Kỹ năng quản lý và phương pháp giảng dạy của đội ngũ cán bộ giáo viên

Một phần của tài liệu Mô hình trường học thân thiện ở vùng miền núi dân tộc thiểu số Việt Nam (Nghiên cứu trường hợp trường tiểu học và trung học cơ sở Lầu Thí Ngài, xã Lầu Thí Ngài, (Trang 72)

8. Khung lý thuyết

3.1.Kỹ năng quản lý và phương pháp giảng dạy của đội ngũ cán bộ giáo viên

Do phương pháp tư duy của nhiều cán bộ giáo viên vẫn theo phương pháp cũ, cứng nhắc, một chiều, không quan tâm đến sự phản hồi nên gây cho học sinh tâm lý e ngại, không thích học bài dẫn đến học kém. Đây là những đối tượng có nguy cơ nghỉ học, bỏ học cao. Mặc dù đã được cải thiện về phương pháp, kỹ năng giảng dạy qua nhiều khóa tập huấn, song một số giáo viên, nhất là các giáo viên có thâm niên trong nghề lại khó áp dụng phương pháp mới. Nguyên nhân chính là do tâm lý bảo thủ, ngại cái mới, lối tư duy truyền thống cứng nhắc đã ăn sâu vào tiềm thức những cán bộ giáo viên này. Một số giáo viên áp dụng phương pháp giảng dạy mới nhưng vẫn mang tính chất hình thức, cứng nhắc dẫn đến hậu quả là không những không tạo hứng thú cho học sinh mà còn làm cho các em thêm mệt mỏi và không hiểu bài.

“Vấn đề phương pháp giảng dạy cần phải được chú trọng củng cố cho giáo viên hơn nữa. Vì nhiều giáo viên chưa thực sự hiểu được bản chất của phương pháp nên không biết cách vận dụng một cách hợp lý và linh hoạt vào điều kiện của trường, lớp mình. Có giáo viên áp dụng phương pháp thảo luận nhóm, ngay khi bắt đầu buổi học, cô cho

các cháu sắp xếp bàn ghế thành nhiều nhóm và tiến hành chia nhóm luôn trong khi hoạt động thảo luận nhóm của bài giảng hôm đó chỉ cần 15 phút. Các em học sinh ngồi quay lưng lại với bảng nhưng lại phải ngoái cổ lại để nghe cô nói và ghi chép trên bảng, tư thế ngồi học không thoải mái khiến các em chán nản, dẫn đến không tiếp thu được bài học”

(Nữ, 48 tuổi, hiệu phó trường tiểu học Lầu Thí Ngài) Khi tác giả trực tiếp phỏng vấn học sinh về thái độ của giáo viên đối với học sinh thì nhận thấy rằng vẫn còn hiện tượng một số giáo viên có thái độ ứng xử thiếu thân thiện và phi giáo dục với học sinh.

“Khi em mắc lỗi hoặc làm bài sai, cô giáo phạt em bằng cách đánh vào tay rất đau rồi cô quát mắng em nữa. Những lúc như thế em rất sợ nhưng không dám khóc vì sợ cô đánh tiếp. Có bạn trong lớp không thuộc bài còn bị cô bắt đứng ở góc lớp, cho các bạn khác cười chê, có bạn còn bị cô véo tai, khóc suốt”

(Học sinh nam, lớp 5, trường tiểu học Lầu Thí Ngài)

“Nhiều khi mọi người cũng nên thông cảm với giáo viên chúng tôi. Đúng là trách phạt học sinh, quát mắng la lối là không đúng, nhưng giáo viên giảng dạy đôi lúc rất ức chế. Nhận thức của học sinh rất kém, nói đi nói lại mãi vẫn không hiểu bài. Có bài toán, tôi phải giảng đi giảng lại đúng một tuần mà vẫn có em làm sai gây tâm lý ấm ức, không thể chịu nổi. Chị bảo chúng tôi làm sao mà bình tĩnh, ngọt ngào mãi được. Nhiều lúc chỉ muốn bỏ nghề vì mệt mỏi”

