Đồng phạm là hình thức thực hiện tội phạm do hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm, với các vai trò khác nhau, tính chất và mức độ tham gia khác nhau, vì vậy, TNHS của những người đồng phạm là khác nhau. Khi quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm , Toà án căn cứ vào vào chế tài của quy phạm pháp luật quy định về tội phạm mà người thực hành thực hiện, đồng thời tuân thủ Điều 45 BLHS về căn cứ quyết định hình phạt và Điều 53 BLHS về quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm.
Theo quy định của Điều 53 BLHS năm 1999, khi quyết định đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến các yếu tố sau đây:
Tính chất của đồng phạm: Đó là xem xét đến quy mô, tính chất và mức độ nguy hại của vụ án có đồng phạm. Đồng phạm đó là giản đơn hay phức tạp? đồng phạm có dự mưu hay không? có tổ chức hay đồng phạm thường v.v..
- Tính chất và mức độ tham gia của từng người đồng phạm: Người đồng phạm tham gia thực hiện tội phạm với vai trò gì, người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức hay người thực hành? Ai là người chủ mưu, cầm đầu? Người đồng phạm tham gia ở giai đoạn phạm tội nào? Mức độ xúi giục, mức độ giúp sức của người đó đối với người thực hành? Là người cầm đầu, tích cực (chủ động) hay bị lôi kéo, xúi giục (thụ động), động cơ, mục đích đồng phạm? Tác dụng của các hành vi đồng phạm đó đối với việc thực hiện tội phạm ra sao,v.v., Việc làm rõ những tình tiết này có ý nghĩa quan trong đối với việc quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm.
Khi quyết định trong trường hợp đồng phạm, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng TNHS thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó.
Về mức độ phân hoá TNHS giữa những người đồng phạm, điều 3 BLHS năm 1999 đã đưa ra nguyên tắc theo đó Nhà nước nghiêm trị người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, và khoan hồng đối với tố giác người đồng phạm.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu các quy định trong BLHS năm 1999 về quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm cho thấy các quy định này mới chỉ là các căn cứ và nguyên tắc chung của quyết định hình phạt đối với trường hợp đồng phạm mà chưa có quy định cụ thể về sự phân hóa TNHS giữa những người đồng phạm. Đặc biệt là việc quyết định hình phạt trong trường hợp NCTN là một trong những người đồng phạm hoặc là những người đồng phạm đều là NCTN.