Trường học thân thiện có cơ sở vật chất, môi trường giáo dục thể

Một phần của tài liệu Mô hình trường học thân thiện ở vùng miền núi dân tộc thiểu số Việt Nam (Nghiên cứu trường hợp trường tiểu học và trung học cơ sở Lầu Thí Ngài, xã Lầu Thí Ngài, (Trang 35)

8. Khung lý thuyết

2.3.2.Trường học thân thiện có cơ sở vật chất, môi trường giáo dục thể

sức khỏe, tôn trọng giới phù hợp với trẻ em

Học sinh đến trường với mục đích chính là để tích lũy kiến thức, mở mang tầm hiểu biết, không ngừng khám phá những chân trời khoa học mới, phục vụ cho sự tiến bộ của loài người. Có lẽ nhiều lúc chúng ta mải mê vì những mục đích chủ yếu và lớn lao đó mà chỉ chú trọng đến việc làm sao để truyền đạt kiến thức cho học sinh tốt hơn, xuất bản những cuốn sách giáo khoa và sách tham khảo như thế nào để học sinh có thể lĩnh hội được kiến thức một cách dễ dàng nhất… mà không quan tâm đúng mức đến cảm nhận của học sinh mỗi ngày đến trường, rằng các em có cảm thấy phấn khởi khi đến trường, khi bước vào lớp học không? Liệu các em có thực sự muốn đến trường

hàng ngày không thay vì một nơi nào đó làm các em cảm thấy vui vẻ hơn, sinh động hơn, được vui chơi nhiều hơn như đến công viên, đi chơi cùng bạn bè…

Như đã trình bày ở phần trên, bản chất của trường học thân thiện là một ngôi trường xuất phát từ tình yêu thương: Trường học nên thực hiện những thứ mà một đứa trẻ yêu thích nhất. Tất cả những nguyên tắc, các bước xây dựng trường học thân thiện đều căn cứ trên những nguyên tắc của Quyền trẻ em, tất cả vì trẻ em trước hết và có sự điều chỉnh phù hợp với tâm lý lứa tuổi của từng cấp học. Khác với những trường học phổ biến từ trước tới nay với những lớp học khang trang và có phần nghiêm túc, trang trọng, trường học thân thiện có môi trường cơ sở vật chất đảm bảo những điều kiện tối thiểu phát triển tâm lý và thể chất học sinh và là một môi trường an toàn đặc biệ đối với học sinh nữ, sinh động và cuốn hút trẻ.

2.3.2.1 Trường học thân thiện có cơ sở vật chất và chăm sóc sức khỏe an toàn, đảm bảo cơ hội phát triển thể chất cho trẻ

Môi trường học đường ở trường tiểu học và THCS Lầu Thí Ngài là môi trường học đường thân thiện với trẻ. Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất còn khó khăn, thiếu thốn nhiều trang thiết bị, tuy nhiên các trường học của xã Lầu Thí Ngài là xã vùng cao nên được Nhà nước ưu tiên xây dựng trường lớp rất khang trang, có bàn ghế kiên cố. Khu nội trú được xây dựng khang trang, rộng rãi bao gồm phòng ở cho học sinh nam và nữ, có bếp ăn, bể nước, khu vệ sinh dành cho nam và nữ, an toàn, sạch sẽ. Từ khi có khu nội trú, học sinh ở xa trường có điều kiện đi học hàng ngày, các em còn được chương trình 135 của Nhà nước hỗ trợ và các giáo viên trong trường trích một phần lương hàng tháng của mình để đảm bảo bữa ăn hàng ngày cho các em. Nhà trường huy động phụ huynh, học sinh cải tạo những khoảng đất trống để trồng cây xanh, hoa và trồng rau sạch, vừa để làm ngôi trường xanh vừa để cải thiện bữa ăn cho học sinh nội trú. Cả hai trường học đều có sân chơi rộng rãi, có bóng mát, có khu vui chơi cho học sinh và khu tập thể dục thể thao, tạo cơ hội học tập linh hoạt cho học sinh. Bên cạnh đó, các trường rất chú trọng đến việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Nhà trường có nhân viên y tế,

