, tránh trường hợp khách hàng đang có nợ xấu tại NH
này lại tiếp tục đi vay NH khác, phòng ngừa rủi ro tín dụng từ xa. CIC phải trở thành công cụ giám sát hữu hiệu của NHNN nhằm cảnh báo và ngăn ngừa những rủi ro có thể xảy ra cho hệ thống ngân hàng.
Việc xây dựng xếp hạng tín dụng nội bộ tại các NHTM còn khó khăn vì việc tiếp cận các thông tin giúp cho việc đánh giá xếp hạng tín dụng khách hàng (như tình hình kinh doanh, tài chính, tài sản, uy tín đối với NHTM đã giao dịch trước đây) hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện nay tại Việt Nam mới chỉ có trung tâm thông tin tín dụng của NHNN tuy nhiên khuôn khổ pháp lý cho cho hoạt động xếp hạng của các đơn vị này vẫn chưa hoàn chỉnh. Do đó hệ thống thông tin tín dụng của CIC cần được thực hiện, đảm bảo dữ liệu khách hàng cập nhật đầy đủ, kịp thời và chịu trách nhiệm về tính xác thực. Thông tin tín dụng phải bao hàm tất cả các thông tin về tình hình vay vốn của khách hàng tại các TCTD, phải có sự phân tích thông tin tổng hợp về khách hàng để lưu ý các NHTM.
Tạo lập kênh thông tin liên thông giữa các cơ quan chức năng như Thuế, Hải quan, Tòa án, Công an, các ngành… với NHNN để có thể nắm bắt thông tin về các cá nhân, tổ chức. Trên cơ sở đó, NHNN sẽ có các cảnh báo, lưu ý đối với các NHTM qua trung tâm CIC.
Xây dựng hệ thống giám sát rủi ro trong hoạt động NH có khả năng cảnh báo sớm đối với các TCTD. Thiết lập hệ thống các quy định, quy trình và sổ tay thanh tra trên cơ sở rủi ro đồng thời tổ chức tổng kết đánh giá hoạt động thanh tra giám sát của NHNN trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Ủy ban BASEL.
NHNN cần phải có cơ chế kiểm tra và biện pháp hữu hiệu để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các TCTD, tránh tình trạng tranh giành khách hàng giữa các ngân hàng với nhau. Do đó Ngân hàng Nhà nước cần hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động tín dụng ngân hàng, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các chính sách an toàn tín dụng có tính hướng dẫn và bắt buộc;có sự kiểm tra, kiểm soát có hiệu quả những hoạt động kinh doanh của các NHTM, đảm bảo sự phát triển bền vững an toàn.
Hoạt động Thanh tra ngân hàng của bộ máy thanh tra thuộc NHNN Việt Nam chủ yếu là kiểm tra tính tuân thủ pháp luật trong hoạt động ngân hàng và đánh giá về sự an toàn của NHTM. Còn về đánh giá hệ thống kiểm soát rủi ro của các NHTM, chưa thực hiện một cách có hệ thống, chưa có tiêu chí để thực hiện việc đánh giá này và chưa thực sự đánh giá toàn diện.
Đề nghị chuyển từ chủ yếu là thanh tra tuân thủ sang chủ yếu là giám sát và thanh tra theo rủi ro. Giám sát từ xa và thanh tra tại chỗ, nhưng giám sát phải là phương thức trọng yếu, bao gồm cả cảnh báo sớm và cảnh báo xa. Đồng thời nâng cao chất lượng, trình độ nghiệp vụ của đội ngũ thanh tra ngân hàng.
Để các doanh nghiệp gặp khó khăn được vay mới, NHNN cần có chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể hơn vấn đề xử lý nợ cũ vì đa số các doanh nghiệp đang gặp khó khăn là các doanh nghiệp đang có nợ xấu nên không đủ điều kiện để vay mới.