Cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.

Một phần của tài liệu Quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội trong luật hình sự Việt Nam (Trang 38)

hành vi phạm tội.

Tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm được thể hiện tổng thể ở hai khái niệm "tính chất" và "mức độ' nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Bởi vậy, khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội nói chung và NCTN

phạm tội nói riêng, ngoài việc dựa vào các quy định của BLHS, Tòa án không thể không cân nhắc đến tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội.

Tính chất nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là đặc tính về chất của tội phạm cho phép phân biệt tội phạm ở các chương khác nhau trong Phần các tội phạm BLHS. Mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là đặc tính về lượng của mỗi tội phạm cụ thể, cho phép phân biệt mức độ nguy hiểm cho xã hội giữa các tội phạm trong cùng nhóm hoặc đối với một tội nhưng trong những trường hợp phạm tội khác nhau.

Hiện nay, có quan điểm cho rằng khi quyết định hình phạt, Toà án không cần căn cứ vào tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội mà chỉ cần căn cứ vào mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Bởi vì, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội đã được các nhà làm luật sử dụng khi xây dựng các khung chế tài cho các tội phạm cụ thể còn mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm chỉ phản ánh các trường hợp phạm tội khác nhau trong cùng khung hình phạt của một loại tội phạm cụ thể [3, tr. 119] [19, tr. 73] .

Tuy nhiên, chúng tôi đồng ý với quan điểm là khi quyết định hình phạt, Toà án phải căn cứ cả tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội [17, tr. 51-53] [21, tr. 383] [38, tr. 244]. Bởi vì, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội đều được xác định bởi tổng thể các dấu hiệu của cấu thành tội phạm. Trong đó, nếu tính chất của tội phạm thể hiện ở dạng mức độ về chất, thì mức độ nguy hiểm của nó được thể hiện ở dạng mức độ về lượng nhất định của cùng môt chất. Do đó, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm không tách rời nhau, chúng tồn tại cùng nhau, bổ sung cho nhau và xâm nhập vào nhau [17, tr. 51-52 ] . Ngoài ra, trong một số trường hợp các tình tiết như thời gian, địa điểm, hoàn cảnh, hậu quả, phương pháp, phương tiện thực hiện tội phạm được quy định là dấu hiệu bắt buộc của các cấu thành tội phạm nhưng trong một số trường hợp

khác, những tình tiết nêu trên không được nhà làm luật quy định là những dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Trong các trường hợp đó, mặc dù không có ý nghĩa trong việc định tội danh nhưng lại có ý nghĩa rất lớn trong việc quyết định hình phạt đối với bị cáo. Bởi vậy, khi quyết định hình phạt, luật quy định Tòa án phải cân nhắc cả tính chất lẫn mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm được thực hiện.

Để đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội cần đánh giá một cách tổng thể các tình tiết thuộc cấu thành tội phạm, bao gồm:

- Về mặt khách thể: Việc xem xét mặt khách thể của tội phạm tức là xem xét ý nghĩa, tính chất, tầm quan trọng và giá trị của các quan hệ xã hội do tội phạm đó xâm hại hoặc bị đe doạ xâm hại.

- Về mặt khách quan: Việc xem xét mặt khách quan của tội phạm được tiến hành trên cơ sở đánh giá các yếu tố như: Hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thực hiện; Tính chất và mức độ hậu quả thiệt hại đã gây ra hoặc đe dọa gây ra; Mức độ thực hiện tội phạm như chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt (phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành hay phạm tội chưa đạt đã hoàn thành), tội phạm hoàn thành; Phạm tội riêng lẻ hay là đồng phạm, đồng phạm giản đơn hay đồng phạm có tổ chức; Công cụ, phương tiện phạm tội, phương pháp, thủ đoạn, thời gian, địa điểm, hoàn cảnh thực hiện tội phạm…

- Về mặt chủ quan: Các dấu hiệu về mặt chủ quan quan biểu hiện trước hết ở các khía cạnh hình thức, loại và mức độ lỗi. Trong đó lỗi cố ý có tính chất nguy hiểm cho xã hội cao hơn lỗi vô ý; hình thức lỗi cố ý trực tiếp nguy hiểm hơn lỗi cố ý gián tiếp; lỗi vô ý vì tự tin nguy hiểm hơn lỗi vô ý vì cẩu thả...Hình thức lỗi càng nguy hiểm, mức độ lỗi càng lớn thì hình phạt càng nặng hơn. Tuy nhiên khi xác định mức độ lỗi của người phạm tội, Tòa án cũng cần xem xét thái độ, tâm lý của người phạm tội, các đặc điểm đặc trưng cho nhân thân người phạm tội, nguyên nhân, điều kiện dẫn đến con đường phạm tội, trạng thái của người phạm tội khi thực hiện tội phạm, mức độ quyết tâm thực hiện ý định phạm tội hay thiếu quan tâm, không chú ý hoặc

tự tin... Tất cả những điều đó có ảnh hưởng đến mức độ lỗi và vì vậy cần được cân nhắc khi quyết định hình phạt. Đặc biệt đối với NCTN phạm tội, phải cân nhắc đánh giá việc nhận thức chủ quan của họ đối với hậu quả gây ra và nhất là nguyên nhân, điều kiện đến phạm tội.

Động cơ và mục đích của người phạm tội cũng là yếu tố thuộc mặt chủ quan cần xem xét để xác định tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Trong thực tế, tội phạm cụ thể được thể hiện vì những động cơ và mục đích rất khác nhau, chúng có thể làm tăng nặng mức hình phạt nhưng ngược lại cũng có một số động cơ, mục đích làm giảm nhẹ lỗi của bị cáo và giảm nhẹ mức hình phạt. Bởi vậy, Tòa án cần xác định rõ tội phạm đó được thực hiện vì động cơ nào và phải nêu rõ trong bản án. Trong rất nhiều trường hợp phạm tội của NCTN động cơ, mục đích phạm tội của họ thường rất đơn giản như để bảo vệ bạn (trong các tội xâm phạm sức khoẻ) hoặc chỉ để thoả mãn một ý thích nào như muốn có tiền để đãi bạn bè (trong các tội chiếm dụng tài sản).

-Về mặt chủ thể : Xem xét về mặt chủ thể trước hết là xem xét về độ tuổi, trình độ nhận thức và các đặc điểm về nhân thân có ảnh hưởng đến mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội...Ví dụ: Cùng là phạm tội đặc biệt nghiêm trọng nhưng, NCTN phạm tội ở độ tuổi 14 sẽ có hình phạt khác đối với NCTN ở độ tuổi 17...

Tóm lại, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là một trong những căn cứ quan trọng của việc quyết định hình phạt đối với người phạm tội. Để đánh giá được tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm đã thực hiện, đòi hỏi Tòa án phải xem xét, cân nhắc tổng thể các tình tiết dấu hiệu của vụ án qua đó mới đưa ra được một hình phạt công bằng, hợp lý đối với bị cáo.

Một phần của tài liệu Quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội trong luật hình sự Việt Nam (Trang 38)