Về nhược điểm và những hạn chế, bất cập

Một phần của tài liệu Pháp luật về thanh tra xây dựng ở Việt Nam hiện nay (Trang 45)

8. Kết cấu của luận văn

2.2.2.Về nhược điểm và những hạn chế, bất cập

Bên cạnh những ưu điểm đạt được, quá trình thực hiện pháp luật về thanh tra xây dựng cho thấy còn một số hạn chế, bất cập cần sớm được nghiên cứu khắc phục như sau:

Một là, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động thanh tra xây dựng được quy định tản mạn trong nhiều văn bản khác nhau, chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, nhiều quy định chồng chéo, trùng lặp hoặc thiếu những quy định cần thiết, thậm chí có những quy định đã lỗi thời, không phù hợp với thực tiễn cuộc sống nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung, gây khó

khăn cho công tác pháp điển hoá các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Riêng về hình thức văn bản pháp luật quy định về tổ chức và hoạt động thanh tra xây dựng thì cơ bản mới chỉ dừng ở nghị định, thông tư nên chưa bao quát đầy đủ tất cả các vấn đề về thanh tra xây dựng.

Nghị định số 46/2005/NĐ-CP của Chính phủ mới chỉ quy định những vấn đề có tính cơ bản trong tổ chức và hoạt động của thanh tra xây dựng mà chưa giải quyết căn bản, toàn diện về cơ chế thanh tra xây dựng, sự phối hợp giữa các cơ quan thanh tra xây dựng với các cơ quan hữu quan, cơ quan thanh tra chuyên ngành khác, ví dụ thanh tra giao thông vận tải, thanh tra tài nguyên và môi trường, thanh tra nhà nước ở địa phương. Các văn bản hướng dẫn thi hành cũng như các văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động thanh tra xây dựng chưa được ban hành đầy đủ, kịp thời, nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình thanh tra chưa được điều chỉnh và hướng dẫn.... Điều này cần phải được hoàn chỉnh trong thời gian tới, cần sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật về thanh tra xây dựng ở mức độ hiệu lực pháp lý cao hơn làm cơ sở đầy đủ cho tổ chức và hoạt động thanh tra xây dựng.

Hai là, sự chồng chéo về thẩm quyền của thanh tra xây dựng với các lực lượng thanh tra khác trong việc xử lý vi phạm. Các lĩnh vực xây dựng, giao thông, đất đai, tài nguyên môi trường đều có sự liên quan chặt chẽ với nhau nhưng mỗi lĩnh vực lại do một cơ quan thanh tra thực hiện với những nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể (thanh tra xây dựng, thanh tra giao thông vận tải, thanh tra tài nguyên và môi trường...) nên trong nhiều trường hợp dẫn đến sự chồng chéo về thẩm quyền, thiếu cơ sở phối hợp giữa các cơ quan hữu quan trong việc xử lý những vi phạm pháp luật về xây dựng, thậm chí gây phiền hà, khó khăn cho các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng. Ví dụ: Thanh tra Xây dựng tiến hành thanh tra dự án đầu tư xây dựng công trình từ khâu chuẩn bị đầu tư cho đến đưa công trình vào sử dụng, nhưng thanh tra kế hoạch đầu tư, thanh

tra tài chính cũng tiến hành thanh tra, kiểm tra với những quy trình như thanh tra xây dựng đã thực hiện.

Chính vì những bất cập, chồng chéo về thẩm quyền như vậy, nên không ít trường hợp các chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng có vi phạm chưa tự giác chấp hành các quyết định xử phạt của Thanh tra xây dựng, không hợp tác, trốn tránh nghĩa vụ nộp phạt, thậm chí có hành vi cản trở, chống đối, gây khó khăn cho cơ quan thanh tra xây dựng thực thi nhiệm vụ.

