Hiệu quả của tàu dịch vụ hậu cần trên đảo trong một chuyến biển

Một phần của tài liệu Đề xuất mô hình dịch vụ hậu cần trên biển của nghề câu kiêm nghề mành khai thác mực ở đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận (Trang 65)

Hiệu quả của đội tàu dịch vụ hậu cần (tàu thu mua) là tổng doanh thu bán sản phẩm trừ đi chi phí mua sản phẩm trên biển và chi phí biến đổi (dầu, nước đá, lương thực thực phẩm,…). Tàu dịch vụ hậu cần có 3 hình thức để bán sản phẩm:

+ Bán cho nậu, vựa trong bờ: Trong khoảng 4 đến 5 ngày, chủ tàu sẽ tính toán lượng cá, mực thu mua được, nếu đủ chi phí và có lãi thì tàu sẽ chạy về bờ để bán sản phẩm (khoảng 10 tấn sản phẩm trở lên). Trước khi bán, chủ tàu sẽ liên hệ với 2-3 nậu vựa ở Phan Thiết hoặc Cà Ná để thương lượng giá cả, nếu chỗ nào được giá hơn thì sẽ bán cho nậu, vựa đó. Nếu không đủ hàng chạy, tàu DVHC sẽ gửi sản phẩm cho tàu DVHC khác hoặc tàu khách (Phú Quý – Phan Thiết) chở vào bờ bán để bán. Tàu DVHC sẽ phải trả phí cho tàu vận chuyển là 500 đồng/kg sản phẩm. Trước khi vận chuyển về bờ bán, tàu DVHC sẽ báo sản lượng từng loại sản phẩm và thời gian dự kiến tàu DVHC vào đến bờ cho chủ nậu, vựa thông qua điện thoại. Chủ nậu, vựa sẽ thuê xe và nhân công đợi sẵn, khi tàu DVHC vào đến nơi thì cá, mực được chuyển thẳng lên xe đông lạnh rồi chở đến nhà máy chế biến mà không cần cân lại, điều này giúp cho quá trình chuyển cá từ tàu đến nhà máy chế biến nhanh hơn, ít ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Chủ nậu, vựa có thể kiểm tra lại thông qua sản lượng mà nhà máy chế biến báo lại. Do chủ nậu, vựa và tàu DVHC là chỗ làm ăn lâu năm, có uy tín nên rất tin tưởng nhau, thường thì ít khi xảy ra tình trạng tàu DVHC báo thiếu hoặc sai sản lượng. Chi phí thuê nhân công lên cá và xe đông lạnh chủ nậu, vựa sẽ chịu.

+ Bán cho các tiểu thương trên đảo: Một số sản phẩm có chất lượng tốt nhưng số lượng ít thì tàu DVHC thường bán lại cho các tiểu thương trên đảo để mang ra chợ bán. Tuy nhiên số lượng này không lớn, chủ yếu là cá ngừ và cá nục.

+ Bán cho các hộ nuôi cá lồng bè ở đảo: Với các sản phẩm có chất lượng xấu, không bán được cho nậu, vựa thì tàu mẹ sẽ bán lại cho các hộ nuôi cá lồng bè để làm thức ăn. Tuy nhiên sản lượng này phải bán trong nhiều ngày, vì hàng ngày các hộ nuôi lồng bè chỉ lấy đủ lượng mồi cho cá. Theo đánh giá của thuyền trưởng thì đây là hình thức bán kiếm lời nhiều nhất, vì tàu DVHC không phải mất chi phí chạy vào bờ, hơn nữa lại bán được giá, nhất là vào tuần nghỉ trăng do các hộ nuôi lồng bè bị thiếu mồi cho cá ăn.

Lợi nhuận của một năm sau khi trừ chi phí (sửa tàu thuyền, thuế, khấu hao tài sản,...) sẽ chia theo tỷ lệ góp vốn cố định, thường một tàu có từ 12 – 17 cổ phần tùy theo trọng tải và công suất máy tàu trang bị.

Đội tàu trong mô hình thu mua có hình thức trả lương cho người lao động theo dạng lương từng tháng. Người có kinh nghiệm được trả từ 2,5 – 4,5 (triệu đồng/tháng), người có ít kinh nghiệm thì được trả từ 1,5 – 2,5 (triệu đồng/tháng).

Đội tàu con trong mô hình có hình thức trả lương cho người lao động như đội tàu trong mô hình sản xuất dơn lẻ. Hiệu quả sản xuất của các tàu thu mua được thể hiện ở bảng 3.17 sau:

Bảng 3.17. Hiệu quả sản xuất của các tàu dịch vụ hậu cần trong năm

Loại mô hình Số tàu khảo sát (chiếc) TB chuyến biển/năm Số thuyền viên/tàu (người) Doanh thu/chuyến (Tr.đ) Chi phí biến đổi/chuyến (Tr.đ) TB thu nhập/chuyến (Tr.đ) Lợi nhuận/chuyến (Tr.đ) DVHC (Thu mua cá) 5 22 8 - 12 82,50 47,01 17,75 35,50 DVHC (Thu mua mực) 21 8 13 - 17 268,03 188,07 40,05 79,95

Kết quả điều tra bảng 3.17 cho thấy lợi nhuận trung bình trên một chuyến biển của đội tàu DVHC (thu mua mực) là lớn nhất đạt 80 (Tr.đ/chuyến/tàu) và thu nhập trung bình là 40 (Tr.đ/chuyến/tàu). Đội tàu DVHC (thu mua cá) lợi nhuận trung bình đạt thấp nhất là 35 (Tr.đ/chuyến/tàu) và thu nhập bình quân đạt 18 (Tr.đ/chuyến/tàu). Đội tàu DVHC (thu mua mực) hoạt động ở vùng biển khơi xa nên chuyến biển thường kéo dài ngày, số chuyển là 8 chuyến/năm. Đội tàu DVHC (thu mua cá) hoạt động ở vùng gần đảo, số ngày hoạt động trên biển ít, số chuyến là 22 chuyến/năm. Vì vậy, đội tàu DVHC (thu mua mực) có quy mô hơn các đội tàu DVHC (thu mua cá).

Một phần của tài liệu Đề xuất mô hình dịch vụ hậu cần trên biển của nghề câu kiêm nghề mành khai thác mực ở đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận (Trang 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)