Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội.

Một phần của tài liệu Quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội trong luật hình sự Việt Nam (Trang 67 - 70)

Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội là quyết định trong trường hợp bị cáo đã phạm từ hai tội trở lên mà các tội đó chưa được đưa ra xét xử và cũng chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS. Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội trong trường hợp này, Toà án quyết định cho mỗi tội một hình phạt chính cũng như hình phạt bổ sung nếu có, sau đó Toà án sẽ tổng hợp các hình phạt này theo quy định của BLHS. Khi quyết định hình phạt đối với từng tội, Toà án phải tuân thủ các quy định chung về quyết định hình phạt, đồng thời khi tổng hợp hình phạt Toà án phải tuân thủ các quy định đặc thù áp dụng riêng đối với trường hợp phạm nhiều tội.

Đối với NCTN phạm nhiều tội, khi tổng hợp hình phạt Tòa án áp dụng Điều 75 BLHS năm 1999. Tuy nhiên, mặc dù tên của điều Điều 75 BLHS là “Tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội” song nội dung của điều luật lại quy định đối với trường hợp NCTN phạm nhiều tội, trong đó có tội được thực hiện trước khi đủ 18 tuổi, có tội được thực hiện sau khi đủ 18 tuổi, cụ thể là:

- Nếu tội nặng nhất được thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi thì hình phạt chung không được vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại Điều 74 của Bộ luật này, có nghĩa là đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi thì hình phạt không được quá 18 năm tù, còn đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì hình phạt không được quá 12 năm tù.

- Nếu tội nặng nhất được thực hiện khi người đó đã đủ 18 tuổi thì hình phạt chung áp dụng như đối với người đã thành niên phạm tội.

Để xác định tội nào nhẹ hơn, tội nào nặng hơn thì cần thực hiện theo thứ tự như sau[34]:

- Trước hết xem xét hình phạt chính đối với hai tội phạm, nếu tội nào điều luật có quy định loại hình phạt nặng nhất nặng hơn thì tội đó nặng hơn. - Trong trường hợp điều luật quy định loại hình phạt nặng nhất đối với cả hai tội là tù có thời hạn (không quy định hình phạt tử hình, hình phạt tù chung thân) thì tội nào, điều luật quy định mức hình phạt tù cao nhất đối với tội ấy cao hơn là tội đó nặng hơn.

- Trong trường hợp điều luật quy định loại hình phạt nặng nhất đối với cả hai tội đều tử hình hoặc đều tù chung thân hoặc đều tù có thời hạn và mức hình phạt tù cao nhất đối với cả hai tội như nhau, thì tội nào điều luật quy định mức hình phạt tù khởi điểm cao hơn là tội đó nặng hơn.

- Trong trường hợp điều luật quy định loại hình phạt nặng nhất đối với cả hai tội đều là tù có thời hạn và mức hình phạt tù khởi điểm, mức hình phạt tù cao nhất như nhau, thì tội nào điều luật có quy định loại hình phạt chính khác nhẹ hơn (cải tạo không giam giữ, phạt tiền, cảnh cáo) thì tội đó nhẹ hơn.

Nếu điều luật cùng quy định các loại hình phạt như nhau, nhưng có mức cao nhất, mức khởi điểm khác nhau thì tội nào có mức cao nhất của khung hình phạt cao nhất nặng hơn thì tội đó nặng hơn. Trong trường mức cao nhất của khung hình phạt cao nhất bằng nhau thì tội nào có mức khởi điểm thấp nhất của hình phạt nhẹ nhất cao hơn thì tội đó nặng hơn.

- Trong trường hợp điều luật quy định các loại hình phạt chính đối với cả hai tội như nhau, thì tội nào điều luật còn quy định hình phạt bổ sung là tội đó nặng hơn. Nếu điều luật cùng quy định hình phạt bổ sung như nhau, nhưng đối với tội này thì hình phạt bổ sung là bắt buộc, còn đối với tội khác hình phạt bổ sung có thể áp dụng, thì tội nào điều luật quy định hình phạt bổ sung bắt buộc là tội đó nặng hơn.

