Khả năng ngôn ngữ tiếng Việt

Một phần của tài liệu Mô hình trường học thân thiện ở vùng miền núi dân tộc thiểu số Việt Nam (Nghiên cứu trường hợp trường tiểu học và trung học cơ sở Lầu Thí Ngài, xã Lầu Thí Ngài, (Trang 82)

8. Khung lý thuyết

3.4.3.Khả năng ngôn ngữ tiếng Việt

Sự hạn chế về khả năng ngôn ngữ cũng là một rào cản lớn trong việc tiếp cận giáo dục của trẻ em dân tộc thiểu số xã Lầu Thí Ngài. Theo bảng phỏng vấn học sinh ở khối tiểu học và THCS Lầu Thí Ngài, trong số 229 em được phỏng vấn thì có 212 em học sinh là người H’mông (chiếm 92,8%), có 17 em học sinh là người Dao (chiếm 7,4%), và cũng theo số liệu điều tra của huyện Bắc Hà như đã được trình bày ở phần giới thiệu địa bàn nghiên cứu ở trên cho thấy Lầu Thí Ngài là một xã điển hình có100% dân cư là người dân tộc thiểu số, hơn 90% là người H’mông, còn lại một tỉ lệ nhỏ là người Dao. Ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày của người dân ở đây là tiếng địa phương. Trẻ em đến trường học phải làm quen với tiếng Việt và để hiểu được kiến thức trong sách giáo khoa của các môn học, học sinh bắt buộc phải đọc thông viết thạo tiếng Việt. Tiếng Việt được coi là ngôn ngữ thứ hai của các em, do vậy đối với phần lớn học

sinh, đọc thông viết thạo tiếng Việt là một thách thức rất lớn khi mà các em không được trang bị môn “ngoại ngữ” này từ lớp mẫu giáo.

“Dạy học cho học sinh dân tộc thiểu số vô cùng cực khổ, nhất là phải dạy cho các em kiến thức bằng một ngôn ngữ xa lạ. Giáo viên không biết tiếng mẹ đẻ của các em, chỉ có một số khác biết nói vài câu giao tiếp thông thường nên trong quá trình giảng dạy dẫn đến việc hai bên không hiểu nhau. Thầy cô cảm thấy ức chế, bực bội, còn học sinh thì chán nản, sợ học bài, sợ thầy cô dẫn đến việc nghỉ học, bỏ học”

(Giáo viên nam, 23 tuổi, trường tiểu học Lầu Thí Ngài)

“Nhiều học sinh lớp 8, lớp 9 không đọc thông viết thạo, có em còn không biết đọc, biết viết, thầy cô cũng không biết phải làm thế nào. Theo nguyên tắc thi cử thì rõ ràng những em đó không được lên lớp nhưng do bệnh thành tích, sau một thời gian bồi dưỡng hè cho học sinh yếu kém, các em đó vẫn được lên lớp bình thường. Nó trở thành gánh nặng cho tất cả các giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm. Vì thế một số giáo viên có tâm lý chán nản, không muốn tiếp tục theo nghề hoặc tìm cách chuyển đi nơi khác”

(Giáo viên nữ, 27 tuổi, trường THCS Lầu Thí Ngài) Đây có thể nói là thực trạng khá phổ biến ở các trường vùng cao miền núi phía Bắc Việt Nam. Nguyên nhân là do trình độ học sinh không đồng đều, nhiều em không được học qua lớp mẫu giáo để được làm quen với tiếng việt. Lên đến lớp 1 các em phải học các môn học với ngôn ngữ hoàn toàn mới lạ trong khi ngôn ngữ hàng ngày của các em là tiếng địa phương. Vấn đề khó khăn nhất là ở chỗ, giáo viên giảng dạy ở xã Lầu Thí Ngài 100% là giáo viên từ miền xuôi lên nên gần như không có giáo viên nào thông thạo tiếng địa phương. Dẫn đến tình trạng học sinh không hiểu bài, không hiểu lời cô giảng, còn giáo viên không biết phải làm thế nào để giải thích ý nghĩa cho các em. Phòng giáo dục và một số tổ chức ban ngành quan tâm hết sức tạo điều kiện cho con em địa phương được đi học các lớp bồi dưỡng, trung cấp, cao đẳng sư phạm để về giảng dạy tại quê nhà, nhưng dự án này không thành bởi lẽ lựa chọn các em có đủ điều

kiện đi học đã khó, động viên khuyến khích các em sau khi tốt nghiệp về lại quê nhà giảng dạy còn khó hơn. Hầu hết sau một vài đợt gửi đi học, sau khi tốt nghiệp các em không trở về quê làm việc như cam kết ban đầu, hầu hết các em đều lập gia đình ở thị trấn, thành phố hoặc đến huyện khác. Nhiều giải pháp được đưa ra nhưng đều đi đến bế tắc. Trường tiểu học Lầu Thí Ngài mong muốn thuê được trợ giảng là người địa phương, hỗ trợ giáo viên chính trong việc giảng dạy, song vấn đề kinh phí và tìm kiếm trợ giảng là những khó khăn lớn đối với nhà trường.

Phần lớn cha mẹ của học sinh không nói được tiếng Việt hoặc nói được rất ít. Khi về nhà, các em thường giao tiếp với cha mẹ và những người xung quanh bằng tiếng H’mông nên khả năng nâng cao tiếng Việt của các em lại càng ít. Thúc đẩy bình đẳng giới, khi tác giả hỏi một số cha mẹ về việc vì sao giờ đây họ khuyến khích cả con trai và con gái trong nhà đến trường, không bắt các em phải đi làm nương thường xuyên thì họ chỉ trả lời đại khái rằng họ nghĩ thế là tốt cho trẻ, các con lớn lên sẽ kiếm được việc làm. Chính vì vốn từ vựng tiếng Việt hạn chế nên họ không giải thích được nhiều.

Một phần của tài liệu Mô hình trường học thân thiện ở vùng miền núi dân tộc thiểu số Việt Nam (Nghiên cứu trường hợp trường tiểu học và trung học cơ sở Lầu Thí Ngài, xã Lầu Thí Ngài, (Trang 82)