Hệ thống Common Law cho thấy, trong mối quan hệ giữa án lệ và luật thành văn, thì luật thành văn luôn có giá trị pháp lý cao hơn án lệ. Nguyên tắc ưu tiên tối cao cho vai trò của luật thành văn trong mối quan hệ với án lệ (the Spemacy of Statutory law). Đây là một khía cạnh quan trọng khi chúng ta tiếp cận với thực tiễn áp dụng án lệ của những nước Thông luật đặc trưng như Anh, Mỹ, Úc. Điều này được thể hiện trong mối quan hệ giữa vai trò của luật thành văn và án lệ. Cụ thể, khi có đạo luật thành văn thì đạo luật thành văn có giá trị cao hơn án lệ; tuy nhiên, trong trường hợp luật thành văn không rõ ràng thì án lệ được coi là một trong những cơ sở quan trọng để giải thích đạo luật thành văn không rõ ràng đó.
Sự phát triển ngày càng cao của vai trò làm luật của Nghị viện Anh cho thấy, quy mô và số lượng các văn bản luật do Nghị viện ban hành ngày càng tăng. Điều này làm cho luật thành văn trở thành một nguồn luật cơ bản và quan trọng nhất trong hệ thống pháp luật nước Anh. Vai trò tối cao của luật thành văn trong pháp luật Anh thể hiện ở chỗ các văn bản luật do Nghị viện ban hành có thể thay đổi, bãi bỏ hay sửa đổi những nguyên tắc luật đã được hình thành thông qua nguồn luật án lệ. Ví dụ, Luật về Trách nhiệm của giám đốc điều hành năm 1980 (The Directors's Liability Act of 1980) đã được thông qua với quy định rằng: giám đốc điều hành của công ty sẽ phải chịu trách nhiệm trong tương lai về những tuyên bố sai cho hoạt động của công ty. Sự ban hành của luật này nhằm mục đích bãi bỏ các án lệ đã tồn tại trước đây thừa nhận sự thoái thác trách nhiệm từ những tuyên bố của giám đốc công ty trong luật công ty [2, tr. 53].
Trong hệ thống pháp luật Mỹ, sự hòa trộn giữa nguồn luật Thông luật và luật thành văn do cơ quan lập pháp ban hành là một điển hình về cơ cấu
nguồn luật ở các tiểu bang của nước Mỹ. Sự gia tăng và việc pháp điển hóa có hệ thống của Mỹ ở cả quy mô pháp luật liên bang và tiểu bang đã cho thấy vai trò chủ đạo của luật thành văn so với án lệ. Thực tế cho thấy, cơ quan luật pháp ở Mỹ có thể tự do ban hành luật để thay đổi, bãi bỏ các án lệ hình thành trong quá trình giải thích luật của tòa án. Ví dụ, trong án lệ General Electric Co.v.Gilbert, Tòa án tối cao Liên bang Mỹ đã cho rằng Điều VII của Luật về Quyền công dân năm 1964 (the Civil Righta Act of 1964) đã không vi phạm nguyên tắc phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai. Nghị viện Mỹ đã tỏ thái độ không đồng tình với phán quyết này của Tòa án tối cao và đã nhanh chóng sửa đổi án lệ này theo hướng ghi nhận quyền bình đẳng của những phụ nữ mang thai.