0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (127 trang)

Nguyên tắc tận tâm thực hiện nghĩa vụ theo luật quốc tế

Một phần của tài liệu PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VỀ CHỐNG KHỦNG BỐ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN (Trang 55 -55 )

7. Kết cấu của đề tài

2.1.1.5. Nguyên tắc tận tâm thực hiện nghĩa vụ theo luật quốc tế

Tận tâm thực hiện nghĩa vụ theo luật quốc tế là nguyên tắc có lịch sử lâu đời nhất trong số các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế. Tiền thân của nó là nguyên tắc tuân thủ điều ước quốc tế (Pacta Sunt Servanda) xuất hiện từ thời La mã cổ đại và tồn tại hàng ngàn năm trong tập quán pháp lý quốc tế trước khi được ghi nhận chính thức trong điều ước quốc tế.

Nguyên tắc tận tâm thực hiện nghĩa vụ theo luật quốc tế được ghi nhận trong khoản 2 Điều 2 Hiến chương Liên hợp quốc với tư cách là nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế trong đó "tất cả các nước thành viên đều phải làm tròn những nghĩa vụ mà họ phải đảm nhận theo Hiến chương này". Nguyên tắc này cũng được ghi nhận trong các điều ước quốc tế về chống khủng bố (điều 15 CCT 1979, điều 19 CB 1997, điều 21 CTC 1999 v.v.)

Trong chống khủng bố quốc tế, nguyên tắc này đòi hỏi các quốc gia phải thi hành nghiêm chỉnh và có hành động thực tế để bảo đảm thực thi các quy định của pháp luật quốc tế ràng buộc đối với mình (như các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế, các tập quán quốc tế phổ cập, các điều ước quốc tế mà mình là thành viên, các nghị quyết ràng buộc của HĐBALHQ như Nghị quyết 1373 (2001) v.v.). 2.1.1.6. Nguyên tắc dân tộc tự quyết

Nguyên tắc dân tộc tự quyết được thể hiện trong Hiến chương Liên hợp quốc với tư cách là một trong những mục đích hoạt động của mình rằng Liên hợp quốc "phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc".

Nguyên tắc này hai lần được đề cập trong Hiến chương Liên hợp quốc. Trong Điều 55 Hiến chương, dân tộc tự quyết được coi là nguyên tắc để duy trì hoà bình

và hữu nghị giữa các dân tộc.

Trong lĩnh vực pháp luật quốc tế về chống khủng bố, nguyên tắc này yêu cầu cộng đồng quốc tế phải phân biệt rõ giữa khủng bố và chiến tranh du kích để thực hiện quyền dân tộc tự quyết hay giải phóng dân tộc. Nó cũng đòi hỏi các dân tộc đang đấu tranh giành độc lập phải biết lựa chọn con đường đấu tranh phù hợp với pháp luật quốc tế.

2.1.1.7. Nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau

Hợp tác giữa các quốc gia từ lâu đã trở thành một quy phạm tập quán trong pháp luật quốc tế hiện đại.

Tuyên bố của Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 1970 về các nguyên tắc của luật quốc tế đã nêu nội dung pháp lý của nguyên tắc ở phạm vi rộng, theo đó "các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau trong các lĩnh vực của quan hệ quốc tế không phụ thuộc vào hệ thống chính trị, kinh tế và văn hoá, nhằm mục đích duy trì hoà bình, an ninh quốc tế và góp phần vào việc ổn định kinh tế thế giới, vì sự phồn thịnh chung của các dân tộc và hợp tác quốc tế".

Trong pháp luật quốc tế về chống khủng bố, nguyên tắc này là nguyên tắc nền tảng để hình thành lên các điều ước quốc tế cũng như các tập quán quốc tế về hợp tác giả các quốc gia trong chống khủng bố quốc tế. Nó được thể hiện rất rõ nét trong các quy định cụ thể về nghĩa vụ hợp tác với nhau về tư pháp, về dẫn độ, về trao đổi thông tin v.v. như sẽ được trình bày trong các phần sau đây. Đặc biệt, việc hợp tác quốc tế đã được xác định là một trong ba đỉnh của tam giác chiến lược trong chiến dịch chống khủng bố của LHQ [26, 1].

2.1.2. Các nguyên tắc đặc thù

2.1.2.1. Pháp luật chống khủng bố và các biện pháp chống khủng bố không được phép vi phạm hay hạn chế các quyền con người cơ bản phép vi phạm hay hạn chế các quyền con người cơ bản

Nguyên tắc tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản khác là một nguyên tắc quan trọng trong pháp luật quốc tế nhưng không phải là nguyên tắc cơ bản. Nhưng trong lĩnh vực chống khủng bố quốc tế nó lại trở thành một nguyên tắc cơ bản và đặc thù vì những lý do sau:

- Khủng bố thường sinh sôi trong môi trường có sự xâm phạm quyền con người. Khủng bố có thể lợi dụng sự xâm phạm quyền con người để tìm kiếm sự ủng hộ của dư luận, công chúng đối với hành vi khủng bố.