được cung cấp các trang thiết bị sơ cứu ban đầu và lớp học nào cũng được trang bị tủ thuốc với một số loại thuốc thông dụng như thuốc cảm, thuốc ho, vitamin, bông băng… Công tác giáo dục sức khỏe trong trường học thân thiện đặc biệt được coi trọng thông qua phương pháp giáo dục đồng đẳng trẻ với trẻ và sự phối hợp chặt chẽ với trạm y tế xã, y tế huyện. Việc giáo dục sức khỏe cho học sinh trung học cơ sở bao gồm sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, phòng tránh HIV/AIDS và mối nguy hiểm của việc kết hôn sớm và nghiện ma túy. Đây được coi là một phương pháp phát huy hiệu quả nhất trong nhà trường tính đến thời điểm hiện nay. Một số học sinh sẽ được chọn vào hoạt động trong nhóm giáo dục đồng đẳng thông qua bầu cử tại mỗi lớp. Nhóm học sinh này sẽ được tập huấn về kiến thức cũng như kỹ năng tuyên truyền và sau đó nhóm sẽ tổ chức các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau cho các bạn cùng trang lứa khác về các vấn đề về sức khỏe. Các hình thức sáng tạo hấp dẫn học sinh và tương đối hiệu quả phải kể đến như đóng kịch, vẽ tranh, thực hành-làm mẫu…

“Em rất thích tham gia hoạt động tuyên truyền giáo dục đồng đẳng về sức khỏe. Qua hoạt động này kiến thức về sức khỏe của em được nâng cao rất nhiều. Em còn được học thêm nhiều kỹ năng, được tiếp xúc với các thầy cô và rất nhiều bạn bè trong trường, nhờ đó em cảm thấy tự tin hơn, có trách nhiệm hơn và thích đi học hơn”

(Nam, học sinh lớp 7, nhóm giáo dục đồng đẳng, trường THCS Lầu Thí Ngài) Ban đầu nhiều học sinh còn e ngại khi tiếp xúc với các tài liệu nhạy cảm như về sức khỏe sinh sản vị thành niên, nhưng sau đó dần dần thông qua các hoạt động tuyên truyền các em dần làm quen và thích đọc các tài liệu liên quan. Các tài liệu này các em tiếp cận rất dễ dàng vì chúng được phân phát về góc học tập tại các lớp và có tủ truyền thông được đặt ở góc tường góc cầu thang, các em có thể lấy dễ dàng và đọc ngay tại chỗ. Thêm vào đó, các tài liệu tuyên truyền đều rất sinh động, có nhiều ảnh minh họa và lời mô tả đơn giản, dễ hiểu đối với các em.

“Em rất thích các bạn trong nhóm tuyên truyền giáo dục đồng đẳng. Vì chúng em đã lớn, có nhiều chuyện không dám kể với thầy cô giáo, sợ bị mắng hoặc thầy cô không

hiểu. Nhưng nay chúng em có thể nói thoải mái với các bạn trong nhóm tuyên truyền và được nghe những lời khuyên bổ ích cho sức khỏe. Kiến thức các bạn ấy truyền đạt em nhớ rất lâu và thực hành được ngay vì được tham gia nhiều hoạt động. Em thích đóng kịch và thực hành-làm mẫu, mình không thích hoạt động vẽ tranh lắm, vì mình không biết vẽ…”

(Nữ, học sinh lớp 9, trường THCS Lầu Thí Ngài) Không có điều kiện tốt như các học sinh ở vùng xuôi, các em học sinh ở vùng cao xa xôi không được cha mẹ quan tâm đến sức khỏe đúng mức, ở nhà các em phải lên nương và làm các công việc khác, nếu em nào bị ốm thì nhiều gia đình không có tiền hoặc phương tiện đưa con đến trạm y tế hoặc bệnh viện, còn có gia đình thì mê tín, lạc hậu chữa bệnh cho con bằng các phương pháp truyền thống, nhiều khi dẫn đến nguy hiểm tính mạng cho trẻ.