Ba là, việc quy định cơ chế tham gia của nhiều ngành, nhiều cơ quan, tổ chức trong công tác thanh tra xây dựng như hiện nay đó làm cho công tác thanh tra xây dựng ở trong tình trạng bị phân tán, nhiều đầu mối, thiếu tập trung thống nhất cả về quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện. Sự phân tán này ảnh hưởng không nhỏ đến các quan hệ giám sát, chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ, tham gia của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong công tác thanh tra xây dựng. Đặc biệt, do chưa có sự gắn kết giữa Thanh tra xây dựng và Thanh tra nhà nước ở địa phương nên công tác Thanh tra xây dựng gặp phải những vướng mắc khi mà trong nhiều trường hợp cùng một vụ việc có hai cơ quan chịu trách nhiệm ra quyết định và tổ chức thanh tra, ví dụ như thanh tra xây dựng thanh tra việc cấp phép xây dựng, thanh tra nhà nước thanh tra về việc cấp vốn đầu tư, giải phóng mặt bằng…

Bốn là, thực tế công tác thanh tra xây dựng phụ thuộc nhiều vào sự ủng hộ, phối hợp của các cơ quan liên quan và chính quyền cơ sở. Tuy nhiên, trên thực tế một số cơ quan, tổ chức nhiều khi can thiệp không đúng thẩm quyền vào hoạt động của Thanh tra xây dựng; không thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc tạo điều kiện, hỗ trợ, phối hợp, tham gia công tác thanh tra xây dựng theo quy định của pháp luật. Ví dụ như không tạo điều kiện cho cơ quan thanh tra trong việc cưỡng chế nộp tiền phạt tại tài khoản ngân hàng, trong khi đó pháp luật chưa có những quy định cụ thể, ràng buộc trách nhiệm

của các cơ quan, cá nhân có liên quan khi không thực hiện đúng và kịp thời những yêu cầu, đề nghị của Thanh tra viên xây dựng theo quy định của pháp luật. Một số nơi, cơ quan công an cho rằng việc cưỡng chế về trật tự xây dựng là nhiệm vụ riêng của các cơ quan thanh tra xây dựng chứ không phải nhiệm vụ của ngành mình hoặc cho rằng công an chỉ tham gia khi có công tác này do Ủy ban nhân dân cấp phường thực hiện nên khi cơ quan thanh tra đề nghị bảo vệ cưỡng chế thì tìm lý do trốn tránh hoặc chậm cử người tham gia hoặc không cử đủ số người cần thiết khiến cho việc cưỡng chế trong một số trường hợp không đạt được kết quả dự kiến.

Năm là, Thanh tra xây dựng có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về xây dựng, đảm bảo cho các công trình xây dựng được thực hiện theo đúng quy hoạch xây dựng và quy hoạch kiến trúc. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các cơ quan hữu quan chưa có sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, nhất là trong việc áp dụng các biện pháp chưa kiên quyết, không xử lý kịp thời, không đúng pháp luật đã gây ra bức xúc trong dư luận xã hội.

Sáu là, thực tiễn giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác Thanh tra xây dựng hiện nay cho thấy khó khăn lớn nhất là những khiếu nại liên quan đến nhà đất, đền bù giải toả. Những bức xúc, bất cập trong thanh tra xây dựng một phần do ý thức pháp luật và chấp hành pháp luật về xây dựng của người dân, cơ quan, tổ chức còn hạn chế, nhiều trường hợp các chủ đầu tư không hiểu hết các quyền và nghĩa vụ của mình nên không tự nguyện chấp hành, cản trở, chống đối các cơ quan thanh tra xây dựng thực thi nhiệm vụ và khiếu nại, tố cáo vượt cấp, không đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết đó làm tăng sự phức tạp trong một số vụ việc.

Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do một số địa phương chưa phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo cơ sở và chưa có phối hợp giữa cấp uỷ,

chính quyền; cũng như quy chế phối hợp liên ngành để xử lý các vấn đề vướng mắc, những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp trong hoạt động xây dựng.

