một số trường hợp là đã có chuẩn bị, có dự kiến, thủ đoạn phạm tội tinh vi, xảo quyệt hơn, thậm chí mang tính côn đồ, hung hãn.
2.2.2. Kết quả quyết định hình phạt đối với NCTN phạm tội trong những năm gần đây. những năm gần đây.
Trong quá trình thực hiện Luận án này, chúng tôi đã liên hệ với các cơ quan tư pháp như Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đi tìm số liệu về NCTN phạm tội có liên quan đến nội dung của Luận án như: số liệu về các loại hình phạt và biện pháp tư pháp đã áp dụng đối với NCTN phạm tội, số liệu NCTN phạm tội được miễn hình phạt, số liệu về NCTN được áp dụng án treo, số liệu về NCTN được Tòa án phúc thẩm sửa đổi về hình phạt…Tuy nhiên, thực tế là các số liệu đó hiện nay vẫn không được thống kê bởi các cơ quan có chức năng. Hiện nay, số liệu thống kê khởi tố, xử lý, xét xử sở thẩm NCTN được thống kê theo mẫu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Mẫu 1 B-1991), trong đó phần xét xử có hai mục duy nhất
là về tổng số NCTN đã xét xử và tổng số NCTN bị phạt với mức án từ 5 năm tù trở lên. Ngoài ra không có biểu mẫu thống kê liên quan đến xét xử phúc thẩm án về NCTN phạm tội. Chính vì vậy, số liệu dưới đây về kết quả quyết định hình phạt đối với NCTN phạm tội trong những năm gần đây là rất hạn hẹp và được lấy từ nhiều nguồn khác nhau:
Năm Tổng số bị cáo là NCTN Số bị cáo bị phạt tù giam Tỷ lệ bị cáo bị phạt tù giam Số bị cáo được miễn hình phạt, bị áp dụng các hình phạt và biện pháp tư pháp khác. 2001 3441 2133 61,99% 1308 2002 3139 2736 87,16% 403 2003 3994 3589 89,87% 405 2004 2540 1.655 65,16% 885 2005 4599 2.558 55,62% 2041 2006 7265 4512 62,11% 2753
(Nguồn: Cục quản lý trại giam - Bộ Công an từ năm 2000 - 2003 và Viện kiểm sát nhân dân tối cao từ 2004 - 2006)
Qua số liệu trên, cùng với các báo cáo công tác của ngành Tòa án trong một số năm gần đây và kết hợp với những đánh giá nhận xét của các chuyên gia trong lĩnh vực hình sự, chúng tôi có thể đưa ra một số đánh giá về thực tiễn áp dụng hình phạt đối với NCTN trong mấy năm gần đây như sau:
- Quán triệt tinh thần nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta đối với NCTN phạm tội, trong những năm qua, Tòa án nhân dân các cấp đã có những chuyển biến tích cực trong việc xét xử các vụ án NCTN. 100 % số bị cáo là NCTN bị xét xử không buộc phải chịu hình phạt bổ sung, không phải chịu hình phạt tử hình và chung thân. Đối với việc áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với bị cáo là NCTN cho thấy, nhìn chung, Tòa án bao giờ cũng quyết định trên cơ sở xem xét nhiều khía cạnh như: nhân thân, hoàn cảnh của người phạm tội, nguyên nhân dẫn đến việc người chưa thành niên thực hiện tội phạm, ý kiến của gia đình, nhà trường, tổ chức để tìm ra một phương thức cải tạo kết hợp với giáo dục tối ưu nhất để áp dụng mức hình phạt đối với bị cáo sao cho phù
hợp nhất, chính vì vậy Tòa án nhân dân các cấp thường áp dụng phương thức tuyên hình phạt tù có thời hạn vừa đủ để cho bị cáo được miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện và cho bị cáo được hưởng án treo nhằm tạo điều kiện cho bị cáo tiếp tục học tập, làm ăn sinh sống và chứng tỏ sự hối cải, hoàn lương của mình ngay trong môi trường xã hội bình thường dưới sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình nơi người đó làm việc, công tác, học tập hoặc cư trú. Tỷ lệ NCTN phạm tội bị áp dụng mức án phạt tù trên 15 năm tù rất ít, chủ yếu là những đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng [15, tr. 156].