Bảng 2.2: Quan điểm của học sinh về việc bị ốm bố mẹ tự mua thuốc hoặc mời thầy cúng/thầy mo đến nhà

Quan điểm học sinh Tần số Tỉ lệ (%)

Đồng ý 56 24.5

Không đồng ý 172 75.1

Không có ý kiến 1 0.4

Tổng số 229 100

Qua phỏng vấn các em học sinh, trong số 229 em được hỏi thì có đến 56 em đồng tình với quan điểm này, bởi vì từ trước đến nay bố mẹ các em thường phỏng đoán triệu chứng bệnh tình của các em để mua thuốc hay dùng thuốc tự chế hoặc nặng hơn thì mời thầy cúng đến giải hạn. Tuy nhiên có tới 172 em (chiếm 75,1%) có mong muốn được bố mẹ đưa đi khám bệnh ở trạm y tế hoặc bệnh viện mỗi khi bị ốm, chứng tỏ nhận thức về bảo vệ sức khỏe của phần lớn học sinh đã được nâng cao rõ rệt. Thông qua các kiến thức từ sách, vở, thông qua sự tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe của các

cán bộ giáo viên trong nhà trường, các em học sinh đã dần ý thức được vai trò của trạm y tế, bệnh viện, thuốc men thay vì mời thầy cúng/thầy mo hay các loại thuốc gia đình tự làm.

2.3.2.2. Trường học thân thiện được bài trí hấp dẫn, khoa học

Tận dụng lợi thế về môi trường thể chất an toàn, đảm bảo sự phát triển thể chất của trẻ, Ban giám hiệu cùng với các cán bộ giáo viên nhà trường đã nỗ lực xây dựng nhà trường trở thành ngôi trường thân thiện với trẻ với các bài trí đa dạng giúp cho diện mạo trường học ngày càng thêm sinh động. Các giáo viên trong trường cùng với học sinh đã cùng nhau kết hợp, trang trí lại trường học, lớp học và những không gian hoạt động khác như thư viện, thư viện ngoài trời, các góc vui chơi hay khu nội trú… Do hạn chế về kinh phí, nhà trường đã tận dụng nguồn lực sẵn có là giáo viên mỹ thuật như trường THCS hay nhờ giáo viên mỹ thuật ở trường bạn như trường tiểu học để sơn, vẽ một số bức tranh tường mà các em học sinh yêu thích. Từ những bức tường từng được giữ gìn sạch đẹp nay được tô điểm bằng những hình vẽ sinh động, vui nhộn, tạo không khí thoải mái khi bước vào trường. Bên cạnh đó, Ban giám hiệu hai trường phát động liên tục các hoạt động trang trí lớp học thông qua việc trưng bày tranh ảnh, các sản phẩm của học sinh, hay thiết lập các góc hoạt động như góc sáng tạo, góc bản sắc văn hóa hoặc góc thi đua điểm tốt/hạnh kiểm tốt… Việc trang trí lớp học phần lớn do các em học sinh tự nghĩ ra ý tưởng và cùng với sự giúp đỡ của giáo viên chủ nhiệm các em tiến hành tự trang trí và hoàn thiện. Nhờ đó, không khí lớp học trở nên sinh động hơn, thân thiện gần gũi với các em hơn. Còn gì vui thích hơn khi đến lớp mỗi ngày các em có thể nhìn ngắm các sản phẩm hoặc các bài kiểm tra điểm tốt của mình hoặc của các bạn được trưng bày ngay tại lớp và những góc hoạt động với những ý tưởng do chính mình nghĩ ra.

“Việc để các em tự nghĩ ra ý tưởng và tự thiết kế tất cả mọi vật dụng trang trí lớp học chính là để nâng cao tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Chúng tôi mong muốn các em hiểu rằng, lớp học này là lớp học của các em và các em có quyền tự vẽ nên bộ mặt

cho nó. Chính vì các em được tham gia vào tất cả các hoạt động nên ý thức tự quản của học sinh ngày càng được nâng cao một cách tự giác. Các em không còn nghịch phá bàn ghế hay các đồ dùng nữa, mà còn biết tự phân công nhau quét dọn lớp học và vệ sinh các vật dụng ở các góc. Nhờ vậy, tinh thần học tập và thi đua ở lớp sôi nổi hơn rất nhiều”

(Nữ, 29 tuổi, giáo viên chủ nhiệm trường THCS Lầu Thí Ngài) Liệu việc trang trí lớp học, trường học làm sao để gần gũi, thân thiện với học sinh có tốn kém nhiều về tài chính?