- Chính khủng bố cũng là sự vi phạm quyền con người. Các hành động khủng bố gây chết chóc là vi phạm quyền được sống được ghi nhận tại Điều 6 Công ước về quyền dân sự và chính trị 1966.

- Pháp luật quốc tế yêu cầu tôn trọng các tiêu chuẩn quyền cơ bản của con người trong các hoạt động chống khủng bố.

Các quy định pháp luật về chống khủng bố quốc tế và hoạt động chống khủng bố do các quốc gia tiến hành cần tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế về quyền con người. Tổng thư k ý, Cao uỷ LHQ về quyền con người và các nhà lãnh đạo quốc tế khác đã nhấn mạnh điểm này. Khi phát biểu trước HĐBA ngày 18/01/2002, TTK LHQ đã tuyên bố:

"Trong khi chúng ta phải đề cao cảnh giác trong phòng ngừa các hành động khủng bố và kiên quyết lên án và trừng trị chúng, chúng ta sẽ thất bại ngay trong khi thực hiện nếu như chúng ta hy sinh những ưu tiên cơ bản khác, như quyền con người chẳng hạn".

Nguyên tắc này đã được thể hiện thống nhất trong các điều ước quốc tế về chống khủng bố: trong các thủ tục liên quan đến bắt giữ, trong các quy định về quyền của người bị tình nghi được gặp đại diện của mình, về thời hạn tạm giữ, về quyền được bảo đảm đối xử công bằng trong tất cả các giai đoạn của quá trình tố tụng (Đ. 9 CƯ NewYork 1973, Đ 17 CƯ NewYork 1999) v.v.

Nhiều văn kiện quốc tế về quyền con người đặt ra những giới hạn rõ ràng về những hành vi quốc gia có thể tiến hành trong khi tấn công khủng bố. Các quốc gia cần nhận thức về những trách nhiệm đặt ra cho họ trong nhiều văn kiện về quyền con người và ghi nhớ rằng những điều khoản cơ bản trong Công ước về quyền dân sự và chính trị không thể bị xâm phạm trong các hoạt động chống khủng bố.

Tại diễn đàn LHQ, các quốc gia đều nhấn mạnh các hoạt động chống khủng bố quốc tế phải tôn trọng pháp luật quốc tế bao gồm cả pháp luật quốc tế về quyền

con người. Có quốc gia còn yêu cầu quy định về quyền con người được bảo vệ không bị khủng bố. Có quốc gia đưa ra sáng kiến thông qua một đạo luật bảo vệ quyền con người chống lại chủ nghĩa khủng bố (Nga v.v.).

Việc Mỹ tấn công vào Áp - ga - nít - tan gây chết chóc cho thường dân vô tội với cớ tiêu diệt khủng bố là hành động vi phạm nguyên tắc này. Nghiêm trọng hơn nữa, Toà án phúc thẩm Liên bang hạt Columbia của Mỹ đã vừa tuyên bố các tù binh Taliban và Al-Qaida người Áp - ga - nít - tan bị giam giữ tại Oan ta na mô (căn cứ quân sự Mỹ chiếm đóng trái phép của Cuba) không được quyền được ra trước toà án theo thủ tục tư pháp với lý do họ không thuộc thẩm quyền của Mỹ! Hành động này của Mỹ đã vi phạm trắng trợn các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế về quyền con người và vi phạm các công ước quốc tế mà Mỹ đã tham gia trong lĩnh vực chống khủng bố. Gần đây Anh cũng đang vận động quốc hội thông qua những quy định cho phép bắt giam những người bị tình nghi khủng bố mà không cần xét xử.

2.1.2.2. Mọi hành vi khủng bố quốc tế cần phải được ngăn chặn và bị trừng trị, không được viện dẫn lý do chính trị để từ chối hợp tác chống khủng bố (nguyên không được viện dẫn lý do chính trị để từ chối hợp tác chống khủng bố (nguyên tắc trừng trị hoặc dẫn độ)

