Nội dung của pháp luật về thanh tra xây dựng

Một phần của tài liệu Pháp luật về thanh tra xây dựng ở Việt Nam hiện nay (Trang 26)

8. Kết cấu của luận văn

1.2.2.Nội dung của pháp luật về thanh tra xây dựng

Xuất phát từ khái niệm, đặc điểm của pháp luật về thanh tra xây dựng như nêu trên, nội dung pháp luật về thanh tra xây dựng phải thể hiện sự điều chỉnh đầy đủ, toàn diện đối với các quan hệ phát sinh trong quá trình tiến hành các hoạt động thanh tra xây dựng.

Thanh tra xây dựng là một loại hình hoạt động nhà nước nên thường làm phát sinh nhiều loại quan hệ xã hội khác nhau, bao gồm các mối quan hệ bên trong và các mối quan hệ bên ngoài của hoạt động thanh tra xây dựng. Các mối quan hệ bên trong của thanh tra xây dựng thể hiện mối quan hệ tổ chức, hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước về thanh tra xây dựng; Mối quan hệ trong tổ chức và hoạt động của bản thân các cơ quan thanh tra xây dựng; mối quan hệ giữa cơ quan quản lý thanh tra xây dựng và cơ quan thanh tra xây dựng; mối quan hệ giữa cơ quan thanh tra xây dựng và Thanh tra viên xây dựng. Các mối quan hệ bên ngoài của thanh tra xây dựng thể hiện mối quan hệ giữa cơ quan thanh tra xây dựng và chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thanh tra xây dựng.

Các mối quan hệ bên trong và bên ngoài của thanh tra xây dựng phản ánh tính đa dạng và phức tạp của hoạt động thanh tra xây dựng. Trong quá trình thực hiện chức năng thanh tra xây dựng, Các mối quan hệ này có sự chi phối lẫn nhau và tạo nên trật tự pháp luật về thanh tra xây dựng. Tuy nhiên, dựa vào tính chất của các mối quan hệ, chúng ta có thể phân chia chúng thành ba nhóm quan hệ chủ yếu là: nhóm quan hệ mang tính chất nội dung; nhóm quan hệ mang tính chất tổ chức và quản lý; nhóm quan hệ mang tính chất thủ tục.

- Nhóm quan hệ mang tính chất nội dung: Đây là những quan hệ phản ánh nội dung việc thi hành và chấp hành các quy định pháp luật về thanh tra xây dựng (cấp giấy phép xây dựng, lập dự án đầu tư...), các quyết định về thanh tra xây dựng (quyết định xử phạt hành chính, quyết định thanh tra). Các quy định, quyết định đó là căn cứ để xác định quyền và nghĩa vụ của các cơ quan thanh tra xây dựng cũng như quyền, nghĩa vụ mà các đối tượng liên quan đến hoạt động xây dựng có trách nhiệm chấp hành.

Những quan hệ mang tính nội dung chủ yếu là quan hệ giữa cơ quan thanh tra xây dựng và những đối tượng liên quan thuộc phạm vi của hoạt động thanh tra xây dựng. Từ những quan hệ chủ yếu này sẽ phát sinh nhiều mối quan hệ khác trong quá trình thanh tra xây dựng nhằm bảo đảm việc thực hiện nghiêm chỉnh quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quá trình thực thi các quy định pháp luật về xây dựng và các quy định có liên quan. Trong nhóm quan hệ mang tính nội dung, cũng có thể xuất hiện mối quan hệ giữa cơ quan thanh tra xây dựng với các cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thanh tra và thực hiện các quy định về xây dựng. Tóm lại, các mối quan hệ này phản ánh nội dung thanh tra xây dựng, xác định quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong việc thi hành và chấp hành các quy định pháp luật về xây dựng. Cụ thể là các quyền và nghĩa vụ của đối tượng thanh tra: ví dụ như quyền được giải trình về những vấn đề có liên quan đến nội dung thanh tra, từ chối cung cấp thông tin, tài liệu thuộc bí mật nhà nước khi pháp luật có quy định và các thông tin, tài liệu không liên quan đến nội dung thanh tra....(Điều 20 Nghị định số 46/2005/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra xây dựng).

- Nhóm quan hệ mang tính tổ chức - quản lý liên quan đến việc hình thành cơ chế, hệ thống tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra xây dựng: Đây là nhóm các quan hệ phát sinh trong quá trình hình thành tổ chức,

hoạt động và cơ chế quản lý các cơ quan thanh tra xây dựng. Các quan hệ này liên quan đến việc hình thành cơ cấu tổ chức; quy định thẩm quyền và quy chế hoạt động của cơ quan thanh tra xây dựng. Những mối quan hệ này được thể hiện cụ thể trong thực tiễn như: mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước về thanh tra xây dựng với cơ quan thanh tra xây dựng; cơ cấu tổ chức, hoạt động trong hệ thống các cơ quan thanh tra xây dựng; giữa cơ quan thanh tra xây dựng cấp trên và cơ quan thanh tra xây dựng cấp dưới về mặt tổ chức...

Trong thực tiễn, việc xử lý các mối quan hệ này thường rất phức tạp, có nhiều vướng mắc, bất cập. Do đó, nếu xác định đúng đắn các mối quan hệ trong quá trình tổ chức và quản lý thanh tra xây dựng, xây dựng cơ chế quản lý, mô hình tổ chức và hoạt động thanh tra xây dựng phù hợp sẽ góp phần tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của thanh tra xây dựng.

- Nhóm quan hệ mang tính chất thủ tục, trình tự thanh tra xây dựng:

Một trong những đặc trưng cơ bản của thanh tra xây dựng là được tiến hành theo trình tự, thủ tục chặt chẽ mang tính hành chính, chịu sự điều chỉnh của pháp luật về thanh tra xây dựng và một số các quy định của pháp luật liên quan. Chính vì vậy, trình tự, thủ tục thanh tra xây dựng làm xuất hiện hàng loạt các mối quan hệ giữa các chủ thể trong quá trình thanh tra xây dựng. Cụ thể như những quan hệ phát sinh trong việc ra quyết định thanh tra, cưỡng chế; các mối quan hệ phát sinh liên quan đến thủ tục khiếu nại tố cáo của các chủ thể trong quá trình thanh tra xây dựng.

Sự thể hiện đầy đủ các nhóm quan hệ trên đây trong pháp luật thanh tra xây dựng sẽ tạo ra khung pháp lý tổ chức, hoạt động thanh tra xây dựng ngày càng có hiệu quả.

Một phần của tài liệu Pháp luật về thanh tra xây dựng ở Việt Nam hiện nay (Trang 26)