- Thực hiện chặt chẽ việc tiêu chuẩn hoá Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án theo quy định của luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 và Pháp lệnh
3.3.2. Xây dựng hệ thống thu thập số liệu thống kê để theo dõi việc xử lý các vụ việc có liên quan đến NCTN phạm tội.
xử lý các vụ việc có liên quan đến NCTN phạm tội.
Số liệu và thông tin thống kê có ý nghĩa quan trọng giúp cho các cơ quan xây dựng pháp luật và chính sách cập nhật về các xu hướng và loại hình tội phạm, “cảnh báo” những hành động mới cần thực hiện, đồng thời cho phép đánh giá hiệu quả của hoạt động tố tụng trong đó có quyết định hình phạt.
Hiện nay, các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn chưa có hệ thống thống kê tội phạm thống nhất, các cơ quan tư pháp đều có bộ phận thống kê nhưng các
chi tiêu không thống nhất, nằm rải rác trong các biểu mẫu thống kê hình sự, thống kê kết quả công tác.
Đối với thống kê liên quan đến tội phạm NCTN, như đã nêu ở trên, rất hạn hẹp và chỉ có ở giai đoạn sơ thẩm. Đồng thời, các chỉ tiêu thống kê còn đơn giản, chưa đầy đủ, chưa có số liệu thống kê về việc áp dụng các loại hình phạt, các biện pháp tư pháp, việc áp dụng miễn hình phạt…Vì vậy, rất khó đánh giá hiệu quả hoạt động tố tụng nói chung và hoạt động quyết định hình phạt nói riêng.
Vì vậy, chúng tôi kiến nghị, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an và các cơ quan khác có liên quan sớm xây dựng hệ thống thống kê tư pháp nói chung và đối với NCTN phạm tội nói riêng theo những tiêu chí, biểu mẫu thống nhất để sử dụng thống nhất trong các ngành trong phạm vi toàn quốc.
KẾT LUẬN
Quyết định hình phạt là một giai đoạn quan trọng trong hoạt động tố tụng Bởi việc quyết định hình phạt chính xác, khách quan là một trong những điều kiện cần thiết để đảm bảo cho người bị kết án tự mình ý thức được sự công bằng của pháp luật và bản thân họ cũng thấy rõ lỗi lầm, sai phạm mà quyết tâm cải tạo trở thành người công dân có ích cho xã hội, trực tiếp góp phần tích cực vào quá trình đấu tranh, phòng, chống tội phạm.
Trong bối cảnh tình hình tội phạm NCTN gia tăng và các quy định pháp luật phòng, chống NCTN phạm tội nói chung và quyết định hình phạt đối với họ nói riêng và thực tiễn áp dụng các quy định đó không đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn thì việc nghiên cứu về quyết định hình phạt đối với NCTN phạm tội trong Luật hình sự Việt Nam để đưa ra được các giải pháp nâng cao hiệu quả quyết định hình phạt đối với NCTN phạm tội là một yêu cầu cấp bách hiện nay.
Nhiệm vụ nghiên cứu của Luận án là tập trung vào các vấn đề lý luận liên quan đến các quy định hiện hành về quyết định hình phạt đối với NCTN phạm tội và thực tiễn áp dụng các quy định đó. Tuy nhiên, để làm cơ sở cho việc giải quyết các vấn đề đó thì không thể không nghiên cứu các vấn đề cơ bản liên quan đến NCTN phạm tội, hình phạt và quyết định hình phạt như: khái niệm NCTN phạm tội, những đặc điểm đặc trưng về TNHS của NCTN, khái niệm và mục đích của hình phạt, khái niệm quyết định hình phạt và các nguyên tắc quyết định hình phạt.
Khi nghiên cứu các quy định hiện hành về quyết định hình phạt đối với NCTN phạm tội, chúng tôi tâp trung làm rõ những vấn đề lý luận liên quan đến các căn cứ quyết định hình phạt đối với NCTN phạm tội; đi sâu phân tích việc quyết định hình phạt đối với NCTN phạm tội trong những trường hợp đặc biệt như: quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của điều luật, quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, quyết định hình phạt trong trường
hợp đồng phạm và miễn hình phạt. Qua phân tích các quy định hiện hành về quyết định hình phạt đối với NCTN phạm tội, chúng tôi đã chỉ ra những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của các quy định này. Những bất cập, thiếu sót đó đã được chúng tôi bước đầu giải quyết tại Chương cuối của Luận văn.
Việc nghiên cứu thực tiễn quyết định áp dụng hình phạt đối với NCTN phạm tội được chúng tôi bắt đầu bởi việc khái quát thực trạng NCTN phạm tội trong những năm gần đây. Bởi lẽ, từ thực trạng đó, mới có thể xác định, đối chiếu được mức độ đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn trong việc xử lý đối với NCTN phạm tội nói chung và đối với quyết định hình phạt đối với họ nói riêng. Song một trong những khó khăn của chúng tôi khi thực hiện Luận văn này, đó là không có các số liệu đầy đủ đáp ứng các yêu cầu của chúng tôi. Tuy nhiên, trong phạm vi số liệu thu thập được, chúng tôi đã cố gắng đánh giá thực trạng hoạt động quyết định hình phạt đối với NCTN phạm tội, chỉ ra các sai sót thường gặp trong quá trình quyết định hình phạt đối với NCTN và các nguyên nhân của các sai sót đó. Các biện pháp khắc phục các nguyên nhân đó để nâng cao hiệu quả của hoạt động quyết định hình phạt trên thực tiễn cũng được chúng tôi đưa ra tại Chương cuối của Luận văn này.
Quan điểm xuyên suốt các Chương của Luận văn này của chúng tôi, đó là cần coi NCTN phạm tội không chỉ là đối tượng cần phải trừng trị mà còn là nạn nhân của các yếu tố không lành mạnh của môi trường xã hội. Chính vì vậy, khi truy cứu TNHS và quyết định hình phạt đối với đối tượng này cần phải xem xét, cân nhắc trong mối quan hệ hai mặt: họ vừa là chủ thể của hành vi phạm tội vừa là nạn nhân của môi trường xã hội. Đồng thời, việc nắm chắc các quy định của pháp luật hình sự khi quyết định hình phạt đối với NCTN là chưa đủ, người áp dụng cần có lòng nhân đạo và bao dung, biết đặt mình vào vị trí các em, hiểu các em thì qua đó mới ra được một bản án và hình phạt “vừa đạt lý, vừa thấu tình”.