Tòa án tối cao thường không có nghĩa vụ phải tuân thủ cứng nhắc các phán quyết trước đây của mình. Bởi lẽ, cơ quan tối cao có trách nhiệm với chính sách pháp lý tổng thể của đất nước cho nên tòa án tối cao cần phải linh động: ví dụ, các Tòa án tối cao Liên bang của Hoa Kỳ, Tòa án tối cao Ireland, Thượng Nghị viện Anh, Tòa án tối cao Anh, Tòa án tối cao của các bang tại Úc. Song trên thực tế, các Tòa án tối cao như Tòa án tối cao Anh và Tòa án tối cao của các bang tại Úc thường tôn trọng án lệ của mình nhằm đảm bảo tính thống nhất của việc xét xử. Tòa án tối cao Hoa Kỳ và Tòa án tối cao của tất các tiểu bang có quyền bác bỏ hoặc sửa đổi những tiền lệ đã thiết lập trong những vụ án của mình trước đây. Tuy nhiên, việc trực tiếp bác bỏ tiền lệ là một biện pháp ngoại lệ mà các tòa án tối cao thường cố gắng tránh. Thông lệ,
ở đây là sửa đổi tiền lệ hoặc phân biệt với những vụ án sau này dựa vào tình tiết cụ thể nổi bật và hàm ý pháp lý của chúng. Ngoài ra, Tòa án tối cao Liên bang Úc (High Court) cũng có quyền không tuân theo án lệ của mình nếu như xét thấy án lệ đó rõ ràng là sai (plainly wrong). Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp thấy án lệ là sai rõ ràng thì Tòa án tối cao còn phải cân nhắc các khía cạnh khác, như sau:
(i) Phán quyết sai đó có còn chấp nhận được trên thực tế hay không; (ii) Nếu cơ quan lập pháp chấp nhận cách giải thích luật pháp của phán quyết sai đó thì Tòa án tối cao phải tuân thủ phán quyết đó;
(iii) Dư luận xã hội về vai trò lập pháp của cơ quan lập pháp và của Tòa án tối cao.
Tuy nhiên, trong một thời gian dài Thượng Nghị viện Anh đã cho rằng, nó bị ràng buộc bởi án lệ của chính nó và vì vậy các án lệ không thể bị thay đổi trừ trường hợp những án lệ này bị bãi bỏ bới các VBQPPL của Nghị viện. Lịch sử phát triển pháp luật của Anh trong suốt thế kỷ thứ XIX đã biểu hiện rõ nét nhất tính cứng nhắc của nguyên tắc tuân theo án lệ trong hệ thống pháp luật của nước Anh. Điển hình nhất cho khẳng định này đã được thể hiện trong tuyên bố của Thượng Nghị viện Anh trong vụ án điển hình London Tramways v. London County Council, (1898) Ac 375, "Thượng nghị viện Anh bị ràng buộc bởi án lệ của chính nó". Tuy nhiên, sự cứng nhắc tuân theo án lệ một cách tuyệt đối đã tạo ra những cản trở cho sự phát triển Thông luật ở nước Anh. Những nhà lý luận về án lệ ở nước Anh đã thừa nhận rằng: Thượng Nghị viện Anh tuân theo án lệ của nó là nhằm để tạo ra sự khẳng định cuối cùng (finality) của nó đối với luật phát triển trên cơ sở án lệ ở Anh và đồng thời nó cũng tạo ra tính chắc chắn (certainty) của pháp luật dựa trên án lệ. Tuy nhiên, sự tuyệt đối hóa tuân theo án lệ của Thượng nghị viện một cách cứng nhắc đã dẫn tới cản trở sự phát triển pháp luật ở Anh. Trong thực tiễn xét xử của Tòa án này đã có rất nhiều quan điểm lập luận về sự cần thiết phải thay
đổi tính cứng nhắc của nguyên tắc "Stare decisis" đã tồn tại hàng thế kỷ trong hệ thống pháp luật nước Anh. Ngay từ năm 1948, Goodhart, một nhà nghiên cứu nổi tiếng về án lệ trong hệ thống pháp luật nước Anh đã từng kết luận rằng, nếu thẩm phán Anh cứ bắt buộc phải tuân theo các án lệ trước đó của họ thì "Học thuyết án lệ trong hệ thống pháp luật nước Anh ngày nay (những năm 1940) đã trở nên cứng nhắc hơn bao giờ hết so với trước đây".
Mốc thay đổi quan trọng trong thực tiễn án lệ của pháp luật nước Anh bắt đầu từ năm 1966, khi thẩm phán Gardiner LC thay mặt Thượng Nghị viện Anh đưa ra "Tuyên bố về thực tiễn tư pháp năm 1966" (Practice Statement): các thẩm phán của Tòa án tối cao Vương quốc Anh có thể không tuân theo các án lệ gần nhất của Tòa án này khi họ có những lý do hợp lý để làm như vậy. Trong tuyên bố này, Thượng Nghị viện Anh đã thẳng thắn đưa ra lý do như sau:
Những thẩm phán của Thượng Nghị viện thừa nhận rằng việc quá cứng nhắc tuân theo án lệ có thể dẫn đến việc sự không công bằng trong một số việc cụ thể và nó cũng kìm hãm quá mức đối với sự phát triển hợp lý của pháp luật. Họ (những thẩm phán) đề xuất bổ sung thực tiễn xét xử của họ bằng cách thay đổi các quyết định trước đó mà nó thường được coi là có giá trị ràng buộc.
Cũng liên quan đến tuyên bố này, những thẩm phán của Thượng Nghị viện cũng sẽ lưu ý đến những thay đổi có thể trong tương lai liên quan đến hợp đồng, giải quyết tranh chấp về sở hữu, các quan hệ tài chính đã được thiết lập và những điều cần thiết cho sự chắc chắn của pháp luật trong lĩnh vực luật hình sự [75].
Tuy nhiên, đặc trưng cho tính chắc chắn và ổn định trong hệ thống Common Law của nước Anh cho thấy, Thượng Nghị viện Anh không thực sự dễ dàng khi cho phép nó không tuân thủ các án lệ của chính nó đã tạo ra. Một số liệu thống kê cho thấy, kể từ năm 1966 đến năm 1987, Thượng Nghị viện
mới chỉ thực hiện 7 lần bãi bỏ các án lệ của chính nó thông qua hàng nghìn vụ án mà Thượng Nghị viện đã xét xử [2, tr. 52].