Tính đồng bộ, thống nhất

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền phụ nữ ở Việt Nam hiện nay (Trang 45)

Tính đồng bộ, thống nhất là yêu cầu khách quan, là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thiện và chất lượng của hệ thống pháp luật. Điều này có nghĩa là, khi xem xét mức độ hoàn thiện của một hệ thống pháp luật thì cần phải xét xem giữa các bộ phận, quy phạm pháp luật của nó có trùng lặp, chồng chéo hay mâu thuẫn và xung đột với nhau không.

Tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật thể hiện trên những điểm sau đây:

- Một là, tính đồng bộ thể hiện ở sự đồng bộ giữa Hiến pháp với các ngành luật và giữa các ngành luật với nhau. Để đạt tới mục tiêu này, cần xác định rõ ranh giới giữa các ngành luật và phải xây dựng được một hệ thống quy phạm pháp luật căn bản trong Hiến pháp, hoàn thiện Hiến pháp nhằm tạo cơ sở để củng cố tính thống nhất của toàn bộ hệ thống pháp luật.

- Hai là, tính đồng bộ, thống nhất thể hiện sự thống nhất, không mâu thuẫn, không xung đột, không trùng lặp, chồng chéo trong mỗi ngành luật, mỗi chế định pháp luật và giữa các quy phạm pháp luật trong ngành luật đó với nhau.

- Ba là, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật thể hiện ở sự đồng bộ, thống nhất giữa văn bản luật với các văn bản dưới luật.

- Bốn là, trong điều kiện Đảng cầm quyền, còn phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của pháp luật với đường lối, chính sách, quan điểm của Đảng [53] .

Pháp luật về bả vệ quyền của phụ nữ tuy có đặc thù về đối tượng điều chỉnh và chủ thể quan hệ pháp luật, nhưng đó là quyền Hiến định căn cứ vào

40

quan điểm,đường lối, chính sách của Đảng đối với phụ nữ. Vì vậy, tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật về quyền của phụ nữ cũng được xem xét theo bốn yêu cầu nêu trên. Điều đó có nghĩa là pháp luật về bảo vệ quyền của phụ nữ cần phải bảo đảm các yêu cầu sau đây: thứ nhất, phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa Hiến pháp với các ngành luật và giữa các ngành luật với nhau; thứ hai, phải bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất trong mỗi ngành

luật, mỗi chế định pháp luật và giữa các quy phạm pháp luật trong ngành luật đó; và thứ ba, phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa văn bản luật với các văn bản dưới luật; thứ tư, phải bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các quy định của pháp luật với chủ trương, chính sách của Đảng về quyền của phụ nữ.

Trước hết, mức độ hoàn thiện của pháp luật về quyền của phụ nữ phải thể hiện tính đồng bộ, thống nhất giữa Hiến pháp và luật, giữa Hiến pháp, luật với các văn bản dưới luật. Hiến pháp là văn bản có tính pháp lý cao nhất, là cơ sở để tạo khung xây dựng các luật nhằm cụ thể hóa từng nội dung, vấn đề được quy định trong Hiến pháp. Hiến pháp năm 2013 khẳng định nguyên tắc bình đẳng nam nữ về các quyền, không phân biệt đối xử về giới. Theo đó, việc xây dựng các luật nhằm cụ thể hóa nội dung các quyền đó cũng phải bảo đảm nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử với phụ nữ khi tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.

Hơn nữa, pháp luật về quyền của phụ nữ là sự tổng hợp các quy phạm pháp luật của nhiều ngành luật khác nhau trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Quyền của phụ nữ có phạm vi rộng, có những nội dung thuộc sự điều chỉnh của Luật Hành chính, Luật Bầu cử, Bộ luật Hình sự... Chính vì vậy, mức độ hoàn thiện của pháp luật về quyền của phụ nữ phải được thể hiện qua tính đồng bộ và thống nhất giữa các quy phạm của các ngành luật này với ngành luật khác trong một tổng thể hệ thống pháp luật quốc gia. Trong mối quan hệ phức tạp như vậy giữa các ngành luật với nhau, tư tưởng xuyên suốt có tính nguyên tắc chi phối nội dung quy phạm pháp luật của các ngành luật phải là: bình đẳng và không phân biệt đối xử. Sở dĩ lấy các nguyên tắc này

41

làm tiêu chuẩn để xét tính đồng bộ giữa các quy phạm luật trong các ngành luật là vì đồng bộ không có nghĩa là một quy phạm pháp luật trong ngành luật này phải được lặp lại, hoặc nhắc lại trong ngành luật kia, mà cái chính là làm thế nào nội dung của quy phạm pháp luật này không xung đột với nội dung quy định trong các quy phạm pháp luật của ngành luật kia. Do vậy, giữa các quy phạm pháp luật về quyền của phụ nữ vừa có cái riêng - thuộc ngành luật khác nhau, song cũng vừa có cái chung - đó là thể hiện cho được tinh thần của các nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử, sự nhất quán về chủ trương và thống nhất về nội dung.