Tuy nhiên, Điều 75 mới chỉ quy định đối với trường hợp NCTN phạm nhiều tội, trong đó có tội được thực hiện trước khi đủ 18 tuổi, có tội được thực hiện sau khi đủ 18 tuổi. Còn đối với trường hợp NCTN thực hiện nhiều tội phạm mà các tội phạm đó đều được thực hiện trước khi họ dưới 18 tuổi thì không có quy định cụ thể. Vì vậy, có nhiều quan điểm khác nhau về mức tối đa của hình phạt chung là hình phạt tù và cải tạo không giam giữ đối với trường hợp NCTN thực hiện nhiều tội phạm mà các tội phạm đó đều được thực hiện trước khi họ dưới 18 tuổi, cụ thể là:

(1) Quan điểm thứ nhất cho rằng, trong trường hợp Chương X BLHS không quy định đối với trường hợp này thì cần phải vận dụng điều 50 BLHS, cụ thể là: nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì hình phạt chung được tổng hợp bằng cách cộng các hình phạt đó lại với nhau, nhưng phải bảo đảm không quá 3 năm nếu là hình phạt cải tạo không giam giữ và không quá 30 năm nếu là hình phạt tù có thời hạn [41, tr 259].

Quan điểm này theo chúng tôi là không hợp lý, bởi nếu như so sánh với điều 75 BLHS thì NCTN phạm nhiều tội trong thời điểm họ chưa đủ 18 tuổi sẽ phải chịu TNHS cao hơn so với NCTN phạm nhiều tội mà trong đó có tội được thực hiện trước khi 18 tuổi và có tội thực hiện sau khi 18 tuổi. Như vậy là trái với nguyên tắc xử lý đối với NCTN.

(2) Quan điểm thứ hai, chúng tôi cho rằng, mặc dù Chươngg X BLHS 1999 không quy định đối với trường hợp trên, nhưng cũng không được áp dụng điều 52, bởi lý do nêu ở trên. Trong trường hợp này, cần phải vận dụng trên cơ sở tinh thần của khoản 1 điều 75, theo đó hình phạt chung đối với NCTN thực hiện nhiều tội phạm mà các tội phạm đó đều được thực hiện trước khi họ dưới 18 tuổi sẽ không được quá 18 năm tù đối với người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi và không được quá 12 năm tù đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi. Bởi so sánh giữa NCTN thực hiện nhiều tội phạm tại thời điểm trước khi đủ 18 tuổi và với trường hợp NCTN phạm nhiều tội trong đó tội

nặng nhất thực hiện tại thời điểm trước 18 tuổi thì trường hợp đầu rõ ràng là thuộc trường hợp nhẹ hơn, do vậy, hình phạt áp dụng đối với họ ít nhất cũng phải được áp dụng theo quy định của khoản 1 Điều 75. Áp dụng như vậy thì mới phù hợp với tinh thần của Bộ luật trong việc xử lý tội phạm NCTN cũng như không mâu thuẫn với Điều 75 BLHS.

Tuy nhiên, cơ sở pháp lý của quan điểm này cũng không được chặt chẽ, bởi các lý do sau: Thứ nhất, không có điều luật nào quy định; Thứ hai, nếu Điều 75 dẫn chiếu việc áp dụng sang Điều 74 cũng không chính xác, bởi Điều 74 là áp dụng đối với một tội phạm chứ không quy định mức phạt tổng hợp đối với nhiều tội phạm. Do vậy, những bất câp này cần phải được nhanh chóng khắc phục trong lần sửa đổi BLHS tới.

Ngoài ra, bên cạnh hình phạt tù còn có các hình phạt khác cũng cần được tổng hợp như: cải tạo không giam giữ hoặc phạt tiền. Trong những trường hợp như vậy, thì mức cao nhất của hình phạt chung có bị hạn chế bởi các mức quy định tại Điều 72 và Điều 73 hay không? Hay là theo quy định tại Điều 50 của BLHS năm 1999? Cụ thể là, hình phạt tiền chung có được quá 1/2 mức tiền phạt của điều luật hay không? Hoặc hình phạt chung là cải tạo không giam giữ có được quá 1 năm 6 tháng hay không? Đây cũng chính là những vấn đề cần được làm rõ trong lần sửa đổi BLHS tới.

Một phần của tài liệu Quyết định hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội trong luật hình sự Việt Nam (Trang 67 - 70)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)