- Án lệ đề cập đến những vụ việc đã xảy ra trên thực tế. Vì vậy, án lệ thường phong phú và đa dạng hơn nhiều so với pháp luật thành văn.
- Án lệ cũng góp phần giải thích và vận dụng pháp luật trong từng trường hợp cụ thể. Những trường hợp thẩm phán phải giải thích và vận dụng rất đa dạng, do pháp luật quy định không rõ ràng, quy định chưa hợp lý đã bị lạc hậu so với tình hình thực tế mà cơ quan lập pháp chưa có điều kiện bổ sung, sửa đổi hay vì một lý do nào đấy chưa thể thay thế bằng một quy định mới. Do đó, chức năng bổ khuyết cho pháp luật đã giúp án lệ có vai trò lớn trong việc tạo nguồn quy phạm cho pháp luật.
- Với sự trợ giúp của các án lệ các vụ việc được giải quyết nhanh chóng hơn khi chưa có văn bản pháp luật điều chỉnh cụ thể đồng thời tiết kiệm công sức của các thẩm phán và các cá nhân, cơ quan, tổ chức tham gia tranh tụng vì sử dụng những tình huống tương tự đã được tòa án giải quyết trong các bản án có hiệu lực pháp luật để làm căn cứ giải quyết các vụ việc có tính chất tương tự.
Các thẩm phán, kiểm soát viên, những người tham gia trực tiếp vào việc xét xử, các luật sư tham gia trực tiếp vào quá trình tranh tụng cần nâng cao kiến thức về áp dụng pháp luật, thì việc tham khảo án lệ vẫn có ý nghĩa thực tế nhất định. Đây có thể xem là yếu tố quan trọng nhằm làm cho mọi hoạt động áp dụng pháp luật tại các TAND luôn đảm bảo được sự thống nhất trong thực tiễn xét xử.
Đối với những vụ án giống nhau hoặc có nhiều tình tiết, nội dung tương tự nhau thì qúa trình xét xử của các thẩm phán sẽ nhanh hơn, không phải áp dụng một cách máy móc những quy định pháp luật thành văn như trước đã tiến hành.
Với những ý nghĩa trên cho thấy những lợi ích mà án lệ mang lại là không nhỏ trong thực tiễn xét xử của tòa án. Chính vì vậy mà hiện nay, một số quốc gia theo truyền thống dân luật thành văn cũng đã bắt đầu sưu tập, sử dụng án lệ ở một mức độ nhất định như một yếu tố bổ sung nguồn của pháp luật và quan trọng là tạo ra sự thống nhất cao nhất trong hoạt động áp dụng pháp luật của các tòa án.