- Trong mấy năm qua, hình phạt tù luôn là hình phạt được áp dụng nhiều nhất, chiếm đại đa số các bản án. Trong năm 2002 và 2003 số lượng án phạt tù tăng đột biến và chiếm phần lớn, ở mức 87,1% (2002) và 89,8% (2003) so với tổng số các hình phạt và biện pháp tư pháp được áp dụng. Hình phạt tù có xu hướng giảm dần trong các năm 2004, 2005 nhưng vẫn còn ở mức cao, chiếm tới 65,1% và 55,6% . Cá biệt, ở Tòa án nhân dân Tp Hà Nội, theo thống kê xét xử sơ thẩm thì hình phạt tù trong các năm 2002 đến năm 2005 đều trên 91%, trong đó năm 2005 chiếm tới 95,65%. Các số liệu này có thể chưa đưa ra được nhận xét về tính đúng đắn của các hình phạt tù đã tuyên. Song rõ ràng là, một con số hình phạt tù quá cao như vậy, có thể đặt ra cho chúng ta câu hỏi về nhận thức của cán bộ xét xử về các nguyên tắc xử lý NCTN phạm tội, mục đích của việc áp dụng hình phạt tù đối với NCTN…
- Về hình phạt cảnh cáo và cải tạo không giam giữ: Đây là những hình phạt được áp dụng cho những người phạm tội ít nghiêm trọng, có nhiều tính tiết giảm nhẹ. Qua tổng kết thực tiễn chúng tôi thấy rất hiếm trường hợp Tòa án áp dụng các hình phạt này đối với NCTN. Tòa án chỉ áp dụng các hình phạt này đối với họ khi vụ án có nhiều bị cáo và nhiều lý do không thể tách họ riêng ra để xử lý, còn đối với những vụ án mà chỉ có NCTN là bị cáo thì tòa án thường ra quyết định đình chỉ vụ án và trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát để
chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý nhẹ hơn (nếu thấy cần thiết) hoặc miễn truy cứu TNHS.
Ngoài ra, theo kết quả của một nghiên cứu gần đây, các thẩm phán được phỏng vấn thừa nhận rằng họ có thể áp các hình phạt có tính không giam giữ một cách thường xuyên hơn nếu như có các hệ thống ổn định, hoạt động có quy củ để hỗ trợ cho NCTN khi thi hành biện pháp này [16, tr. 32]. Như vậy, tính hiệu quả của việc thực hiện các hình phạt trên thực tiễn cũng ảnh hưởng đến việc lựa chọn các hình phạt trong quá trình quyết định hình phạt.
- Về các biện pháp tư pháp:
Qua thực tế xét xử cho thấy, việc áp dụng các biện pháp này còn quá ít, rất hiếm có bản án được Tòa án áp dụng biện pháp này. Qua kết quả khảo sát tại 2 trường giáo dưỡng số 1- Hà Nội và trường giáo dưỡng số 4 Đồng Nai [39, tr. ] cho thấy, trong số 100 em học sinh thì chỉ có 01 em được vào trường giáo dưỡng là do quyết định của Tòa án. Thực tiễn này là do hai nguyên nhân cơ bản sau:
+ Một là, biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng và giáo dục tại xã, phường, thị trấn được quy định trong BLHS cũng là các biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Pháp lệnh Xử lý hành chính. Do vậy, trong quá trình điều tra, truy tố vụ án, nếu xét thấy không cần thiết phải đưa ra xét xử tại Tòa án, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát đã chuyển vụ án cho cơ quan có thẩm quyền xử lý bằng biện pháp hành chính cho nên số vụ án được chuyển cho Tòa án xét xử thường là những vụ nghiêm trọng mà biện pháp tư pháp nói trên không đủ hiệu lực và hiệu quả răn đe, giáo dục;
+ Hai là, do chưa có một cơ chế hợp lý để bảo đảm cho việc thực thi các biện pháp này trong thực tế nên hiệu quả giáo dục và phòng ngừa còn rất hạn chế. Giữa Tòa án với Uỷ ban nhân dân địa phương, nhà trường, tổ chức được giao nhiệm vụ giám sát và giáo dục chưa có sự phối hợp đồng bộ. Nhiều khi việc tuyên án của Tòa án chỉ trong bản án chưa được Uỷ ban nhân dân địa
phương, nhà trường, tổ chức xã hội thực hiện hoặc có thực hiện nhưng không thường xuyên, không đều đặn, có chăng chỉ được thực hiện ở thời gian đầu. Mặt khác, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa Tòa án và cơ quan, tổ chức, chính quyền điạ phương, nơi có trách nhiệm giám sát, giáo dục NCTN phạm tội.