Các nước Thông luật là nôi khai sinh ra án lệ và bởi vậy, án lệ được coi là nguồn luật có giá trị bắt buộc ở các quốc gia này. Có thể nói, án lệ là nguồn luật chủ đạo và có giá trị bắt buộc đối với thẩm phán khi xét xử. Điều này hoàn toàn chính xác bởi nguyên tắc tuân thủ án lệ "stare decisis" được coi là nền tảng trong việc tiếp cận và áp dụng án lệ ở bất cứ hệ thống pháp luật nào bị ảnh hưởng chủ đạo bởi truyền thống Thông luật. Sự tuân thủ án lệ đã trở thành một yếu tố gắn sâu vào văn hóa pháp lý của các nước Thông luật. Bởi vậy, "trong hoạt động xét xử các thẩm phán luôn cảm thấy bị ràng buộc bởi luật đã được tạo ra từ những án lệ của từ các vụ án tương tự đã được xét xử trước" [2, tr. 46].
Khi án lệ được coi là nguồn luật bắt buộc thì các thẩm phán phải áp dụng nó trong xét xử. Trong một thời gian dài, khi luật thành văn chưa phát triển thì nguồn luật mà các thẩm phán ở Anh, Mỹ viện dẫn chỉ đơn thuần là các án lệ. Hiện nay, xu hướng phát triển của hệ thống pháp luật các nước Thông luật cho thấy luật thành văn đã có vị trí trong hầu hết các lĩnh vực pháp luật. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa án lệ không còn giữ vai trò là nguồn luật bắt buộc trong hệ thống Common Law. Thực tế, án lệ vẫn đang tồn tại với tư cách là một nguồn luật có giá trị bắt buộc trong các nước Thông luật. Điều này được giải thích bởi hai lý do cơ bản sau:
Thứ nhất, sự pháp điển hóa pháp luật của các nước Thông luật không giống như ở các nước Dân luật thành văn, trong hệ thống pháp luật Anh, Mỹ
vẫn còn nhiều lĩnh vực pháp luật trong đó nguồn luật chủ yếu được dựa trên án lệ.
Thứ hai, mỗi quan hệ gắn bó giữa VBQPPL và án lệ ở trong hệ thống Common Law đã làm cho việc áp dụng pháp luật cần thiết phải viện dẫn đến án lệ. Bởi vì, các VBQPPL được hình thành chủ yếu dựa vào những nguyên tắc luật đã được hình thành thông qua những án lệ. Hơn nữa, vai trò giải thích luật thành văn của thẩm phán đã tạo ra vô số những án lệ mà nó được coi là luật chi tiết trong áp dụng.
Từ hai lý do trên cho thấy, án lệ trong các nước Thông luật luôn luôn được coi là một nguồn luật chủ đạo và có giá trị ràng buộc khi áp dụng.
Vấn đề đặt ra là, trong các VBQPPL có quy định án lệ là nguồn luật có giá trị bắt buộc không? Những nghiên cứu thực tiễn gần đây chỉ ra rằng, trong hệ thống pháp luật nước Anh (một quốc gia có truyền thống án lệ lâu đời nhất trên thế giới) không tồn tại bất cứ một văn bản luật nào quy định về tính bắt buộc của án lệ, cũng như đòi hỏi thẩm phán và các tòa án phải áp dụng, viện dẫn án lệ như thế nào. Việc coi án lệ là nguồn luật bắt buộc và những nguyên tắc kỹ thuật viện dẫn nó hoàn toàn xuất phát từ những phương pháp mang tính truyền thống, tập quán trong văn hóa pháp lý của các hệ thống Common Law. Sự khẳng định vai trò của án lệ và giá trị ràng buộc của nó được thể hiện thông qua thực tiễn xét xử của hệ thống tòa án. Tương tự như nước Anh, trong hệ thống pháp luật của Mỹ, thực tiễn áp dụng án lệ trong các tiểu bang cho thấy ở Mỹ không tồn tại một văn bản pháp luật nào quy định giá trị hiệu lực bắt buộc của án lệ. Điều này cho thấy tính ràng buộc của án lệ trong hệ thống Common Law được hình thành dựa trên nền tảng về văn hóa pháp lý hơn là cần phải đòi hỏi có một sự công nhận giá trị bắt buộc của án lệ về mặt pháp lý trên cơ sở văn bản pháp luật.
Một vấn đề khác, chúng ta cần lưu ý về giá trị bắt buộc của án lệ trong hệ thống Common Law khi tiếp cận với những án lệ được tạo lập thông qua
hoạt động giải thích Hiến pháp của tòa án. Thực tiễn này thể hiện rõ nét nhất trong hệ thống pháp luật Mỹ. Tòa án tối cao Liên bang Mỹ có thẩm quyền quyết định cuối cùng trong những tranh chấp về các vấn đề có liên quan đến Hiếp pháp Mỹ 1787. Án lệ của Tòa án tối cao Liên bang Mỹ về các vấn đề giải thích hiến pháp được coi là có giá trị bắt buộc đối với tất cả các tòa án cấp tiểu bang và liên bang. Chỉ duy nhất Tòa án tối cao Liên bang Mỹ có quyền xem xét bổ sung, thay đổi án lệ của nó trong giải thích Hiến pháp Mỹ.
Tóm lại, có thể nói án lệ là nguồn luật có giá trị bắt buộc được thừa nhận trong thực tiễn xét xử của tòa án trong những nước thuộc hệ thống Common Law. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng án lệ trong các nước Thông luật cho thấy án lệ không bao giờ là một nguồn luật bất biến. Án lệ cũng có thể bị thay đổi, bổ sung và bãi bỏ khi nó không phù hợp. Đặc biệt, trong mối quan hệ với luật thành văn, nếu giữa án lệ và luật thành văn có sự xung đột thì luật thành văn luôn được ưu tiên áp dụng.