Quyền của phụ nữ phải là quyền bình đẳng của phụ nữ tham gia trong tất cả các hoạt động của đời sống xã hội và gia đình. Quyền bình đẳng phải là tiêu chí đối với từng quy phạm pháp luật bảo đảm quyền của phụ nữ. Chẳng hạn, Luật bầu cử khẳng định quyền bình đẳng, không phân biệt đối xử với phụ nữ trong việc bầu cử và ứng cử. Và như vậy, pháp luật hình sự phải khẳng định việc bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ bằng những chế tài nghiêm minh, nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử, gây tổn hại đến quyền bầu cử và ứng cử của phụ nữ.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển cũng nảy sinh nhiều mối quan hệ, pháp luật vì thế cũng phải điều chỉnh theo. Vì vậy, lẽ đương nhiên trong quá trình đó cũng sẽ khó tránh khỏi tình trạng có những quy định này trái với quy định kia, và điều này vô hình chung đã tạo ra tình trạng quy phạm pháp luật này làm giảm hiệu lực hoặc thậm chí là triệt tiêu quy phạm pháp luật kia.

Đồng thời, pháp luật về quyền của phụ nữ không có đạo luật riêng quy định về các nội dung liên quan đến quyền của phụ nữ, mà chỉ là tập hợp những quy phạm pháp luật thuộc các ngành luật khác nhau. Ở cấp độ chung nhất, giữa các quy phạm pháp luật trong các văn bản luật có thể đồng bộ và thống nhất về nội dung quy định. Song, ở cấp độ cụ thể, nghĩa là khi cụ thể

42

hóa các quy phạm trên bằng những văn bản hướng dẫn, giải thích- văn bản dưới luật - thì vấn đề hoàn toàn có thể khác, dễ xảy ra tình trạng quy định cụ thể xung đột với quy định chung, văn bản dưới luật trái với văn bản luật và thậm chí là vi hiến. Chẳng hạn, trong vấn đề bầu cử và ứng cử. Hiến pháp 1992 sửa đổi năm 2001 quy định: Công dân không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, thời hạn cư trú, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền bầu cử và từ 21 tuổi trở lên đều có thể được bầu vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp... Như vậy, Hiến pháp đã mở rộng đến mức tối đa đối tượng hưởng và thực hiện quyền bầu cử và ứng cử, nam và nữ đều có quyền ngang nhau. Theo quy định này, với tỷ lệ chiếm hơn nửa dân số, nữ giới có điều kiện khả năng chiếm tỷ lệ đại diện cao trong các cơ quan dân cử từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, việc đặt ra hạn định, mức phấn đấu về tỷ lệ đại biểu là nữ trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân, một mặt, là tích cực nhằm nâng tỷ lệ nữ đại biểu vẫn còn rất thấp so với yêu cầu giới và chưa tương xứng với tiềm năng và khả năng thực tế của phụ nữ; song mặt khác, nó đã vô hình chung trái với tinh thần quy định tại Hiến pháp và luật bầu cử. Rõ ràng, những quy định này xét trên một khía cạnh nhất định là không đồng bộ với nhau. Tình trạng thiếu đồng bộ như vậy trong pháp luật của nước ta chưa được khắc phục triệt để. Thực trạng này trước mắt có thể chấp nhận được, nhưng về lâu dài cần được tháo gỡ, đây cũng là một phần trách nhiệm quốc gia của Việt Nam theo tinh thần Công ước CEDAW.

Ngoài ra, mức độ hoàn thiện pháp luật về quyền của phụ nữ phải thể hiện tính đồng bộ, thống nhất giữa pháp luật với chủ trương, chính sách của Đảng về quyền của phụ nữ. Như đã đề cập ở trên, quyền bình đẳng của phụ nữ tham gia trong đời sống xã hội và gia đình trước hết là xuất phát từ đường lối, chủ trương và chính sách của Đảng về phụ nữ. Pháp luật với tính cách là công cụ của Nhà nước xác lập và bảo vệ quyền của phụ nữ thì không được

43

trái với đường lối, chủ trương và chính sách của Đảng. Phù hợp với quan điểm của Đảng thì nhiệm vụ cao nhất của pháp luật là bảo đảm được quyền bình đẳng, không phân biệt đối xử với phụ nữ.

Sự đồng bộ, thống nhất giữa pháp luật với đường lối, chủ trương và chính sách của Đảng về quyền của phụ nữ phải trải qua một bước đệm là nhận thức, và từ nhận thức sâu sắc về nghĩa vụ và trách nhiệm phải bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ tham gia vào đời sống xã hội mới có thể xây dựng và thông qua những quy phạm pháp luật phù hợp. Nhận thức đó phải dựa trên kinh nghiệm thực tiễn và yêu cầu phải thực hiện trách nhiệm quốc gia theo quy định của Công ước CEDAW. Như vậy, phải nhận thức sâu sắc quan điểm, đường lối, chủ trương và chính sách của Đảng về quyền bình đẳng và không phân biệt đối xử với phụ nữ về quyền của phụ nữ tham gia vào đời sống, trên cơ sở đó thể chế hóa thành nội dung cụ thể của các quy định trong văn bản pháp luật và thường xuyên tổng kết xem xét việc thực hiện trong thực tế như thế nào để điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật nhằm bảo đảm thực hiện quyền chính trị của phụ nữ trên thực tế.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền phụ nữ ở Việt Nam hiện nay (Trang 45)