(Giáo viên nữ, 34 tuổi, trường tiểu học Lầu Thí Ngài) Thực trạng trên cũng một phần xuất phát từ phía đối tượng học sinh. Do là học sinh dân tộc, nhận thức chậm. Thêm vào đó, ở tiểu học, nhiều lớp là lớp ghép với nhiều trình độ khác nhau trong khi đó giáo viên lại phải soạn bài và giảng dạy theo một chương trình sách giáo khoa thống nhất trong cả nước với trình độ trung bình. Thực tế là ở các lớp ghép này, giáo viên phải đồng thời có từ 2 đến 3 cuốn giáo án trở lên. Vì

vậy áp lực đối với giáo viên là không nhỏ, nhiều khi do mệt mỏi giáo viên lại trút giận lên học sinh, dùng hình phạt đối với học sinh khi các em phạm lỗi.

Khi tác giả có phản hồi với ban giám hiệu nhà trường, đại diện Ban giám hiệu nhà trường cũng cho biết:

“Đây là thực trạng khá phổ biến ở các trường học. Từ khi có trường học thân thiện, tình trạng này đã giảm đi đáng kể. Tuy nhiên vẫn còn một số giáo viên vẫn không bỏ được thói quen gần như cố hữu này, bởi vì ở trong lớp học, giáo viên từ trước đến nay luôn được xem là người có quyền lực nhất và có quyền quyết định mọi việc. Nhà trường đã nỗ lực rất nhiều, tuyên truyền vận động, tổ chức tập huấn đổi mới phương pháp, loại bỏ thói quen phi sư phạm này. Để thay đổi được triệt để thì cần là cả một vấn đề, đòi hỏi nhiều thời gian hơn.”

(Nữ, 49 tuổi, hiệu trưởng trường tiểu học Lầu Thí Ngài) Có thể nói đây là thực trạng phổ biến ở trong các nhà trường trước đây và hiện nay. Hiện tượng trừng phạt thân thể (đánh, tát, kéo tóc, bắt phơi nắng…) hay xúc phạm về tinh thần (mắng, chửi, lườm nguýt, bỏ mặc…) không phải là hiện tượng xa lạ ở nhiều trường học. Có nhiều nguyên nhân song nguyên nhân chủ yếu là xuất phát từ tư tưởng cố hữu, coi thầy cô như cha mẹ hay răn dạy trẻ em thì phải dùng roi vọt, phải quát mắng trẻ mới sợ, mới nghe lời “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”; “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”… Thêm vào đó, đại bộ phận giáo viên còn phải đương đầu với nhiều vấn đề trong cuộc sống đời thường nên dễ bị căng thẳng, dễ sinh ra cáu gắt khi đối mặt với những vấn đề của lớp học của lớp học như vấn đề sĩ số học sinh quá đông hoặc nghỉ học quá nhiều, điều kiện cơ sở vật chất và phương tiện giảng dạy thiếu thốn, sự không hợp tác của phụ huynh khi “khoán trắng” việc giáo dục con cái cho giáo viên hay khi nhiều học sinh trong lớp nhận thức quá chậm, đọc, nói tiếng Việt chưa thông thạo… Do nôn nóng, giáo viên thường giải quyết các vấn đề xảy ra trong quá trình dạy học như tát, đánh vào tay, phạt quỳ, phơi nắng, sỉ nhục học sinh… những cách này được coi là những cách ít tốn thời gian nhất, hiệu quả nhanh nhất.

Cũng phải nói thêm rằng, phương pháp giảng dạy của giáo viên vùng cao còn nhiều hạn chế, do ảnh hưởng của phương pháp giảng dạy truyền thống, cứng nhắc, thiếu linh hoạt. Do điều kiện vùng cao xa xôi, thiếu thông tin liên lạc nên giáo viên ít có điều kiện cập nhật thông tin, tiếp cận với các phương pháp mới, phù hợp với xu thế của thời đại. Điều này ảnh hưởng lớn đến hiệu quả giảng dạy, đặc biệt là đối với đặc thù học sinh miền núi, phần đông là học sinh dân tộc, đối tượng cần phải có những phương pháp giảng dạy linh hoạt và sinh động.

