BLHS 1999.
Theo Từ điển tiếng Việt, căn cứ được định nghĩa là “cái làm cơ sở để lập luận, để hành động” còn cơ sở được coi là “cái làm nền tảng để dựa vào đó hay từ đó mà phát triển” [42] . Như vậy, căn cứ quyết định hình phạt chính là những đòi hỏi có tính nguyên tắc do luật hình sự quy định hoặc giải thích luật mà có, buộc Tòa án phải tuân theo khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội.
Giữa các căn cứ quyết định hình phạt và nguyên tắc quyết định hình phạt có mối quan hệ giữa phạm trù cái chung và cái riêng, trong đó, các nguyên tắc quyết định hình phạt là cái chung, các căn cứ quyết định hình phạt là cái riêng. Nếu như các nguyên tắc quyết định hình phạt là những tư tưởng chỉ đạo, tư tưởng xuất phát, xác định và định hướng hoạt động của Tòa án khi áp dụng chế tài luật hình sự đối với những người thực hiện tội phạm thì các căn cứ quyết định hình phạt là những biểu hiện đòi hỏi cụ thể mà Tòa án dựa vào đó để quyết định một hình phạt đúng pháp luật, công bằng, hợp lý đối với bị cáo. Trong mọi trường hợp, khi quyết định hình phạt không được đề cao nguyên tắc mà coi nhẹ căn cứ hoặc ngược lại. Việc tuân thủ đồng thời các nguyên tắc và cả các căn cứ mới đảm bảo cho Tòa án quyết định được một loại mức hình phạt đúng pháp luật, công bằng hợp lý nhằm đạt được mục đích của hình phạt.
Điều 45 BLHS năm 1999 quy định: “ Khi quyết định hình phạt, Tòa án căn cứ vào các quy định của BLHS, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng TNHS”. Phân tích nội dung điều 45 BLHS chúng ta có thể thấy, khi quyết định hình phạt đối với NCTN phạm tội, Tòa án phải tuân theo những đòi hỏi quan trọng có tính nguyên tắc sau: (1) Căn cứ vào quy định của BLHS; (2) Cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội; (3) Cân nhắc thân nhân người phạm tội; (3) Cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng TNHS.
Việc nghiên cứu, làm sáng tỏ nội dung các căn cứ đó có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động của Tòa án khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội nói chung cũng như khi quyết định hình phạt đối với NCTN phạm tội nói riêng. Việc nhân thức và vận dụng đúng đắn các căn cứ này sẽ góp phần không nhỏ trong việc quyết định hình phạt đúng pháp luật, công bằng, hợp lý, được dư luận đồng tình và đặc biệt là đạt được mục đích của hình phạt.