Bảy là, thực hiện Luật xây dựng, Nghị định số 46/2005/NĐ-CP ngày 6/4/2005 của Chính phủ, đội ngũ cán bộ thanh tra xây dựng đã có những đổi mới, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định cụ thể hơn. Tuy nhiên, trong thực tế cũng còn một số khó khăn, vướng mắc sau:

+ Quyền hạn, nhiệm vụ của Thanh tra viên xây dựng chưa được qui định đầy đủ. Ví dụ: Pháp luật chỉ qui định quyền hạn của Thanh tra viên xây dựng được phép xử phạt cao nhất là 500.000 đồng, không tạo nên tính kịp thời và nghiêm khắc. Trong khi, Thanh tra viên xây dựng là một chức danh được bổ nhiệm để thực hiện quyền lực nhà nước trong lĩnh vực này. Nhìn về mặt hình thức thì Thanh tra viên xây dựng được giao rất nhiều quyền, nhưng thật ra chủ yếu là quyền “yêu cầu”, “đề nghị”, "kiến nghị" còn việc các cơ quan, tổ chức hữu quan có đáp ứng yêu cầu của Thanh tra viên xây dựng hay không thì pháp luật lại không quy định cụ thể. Theo quy định thì Thanh tra viên xây dựng có trách nhiệm phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật xây dựng trên địa bàn cấp xã; lập biên bản vi phạm ngừng thi công xây dựng công trình và yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các nội dung được ghi trong biên bản, đồng thời báo cáo người có thẩm quyền. Bởi vậy, thực tế nhiều công trình xây dựng trái phép nhưng do không có biện pháp xử lý kịp thời, kiên quyết nên sau khi hoàn thành mới phải tháo dở gây nhiều bức xúc dư luận như một số phương tiện thông tin đó nêu gần đây.

+ Đội ngũ cán bộ, công chức của các cơ quan thanh tra xây dựng hiện nay còn tồn tại những bất cập trước yêu cầu thực thi nhiệm vụ. Số lượng Thanh tra viên xây dựng, cán bộ, công chức thanh tra xây dựng vẫn còn thiếu và chưa tương xứng đòi hỏi thực tế của công tác thanh tra xây dựng. Với số lượng công việc ngày càng gia tăng trong điều kiện phát triển kinh tế -xã hội,

phát triển ồ ạt các dự án đô thị như hiện nay, nhất là ở những thành phố lớn, nên nhiều cơ quan thanh tra xây dựng quá tải công việc. Khó khăn lớn nhất hiện nay của các thành phố lớn là thiếu lực lượng khi thí điểm thành lập thanh tra xây dựng cấp quận và cấp phường. Ví dụ: để triển khai thực hiện Quyết định số 89/2007/QĐ-TTg ngày 18/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ thì Thanh tra xây dựng cấp quận có Chánh Thanh tra, một đến hai Phó Chánh Thanh tra và một số Thanh tra viên xây dựng. Biên chế của cấp quận có từ 15-20 Thanh tra viên xây dựng một số chức danh khác (lái xe, kế toán, tổng hợp kiêm văn thư - thủ quỹ); biên chế của Thanh tra xây dựng cấp phường thuộc chỉ tiêu biên chế của cấp quận, có từ 3 đến 4 Thanh tra viên xây dựng. Với yêu cầu như vậy, thành phố Hà Nội hiện đang có khoảng 1.600, thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 2.400 người. Hơn nữa, theo quy định của pháp luật, lực lượng Thanh tra xây dựng cấp phường còn phải đáp ứng được những yêu cầu về trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ. Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra viên xây dựng cấp quận, cấp phường phải tốt nghiệp cao đẳng xây dựng hoặc tương đương trở lên, trường hợp tốt nghiệp chuyên ngành khác thì phải học qua khóa học về pháp luật xây dựng và được nơi đào tạo cấp chứng chỉ, có ít nhất hai năm làm công tác trong ngành xây dựng (không kể thời gian tập sự) đối với những người được tuyển dụng vào cơ quan thanh tra. Trường hợp là cán bộ, công chức công tác ở cơ quan, tổ chức khác chuyển sang cơ quan thanh tra phải có ít nhất một năm làm công tác thanh tra. đồng thời, được đào tạo về kiến thức pháp luật xây dựng và nghiệp vụ thanh tra, có chứng chỉ do cơ quan đào tạo cấp. Tuy nhiên, còn một khó khăn là ở một số địa phương, cán bộ phụ trách đô thị tại một số xã phường không đủ trình độ để đọc bản vẽ nên khi xử lý sai còn nhiều bất cập, tùy tiện. Những bất cập về nhân lực có thể nói là bài toán nan giải của công tác thanh tra xây dựng hiện nay, bởi vì để giảm bớt sự quá tải công việc cho Thanh tra viên xây dựng thì