Mọi hành vi khủng bố quốc tế cần phải được ngăn chặn và bị trừng trị, không được viện dẫn lý do chính trị để từ chối hợp tác chống khủng bố là một nguyên tắc cơ bản trong lĩnh vực chống khủng bố quốc tế. Nguyên tắc này thực chất là một nguyên tắc phái sinh từ nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau. Trong lĩnh vực pháp luật chống khủng bố, nó là một nguyên tắc vàng và không thể thiếu vì nếu không có nó, các quy định của pháp luật quốc tế về chống khủng bố sẽ bị vô hiệu hoá bởi chính sách hai tiêu chuẩn mà không ít quốc gia thường sử dụng vì những lợi ích chính trị của mình. Trong tất cả các điều ước quốc tế về chống khủng bố, nguyên tắc này được quán triệt rất rõ trong các quy định về nghĩa vụ của quốc gia phải xác định quyền tài phán của mình với các loại tội khủng bố, trong trường hợp không dẫn độ kẻ bị tình nghi là khủng bố thì phải đưa ra xét xử trước toà án nước mình (Khoản 2 Điều 3 CƯ Tokyo 1963, các điều 2, 4, 7 CƯ

Lahay 1970, điều 4, 5 CƯ New York 1997, Đ. 6 CƯ New York 1999 v.v.). Gần đây nhất, Nghị quyết 1373 (2001) của HĐBA LHQ tại điểm 3(g) ghi rõ "không thừa nhận việc viện dẫn các lý do có động cơ chính trị làm cơ sở để từ chối các yêu cầu dẫn độ những người bị tình nghi phạm tội khủng bố".

Việc Mỹ đang áp dụng chính sách cho phép những phần tử thực hiện các vụ khủng bố chống chính phủ Cu ba tỵ nạn và từ chối dẫn độ là sự vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc này. Như nhiều chuyên gia từng nói, chính sách hai tiêu chuẩn như vậy chỉ dẫn tới thêm nhiều khủng bố mà thôi.

Trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản nêu trên, pháp luật quốc tế về chống khủng bố đã hình thành và điều chỉnh các hoạt động chống khủng bố quốc tế của cộng đồng quốc tế. Các biện pháp và hoạt động chống khủng bố quốc tế rất đa dạng nhưng nhìn chung có thể được xếp thành hai nhóm lớn theo mục tiêu của biện pháp hay hành động đó: các biện pháp và hoạt động phòng ngừa khủng bố quốc tế và các biện pháp, hành động trừng trị khủng bố quốc tế. Tương ứng với nó, pháp luật quốc tế về chống khủng bố quốc tế cũng có thể được nhóm lại thành hai nhóm quy định tương ứng.

Cũng có nhiều các phân chia khác dựa theo những tiêu chí khác nhau (phân chia theo cấp độ hiệu lực, theo nguồn v.v.) và bản thân cách phân chia này cũng chỉ mang tính tương đối vì xét ở khía cạnh nào đó, các biện pháp trừng trị khủng bố cũng là một hình thức răn đe, ngăn ngừa những kẻ có mưu toan khủng bố bằng sự đe doạ áp dụng các hình phạt nghiêm khắc. Tuy nhiên, cách phân chia này được chọn vì nó có thể giúp phân tích rõ ràng hơn các quy định pháp luật quốc tế về chống khủng bố.

2.2. CÁC QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VỀ PHÒNG NGỪA KHỦNG BỐ

2.2.1. Khái quát

Hoạt động chống khủng bố quốc tế đã được các quốc gia thực hiện ngay từ khi khủng bố quốc tế xuất hiện. Tuy nhiên ban đầu các biện pháp và hoạt động phòng ngừa, ngăn ngừa khủng bố chưa được các quốc gia quan tâm lắm mà chỉ tập trung vào biện pháp để trừng trị khủng bố như quy định những hành vi khủng bố cụ thể là tội phạm, các hình phạt áp dụng cho chúng, các thủ tục để xét xử v.v. Điều này

được thể hiện rõ nét trong các điều ước quốc tế về chống khủng bố. Trong những điều ước đầu tiên (CƯ Tokyo 1963, CƯ Lahay 1970) đều chỉ quy định về các biện pháp trừng trị (quy định là tội phạm, xác định quyền tài phán, thủ tục xử lý, việc dẫn độ). CƯ Montreal 1971 vẫn nặng về quy định các biện pháp trừng trị nhưng cũng đã có điều đầu tiên quy định về việc ngăn ngừa khủng bố mặc dù chỉ là một quy định chung chung, chưa cụ thể: "Phù hợp với luật pháp quốc tế và pháp luật quốc gia, các quốc gia ký kết sẽ cố gắng thực hiện các biện pháp thích hợp để ngăn ngừa những tội phạm nêu tại Điều 1" (trích K. 1 Đ. 10 CƯ Montreal 1971). Từ CƯ NewYork 1973 trở đi quy định về các biện pháp và hoạt động ngăn ngừa mới chính thức được các quốc gia quan tâm và đưa vào các điều ước quốc tế. Theo K. 3 Đ. 2 CƯ NewYork 1973, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ áp dụng "mọi biện pháp thích hợp, phù hợp với luật pháp quốc tế, để ngăn ngừa các hình thức tấn công khác đối với thân thể, sự tự do hoặc nhân phẩm của người được hưởng bảo hộ quốc tế". Điều 4 CƯ này nêu rõ các hoạt động phòng ngừa cụ thể bao gồm: ngăn ngừa việc chuẩn bị trên lãnh thổ và trao đổi thông tin, phối hợp với nhau để tiến hành các biện pháp hành chính và các biện pháp thích hợp khác để ngăn ngừa việc thực hiện tội phạm này.

