8. Khung lý thuyết
3.3.1. Đối với cán bộ giáo viên trường học
Tạo môi trường học đường thân thiện, cởi mở, chào đón học sinh tới trường và phát triển nhiều hình thức hoạt động phong phú hơn đáp ứng quyền tham gia của trẻ em, trường học thân thiện đã thực sự tạo hứng thú, kích thích sự sáng tạo, năng khiếu cho trẻ, lôi cuốn trẻ thích đến trường, góp phần làm tăng tỷ lệ đi học và chuyên cần hàng năm. Tuy nhiên, những việc này vô hình chung làm tăng khối lượng công việc của cán bộ giáo viên trong trường. Bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy và làm công tác trường học, các giáo viên và ban giám hiệu nhà trường phải đầu tư thêm thời gian, công sức tổ chức các hoạt động, bài trí lớp học, trường học trở lên sinh động, gần gũi hơn với học sinh dựa trên tinh thần tự nguyện và tâm huyết với công việc dạy học. Một số giáo viên trong trường chưa hiểu rõ về bản chất và mục đích của các hoạt động này của trường học thân thiện nên tỏ ra chưa thực sự hứng thú và dành tâm huyết cho các hoạt động này. Một số cán bộ giáo viên khi được giao nhiệm vụ thực hiện tổ chức hoạt động, họ cũng tham gia một cách miễn cưỡng, không nhiệt tình.
“Các phương pháp dạy học tích cực tất nhiên ai cũng thấy là rất hay, rất bổ ích, mang lại hiệu quả giảng dạy cao nhưng không phải giáo viên nào cũng muốn áp dụng vì tâm lý “ngại” cái mới, ngại phải làm việc vất vả hơn, mất nhiều thời gian vào buổi tối thay vì được chơi với con cái chẳng hạn…Thời gian của tôi rất eo hẹp. Tôi phải chủ nhiệm lớp, dạy học cả ngày, kiêm thêm hoạt động đoàn đội, giờ nhà trường lại giao cho tôi quản lý Ban học sinh nữa quả thật là một gánh nặng. Hơn nữa tôi lại không được hỗ trợ thêm bất kỳ khoảng trợ cấp nào, tôi làm vì thấy nó bổ ích đối với học sinh mà thôi”
“Quả thực từ ngày có trường học thân thiện, công việc của giáo viên nhiều hơn, vất vả hơn. Bản thân tôi vừa phải dạy cả ngày, vừa phải tham gia quản lý nhóm sở thích và còn hỗ trợ thủ thư, hướng dẫn học sinh làm tiểu dự án trong thư viện. Trước đây không làm thêm công tác gì thì tôi vẫn giảng dạy tốt và nhàn rỗi hơn, giờ thì vô cùng bận rộn vì nhận thức của học sinh còn chậm, nên nhiều lúc tôi không muốn làm gì, đau đầu, mệt mỏi vì phải suy nghĩ xem làm thế nào cho hiệu quả. Tôi cho rằng nhà trường cần tăng thêm lương hoặc chế độ ưu đãi thì cán bộ giáo viên mới dành tâm huyết để làm các hoạt động này”
(Giáo viên nữ, 25 tuổi, trường tiểu học Lầu Thí Ngài) Chương trình giảng dạy chặt chẽ, giáo viên buộc phải chạy theo chương trình mới kịp tiến độ hoàn thành nhưng khó khăn ở chỗ nhận thức của học sinh dân tộc thiểu số thấp, không thông thạo tiếng Việt khiến giáo viên lâm vào tình cảnh dạy đúng chương trình thì học sinh không hiểu bài, dạy chậm lại thì không theo kịp chương trình - một tiêu chí đánh giá giáo viên giỏi. Áp lực công việc, cộng với những lo toan của đời sống thường ngày khiến đại đa số giáo viên không đầu tư công sức cho những phương pháp hay củng cố kỹ năng dạy học tích cực.