chúng ta phải tăng biên chế cũng như đào tạo lại cho các công chức làm trong của quan thanh tra xây dựng, đặc biệt là cấp quận, phường, nhưng chúng ta không thể cứ tăng mãi biên chế cho các cơ quan thanh tra xây dựng trong khi đang phải thực hiện cải cách hành chính nhà nước, tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính nhà nước. Nguyên nhân của tình trạng này một phần là do chế độ, chính sách đối với Thanh tra viên xây dựng, cán bộ, công chức làm công tác thanh tra xây dựng còn có những điểm chưa phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, tính chất phức tạp của công tác thanh tra xây dựng. Mặt khác, khó khăn trong việc tuyển dụng công chức thanh tra xây dựng chưa có sự đổi mới nhận thức về vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra viên xây dựng.

+ Trong thời gian qua, tuy đội ngũ cán bộ, Thanh tra viên xây dựng đã từng bước được nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong công tác song các giải pháp đào tạo, bồi dưỡng để đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Thanh tra viên xây dựng còn manh mún, thiếu đồng bộ, thiếu hiệu quả, việc quy hoạch cán bộ còn hình thức và ít tác dụng nên so với yêu cầu thực tế vẫn còn thiếu hụt về số lượng, một bộ phận không nhỏ còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác, thiếu chủ động, trông chờ vào sự hướng dẫn của cấp trên, chậm cập nhật những quy định mới của pháp luật. Trong một số trường hợp do cán bộ, công chức thanh tra chưa bám sát địa bàn, sa sút về đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp, thiếu tinh thần trách nhiệm, không chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật nên đó có những sai phạm trong hoạt động bị kỷ luật, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tóm lại, đảm bảo cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc cho các cơ quan thanh tra xây dựng là một vấn đề quan trọng nhằm nâng cao năng lực cơ quan và cá nhân được giao nhiệm vụ thanh tra xây dựng. Tuy nhiên, hiện nay việc đầu tư, đảm bảo điều kiện vật chất, phương tiện làm việc cho

các cơ quan thanh tra xây dựng chậm được tăng cường, thủ tục và biện pháp hỗ trợ cho hoạt động thanh tra xây dựng còn bất cập so với đòi hỏi của thực tiễn; đầu tư (từ nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật đến con người, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, phương tiện hoạt động của Thanh tra viên xây dựng, cán bộ thanh tra xây dựng...) chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao và yêu cầu của công tác thanh tra xây dựng. Việc xây dựng trụ sở cơ quan thanh tra xây dựng cũng còn nhiều khó khăn, nhiều cơ quan thanh tra xây dựng chưa có trụ sở, phải đi thuê trụ sở làm việc. Trong điều kiện đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường ứng dụng tin học trong quản lý điều hành, nhất là đối với việc thực thi nhiệm vụ thanh tra xây dựng hiện nay nhưng các cơ quan thanh tra xây dựng từ trung ương đến địa phương chưa được đầu tư đầy đủ nên Thanh tra viên xây dựng, cán bộ, công chức các cơ quan thanh tra xây dựng gặp nhiều khó khăn trong việc ứng dụng tin học trong thực thi nhiệm vụ, truy cập, tìm hiểu những văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, khai thác dữ liệu, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các cơ quan thanh tra xây dựng, gặp nhiều khó khăn trong công tác phối hợp, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ... Bên cạnh đó, những quy định pháp luật hiện hành về chế độ phụ cấp, kinh phí, thiết bị kỹ thuật, phương tiện làm việc cho các Thanh tra viên xây dựng, cán bộ, công chức cơ quan thanh tra xây dựng không phù hợp với thực tế nên chưa thực sự khuyến khích đội ngũ công chức các cơ quan thanh tra xây dựng thực thi công vụ một cách khách quan và đầy đủ trách nhiệm.

Một phần của tài liệu Pháp luật về thanh tra xây dựng ở Việt Nam hiện nay (Trang 45)