Tiếp theo sau này, các quy định về các biện pháp ngăn ngừa càng ngày càng được các quốc gia và các tổ chức quốc tế quan tâm nhiều hơn. Số lượng các quy định về các biện pháp và hoạt động ngăn ngừa từ chỗ ít hơn đã trở lên phong phú và nhiều hơn cả các quy định về trừng trị. Có những điều ước chủ yếu chỉ quy định về các biện pháp ngăn ngừa như CƯ Viên 1980, CƯ Montreal 1991, CƯ NewYork 1999. Đặc biệt, Nghị quyết 1373 (2001) của HĐBA LHQ đã đưa ra một loạt các quy định về biện pháp và hoạt động phòng ngữa khủng bố quốc tế.

2.2.2. Các biện pháp và hoạt động phòng ngừa khủng bố quốc tế theo PLQT

2.2.2.1. Trao đổi thông tin

Trao đổi thông tin là một biện pháp ngăn ngừa rất có hiệu quả đối với khủng bố quốc tế. Nó có tác dụng ngăn ngừa việc chuẩn bị, ngăn ngừa việc thực hiện bằng cách cảnh báo sớm cho quốc gia về các hoạt động chuẩn bị, thực hiện các vụ

khủng bố. Nghĩa vụ của quốc gia trong việc quy định và áp dụng biện pháp này được quy định tại Đ. 4 CƯ NewYork 1973, Đ. 4 CƯ NewYork 1979, Đ 13, 14 CƯ Rome 1988, Đ 15 CƯ NewYork 1997, Đ. 18 CƯ NewYork 1999, đoạn 2(b), 3(a), 3(b). Để thực hiện biện pháp này, các quốc gia cần thiết lập các đầu mối liên lạc, kênh liên lạc thuận tiện để có thể trao đổi thông tin hiệu quả nhất. Hiện theo yêu cầu của Uỷ ban chống khủng bố cảu HĐBALHQ (CTC), cơ quan được lập ra để hỗ trợ các quốc gia thực thi Nghị quyết 1373 (2001), nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã đưa ra thông báo các đầu mối trao đổi thông tin của mình.

2.2.2.2. Biện pháp hành chính và hình sự

Các biện pháp hành chính và hình sự cũng rất có hiệu quả trong việc ngăn ngừa khủng bố quốc tế. Biện pháp kiểm soát biên giới, kiểm soát xuất nhập cảnh, kiểm soát vũ khí, khí tài, kiểm soát nhân khẩu, hộ tịch, trừng trị việc làm giấy tờ giả, không tố giác, che giấu cho khủng bố v.v. là những biện pháp có thể ngăn chặn sự di chuyển của quân khủng bố, ngăn chặn chúng tiếp cận các nguồn vũ khí, các nguồn tài chính, những nơi trú ẩn an toàn, ngăn chặn việc chuẩn bị khủng bố v.v. Nhận thức rõ ràng vai trò của biện pháp hành chính và các biện pháp tương tự, các quốc gia đã xây dựng nhiều quy định PLQT về các nghĩa vụ của quốc gia trong việc quy định và thực hiện các biện pháp hành chính để ngăn ngừa khủng bố quốc tế. Các quy định này từ chỗ chung chung đã càng ngày càng cụ thể hoá. Nếu như CƯ NewYork 1973, 1979 chỉ quy định chung về các "biện pháp hành chính và các biện pháp thích hợp khác" thì các CƯ Viên 1980, CƯ Montreal 1991, CƯ NewYork 1999, Nghị quyết 1373 (2001) đã quy định cụ thể và chi tiết từng loại biện pháp hành chính.

a) Các biện pháp hành chính bảo vệ an toàn hạt nhân (CƯ Viên 1980)

Các biện pháp bảo vệ an toàn vật liệu hạt nhân được áp dụng nhằm ngăn cản quân khủng bố tiếp cận với loại vật liệu chết người nhằm sử dụng làm vũ khí giết người

Một phần của tài liệu PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VỀ CHỐNG KHỦNG BỐ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN (Trang 55 -55 )

×