8. Kết cấu của luận văn
1.3.2. Tiêu chí về mặt hình thức
1.3.2.1. Tính toàn diện
Tính toàn diện là tiêu chuẩn cơ bản thể hiện mức độ hoàn thiện của hệ thống pháp luật. Đây cũng là tiêu chí hàng đầu để đánh giá mức độ hoàn thiện của pháp luật về thanh tra xây dựng. Cũng như đối với hệ thống pháp luật, tính toàn diện là tiêu chuẩn để “định lượng” pháp luật về thanh tra xây dựng, cú ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục nghiên cứu để “định tính” chúng. Tính toàn diện của pháp luật về thanh tra xây dựng đòi hỏi pháp luật về thanh tra xây dựng phải có đầy đủ các chế định pháp luật phù hợp với đặc trưng của lĩnh vực thanh tra xây dựng và thể hiện thống nhất trong hệ thống văn bản
quy phạm pháp luật tương ứng, đồng thời trong từng chế định pháp luật đó phải có đầy đủ các quy phạm pháp luật cần thiết.
1.3.2.2. Tính đồng bộ
Tính đồng bộ của pháp luật về thanh tra xây dựng thể hiện sự thống nhất của nó, đòi hỏi giữa các bộ phận của pháp luật về thanh tra xây dựng không được trùng lặp, chồng chéo hoặc mâu thuẫn với nhau. Tính đồng bộ của pháp luật về thanh tra xây dựng thể hiện ở hai mức độ:
+ Ở cấp độ chung, đó là sự đồng bộ giữa các chế định pháp luật tương ứng với các loại hình thanh tra cụ thể với nhau (Ví dụ: Thanh tra xây dựng, Thanh tra nhà đất, Thanh tra môi trường...).
+ Ở cấp độ cụ thể, tính đồng bộ thể hiện sự thống nhất, không mâu thuẫn, không trùng lặp, chồng chéo trong mỗi quy định pháp luật về thanh tra xây dựng và giữa các quy phạm pháp luật về thanh tra xây dựng với nhau.
1.3.2.3. Hình thức văn bản
Văn bản quy phạm pháp luật là hình thức pháp luật tiến bộ nhất, trong đó được phân ra theo thứ bậc cao thấp khác nhau là Hiến pháp, luật và các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật. Pháp luật về thanh tra xây dựng được coi là hoàn thiện phải được ban hành dưới hình thức cao là đạo luật, mang tính pháp điển cao. Ngoài ra, các văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra xây dựng phải được ban hành đúng thẩm quyền có hình thức kết cấu, bố cục chặt chẽ, hợp lý.
1.3.2.4. Trình độ kỹ thuật lập pháp
Một hệ thống pháp luật hoàn thiện phải được xây dựng ở trình độ kỹ thuật lập pháp cao, yêu cầu này cũng đúng đối với pháp luật về thanh tra xây dựng. Điều này đòi hỏi quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về thanh tra xây dựng phải được tiến hành theo những nguyên tắc tối ưu, xác định chính xác cơ cấu nội tại của pháp luật về thanh tra xây dựng, được biểu đạt
bằng ngôn ngữ pháp lý rõ ràng, cô đọng, lôgíc, chính xác và một nghĩa, đồng thời "mang tính phổ thông và ổn định cao". Bởi vì, quy phạm pháp luật không quy định rõ ràng, thậm chí một từ không rõ ràng cũng có thể gây ra nhiều sai lầm pháp luật và dẫn đến những hậu quả chính trị, xã hội nghiêm trọng.