3.2. Chương trình giảng dạy và sách giáo khoa

Hiện tại theo cả nước đang áp dụng một khung chương trình giảng dạy chung cho bậc phổ thông với hệ thống sách giáo khoa chung cho cả nước. Ưu điểm của hệ thống khung chương trình chung là tránh tình trạng bất cập về trình độ ở các vùng trong cả nước, phổ cập trình độ trung bình nhằm tạo cơ hội tiếp cận bậc giáo dục cao đẳng, đại học đối với học sinh trong cả nước. Tuy nhiên, thực tế là nhận thức của trẻ em ở miền núi, đặc biệt là vùng sâu vùng xa dân tộc thiểu số còn rất hạn chế do giao thông đi lại khó khăn, thiếu thông tin liên lạc và các phương tiện truyền thông cũng như sách, báo các loại. Hơn nữa, ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày của trẻ em ở những vùng này là ngôn ngữ địa phương nên khi trẻ em đến trường tiếp cận với sách giáo khoa là cả một thách thức lớn đối với ý chí của các em. Những kiến thức trong sách giáo khoa các em chỉ biết được qua lời giảng của thầy cô, hoặc có thể kiểm tra qua các chương trình trên ti vi, vì ở những trường vùng cao không có đủ phương tiện để làm thí nghiệm hay cho các em được thực hành, mắt nhìn tai nghe.

“Trong sách giáo khoa có những bài học tôi không biết phải giảng cho học sinh hiểu được. Ví dụ như bài học về luật an toàn giao thông với đèn xanh, đỏ, vàng. Tôi phải cắt giấy tạo hình ảnh cho các em hình dung nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức hình dung đại khái thế thôi. Hay bài giới thiệu về công viên thì càng khó hơn, vì trong đời các em làm gì được biết đến công viên ra sao, những que kem mát lạnh, màu xanh đỏ là như thế nào đâu. Nếu có chương trình sách giáo khoa dành riêng cho học sinh dân tộc

thiểu số, phù hợp với trình độ của các em thì tốt biết bao. Giáo viên chúng tôi sẽ không phải vò đầu bứt tai giảng giải cho các em những điều các em không thể tưởng tượng nổi. Chúng tôi sẽ có thể dạy cho các em những điều giản dị, có mặt trong đời sống thường ngày của các em.”

(Giáo viên nữ, 25 tuổi, trường tiểu học Lầu Thí Ngài) Nhiều giáo viên trẻ tâm huyết với nghề, mong muốn cải thiện chất lượng giảng dạy, đã đưa ra một số giải pháp, nhưng vấn đề ở chỗ họ không có quyền quyết định mà phải thông qua sự đồng tình của ban giám hiệu và phòng giáo dục

“Trong trường có nhiều giáo viên rất tâm huyết, muốn giảng dạy làm sao giúp học sinh hiểu bài nên muốn soạn hai giáo án song song (mặc dù sẽ vất vả hơn rất nhiều), 1 giáo án theo chuẩn, còn giáo án kia là bài soạn phù hợp với trình độ của học sinh. Thế nhưng dự định này của chúng tôi không được chấp thuận vì bị đánh giá là “quá linh hoạt”, không phù hợp với chương trình thống nhất của Bộ giáo dục, khi phòng giáo dục về kiểm tra sẽ rất khó đánh giá”

(Giáo viên nam, 23 tuổi, trường THCS Lầu Thí Ngài) Nghĩa là nếu giáo viên dạy bám sát chương trình, hoàn thành nội dung giảng dạy theo tiến độ quy định của Bộ Giáo dục&Đào tạo thì học sinh không hiểu bài, do nhận thức của học sinh dân tộc thiểu số rất hạn chế, khả năng đọc và viết tiếng Việt của trẻ kém. Nhưng nếu giáo viên giảng dạy để học sinh có thể hiểu được bài thì buộc phải dạy chậm so với tiến độ, điều này đại đa số giáo viên không dám làm, vì nếu giảng dạy chậm so với tiến độ chung đồng nghĩa với việc giáo viên đó không hoàn thành được mục tiêu giảng dạy, và không được đưa vào danh sách giáo viên dạy tốt.

Một phần của tài liệu Mô hình trường học thân thiện ở vùng miền núi dân tộc thiểu số Việt Nam (Nghiên cứu trường hợp trường tiểu học và trung học cơ sở Lầu Thí Ngài, xã Lầu Thí Ngài, (Trang 72)