Phân biệt khái niệm án lệ với một số khái niệm tương đồng

Một phần của tài liệu Án lệ trong hệ thống các loại nguồn pháp luật (Trang 28 - 30)

* Phân biệt án lệ với tiền lệ pháp

Tiền lệ pháp là "hình thức Nhà nước thừa nhận các quyết định của cơ quan hành chính hoặc cơ quan xét xử cấp trên khi giải quyết các vụ việc cụ thể, làm cơ sở áp dụng đối với các trường hợp tương tự"[64]. Theo đó, tiền lệ pháp bao hàm tiền lệ tư pháp (các bản án, quyết định của cơ quan xét xử - cơ quan tư pháp) và tiền lệ hành pháp (các quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính).

Như vậy, nội hàm của khái niệm "tiền lệ pháp" rộng hơn khái niệm "án lệ". Mặt khác, ở nhiều quốc gia, khái niệm "tiền lệ pháp" thông thường chỉ mang tính học thuật mà không mang tính pháp lý như khái niệm "án lệ".

* Phân biệt án lệ với tập quán pháp

Tập quán pháp là "những tập quán được Nhà nước thừa nhận và đảm bảo thực hiện bằng cưỡng chế nhà nước" [67].

Cũng theo cuốn Từ điển Luật học thì tập quán pháp là một trong ba hình thức pháp luật phổ biến cùng án lệ và VBQPPL. Như vậy, nếu xem xét dưới góc độ hình thức pháp luật như trên thì rõ ràng tập quán pháp và án lệ là hai khái niệm độc lập và khác nhau.

* Phân biệt án lệ với luật tương tự (áp dụng tương tự về quy phạm pháp luật)

Áp dụng tương tự về quy phạm pháp luật là"giải quyết một vụ việc cụ thể không được dự liệu trong luật bằng việc áp dụng một điều luật, một quy phạm pháp luật có nội dung tình tiết gần giống" [2, tr. 17]. Việc cho áp dụng

tương tự về luật được quy định trong luật hình sự khi cơ quan lập pháp thấy cần thiết để bảo đảm việc đấu tranh chống tội phạm, ví dụ, Điều 18 Sắc lệnh 133/SL ngày 20/01/1953: "Kẻ nào phạm tội quản quốc khác mà chưa quy định trong luật này, sẽ chiếu theo tội tương tự mà xét xử". Về hình sự, việc áp dụng tương tự về luật phải chặt chẽ, thận trọng, theo nguyên tắc chung đã được thừa nhận: "không có luật, không có tội" (Nulla ponea sine lege) [67].

Như vậy, điểm giống nhau giữa án lệluật tương tự là ở chỗ chúng đều được sử dụng khi có lỗ hổng pháp luật. Nhưng, điểm khác nhau giữa chúng là ở chỗ, đối với án lệ thì người ta hoặc bắt buộc hoặc vận dụng những bản án, quyết định đã có hiệu lực như một cách thức để xét xử vụ việc có nội dung tương tự. Còn với luật tương tự thì người ta lựa chọn qui phạm pháp luật cùng ngành có "nội dung tình tiết gần giống" để giải quyết vụ việc.

* Phân biệt án lệ với án mẫu

Án mẫunhững bản án được xây dựng trên những cơ sở pháp luật hết sức vững chắc mà trong những tình huống như vậy, khó có thể đưa ra phán quyết khác được; do đó, khi có những tình huống tương tự thì tòa án phải đưa ra các phán quyết tương tự [52].

Như vậy, khi một bản án được coi là án mẫu thì Toà án tối cao sẽ chuyển tải đến các toà án cấp dưới để làm nguồn tham khảo và các Toà án cấp dưới coi đó là những bản án mẫu để xét xử những vụ án tương tự.

Điểm giống nhau giữa án lệ và án mẫu là trong các điều kiện tương tự thì tòa án đều phải ra những phán quyết chung được coi là chuẩn mực và các phán quyết đó được thừa nhận như những giá trị bắt buộc chung. Đây là điều đã gây ra khá nhiều nhầm lẫn giữa án lệ và án mẫu của nhiều học giả trong thời gian qua.

Tuy nhiên, điểm khác nhau rõ ràng giữa án lệ và án mẫu là ở chỗ, khi nói đến án lệ, người ta thường nói đến sự khiếm khuyết của các quy phạm

pháp luật trong một hệ thống pháp luật. Thông thường, án lệ chỉ xuất hiện khi có một sự kiện pháp lý mới nảy sinh mà chưa có những quy phạm pháp luật thực định điều chỉnh cụ thể về lĩnh vực đó hoặc do xung đột pháp luật mà chưa có các dẫn chiếu pháp luật rõ ràng. Không giống như án lệ, có thể nói môi trường áp dụng của án mẫu trong các quan hệ pháp luật dường như không có những hạn chế trong các ngành luật vì việc áp dụng án mẫu thường không đi trái các nguyên tắc pháp lý thông thường.

Hơn nữa, việc ra đời của án mẫu xuất phát từ những cơ sở pháp luật hết sức vững chắc (nghĩa là, có đầy đủ quy phạm pháp luật để chiều chỉnh) mà trong những tình huống tương tự khó có thể đưa ra phán quyết khác được. Chính vì vậy, án mẫu được các nhà thực tiễn hết sức cổ vũ vì nó làm cho việc áp dụng pháp luật được gần gũi nhau hơn giữa các toà án trong cùng một hệ thống tư pháp. Chẳng hạn, với một khoảng cách giữa giới hạn trên và giới hạn dưới khá cao như trong Bộ luật Hình sự nước ta: ở đó mức thấp nhất và mức cao nhất của cùng một khoản trong một điều luật là khá cao (ví dụ: Khoản 1 các điều 82, 83, 84, 85 Bộ luật Hình sự có khoảng cách từ mức thấp nhất đến mức cao nhất là từ 12 năm đến tử hình; Điều 86, Khoản 1, khoảng cách trên và khoảng cách dưới là 13 năm. Ngoài ra còn có khá nhiều điều khoản quy định về hình phạt tù có thời hạn có khoảng cách trên và dưới lên đến 10 năm). Do vậy, nhằm tránh tình trạng có cùng mô tả cấu thành nhưng có người được áp dụng mức thấp nhất của khung, có người lại được xử ở khung cao nhất; hoặc có những vụ việc giống nhau nhưng lại có những phán quyết khác nhau trong các vụ án gây nhiều tranh cãi trong hoạt động xét xử, thì những bản án mẫu sẽ được tham khảo cho các trường hợp tương tự nhằm đưa ra phương án xử lý thích hợp nhất.

Một phần của tài liệu Án lệ trong hệ thống các loại nguồn pháp luật (Trang 28 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)