Điểm độc đáo và khác biệt của trường học thân thiện là ở chỗ, bất kỳ ngôi trường nào ở bất kỳ đâu cũng đều có thể trở thành trường học thân thiện, là ngôi trường mà các em cảm nhận được tình yêu thương và cảm thấy bản thân chính là một phần của ngôi trường đó. Trường học thân thiện cần có môi trường lớp học, trường học gần gũi, vui vẻ, khiến cho học sinh cảm nhận được sự sôi nổi, tươi mới. Trường học thân thiện không khuyến khích sự chi tiêu lãng phí, các lớp học và hành lang hoàn toàn có thể được trang trí bằng các nguyên vật liệu sẵn có hoặc có thể tận dụng văn phòng phẩm từ các giờ học thực hành như giấy màu, tranh vẽ, đất nặn, vỏ hộp, các chất liệu từ nhựa, tre, gỗ, lá cây, lõi ngô… để làm thành các hình trang trí tùy theo trí tưởng tượng của các em học sinh. “Em rất thích việc thêu thùa, em đã có một vài bức thêu được trưng bày ở lớp và thư viện. Em được các thầy cô khen là khéo tay. Em muốn đóng góp sản phẩm của mình để trang trí lớp học của em thêm đẹp hơn. Em rất thích đến lớp học ngắm nhìn những sản phẩm của các bạn khác nữa” (Học sinh nữ, lớp 5, trường tiểu học Lầu Thí Ngài). Các em khi ở nhà vốn không có điều kiện được vui chơi, được phát huy khả năng sáng tạo của mình thì ngôi trường của các em chính là môi trường lý tưởng để các em có thể vừa học vừa vui chơi và có cơ hội phát hiện những khả năng sáng tạo của mình. Bảng 3 dưới đây cho thấy rõ điều này

Bảng 2.3: Tỉ lệ học sinh thích đến trường vì điều kiện cơ sở vật chất tốt gần gũi, thân thiện

80% 20%

Đồng ý Không đồng ý

Trong tổng số 229 em học sinh được phỏng vấn, có tới 183 em (80%) công nhận rằng các em thích đến trường vì trường học có nơi vui chơi thoải mái, có môi trường lớp học gần gũi và nhiều hình ảnh sinh động, hấp dẫn, giúp các em thư giãn sau mỗi giờ học căng thẳng. Trường THCS Lầu Thí Ngài còn tạo dựng được cả khu vực trồng rau nhằm cải thiện bữa ăn cho học sinh nội trú. Sau mỗi buổi học, các em học sinh nội trú có thể chơi thể thao, lên thư viện học bài, chơi đu quay, cầu trượt, một vài em nữ ngồi ghế đá thêu thùa và một số em khác đi tưới rau… Những hoạt động này giúp các em rèn luyện thể chất vừa là dịp để các em trò chuyện và có mối quan hệ gắn kết với nhau hơn.

“Từ khi xây dựng được khu vui chơi và khu nội trú, các em học sinh nhà xa rất thích được ở nội trú, còn các em khác thì sau mỗi giờ ra chơi đều chơi các trò chơi sôi nổi và hào hứng. Những buổi lao động tập thể cũng trở nên bổ ích với những mục đích làm cho trường học ngày càng đẹp hơn như các buổi lao động rào vườn rau, san đất trồng cây và hoa… khiến các em làm việc rất nhiệt tình vì nó liên quan đến quyền lợi của chính các em…” (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Việc vui chơi và tạo ra các cơ hội học tập phong phú, đa dạng có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em. Học sinh ngoài nhiệm vụ đến trường để tiếp thu kiến thức, các em còn mong muốn được có cơi hội vui chơi, được học tập với nhiều hình thức đa dạng phù hợp với lứa tuổi của các em. Trường học thân thiện chú trọng đến các hoạt động cải thiện, nâng cấp môi trường cơ sở vật chất, chăm sóc sức khỏe cho học sinh, tạo cơ hội để học sinh có thể tiếp cận giáo dục, có cơ hội được phát triển toàn diện. Trường học thân thiện xây dựng một môi trường cơ sở vật chất tốt với các hình ảnh sinh động, tạo không khí hân hoan, chào đón học sinh đến trường mỗi ngày, để các em cảm thấy rằng ngôi trường không phải là một “nhà tù” vô hình mà các em phải có nghĩa vụ đến hàng ngày và phải học những bài học nhàm chán hết giờ này đến giờ khác.

Một phần của tài liệu Mô hình trường học thân thiện ở vùng miền núi dân tộc thiểu số Việt Nam (Nghiên cứu trường hợp trường tiểu học và trung học cơ sở Lầu Thí Ngài, xã Lầu Thí Ngài, (Trang 35)