Các yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận chủ yếu là chi phí nhiên liệu và giá bán sản phẩm. Trong đó, chi phí nhiên liệu ngày càng tăng cao, giá bán sản phẩm lại phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm và các chủ nậu ở trong bờ. Các căn cứ để hình thành mức giá bán sản phẩm không rõ ràng nên giá thay đổi tự do từng giờ, từng ngày theo quyết định chủ quan của các chủ nậu. Kết quả tính toán lợi nhuận của các đội tàu trong (Bảng V.2 - phụ lục V) và thể hiện ở hình 3.18 sau:
Nhìn vào hình 3.18 trên ta nhận thấy lợi nhuận của khối tàu DVHC cao hơn khối tàu đi sản xuất. Trong các tàu DVHC lợi nhuận cao nhất là các tàu DVHC (thu mua cá) đạt 550 triệu đồng/năm/tàu, tàu DVHC (thu mua mực) đạt thấp hơn là 320 triệu đồng/năm/tàu. Khối tàu sản xuất tàu câu kiêm mành đạt lợi nhuận cao nhất là 161 triệu đồng/năm/tàu, tàu nghề khác đạt thấp hơn là 132 triệu đồng/năm/tàu và tàu nghề câu khơi là 106 triệu đồng/năm/tàu. Các tàu làm DVHC ở đây có lợi nhuận thấp hơn rất nhiều so với các tàu cùng khu vực khác như đội DVHC ở Phan Thiết, Vũng Tàu, Tiền Giang [7]. Tuy nhiên, các tàu khai thác trong khảo sát đạt lợi nhuận tương đương với các tàu khai thác khác trong khu vực như: Lợi nhuận của nghề lưới kéo đôi đạt từ 55 – 168 triệu đồng/năm/tàu, nghề câu khơi đạt 106 triệu đồng/năm/tàu, nghề lưới rê tầng mặt đạt từ 131 – 172 triệu đồng/năm/tàu, nghề lưới vây ánh sáng đạt từ 175 – 206 triệu đồng/năm/tàu, nghề chụp mực đạt từ 117 – 157 triệu đồng/năm/tàu [7].