0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (127 trang)

Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốcgia khác

Một phần của tài liệu PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VỀ CHỐNG KHỦNG BỐ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN (Trang 51 -51 )

7. Kết cấu của đề tài

2.1.1.4. Nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốcgia khác

Là một trong các nguyên tắc nền tảng của luật quốc tế, nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác được thể hiện rõ ràng trong Hiến chương Liên hợp quốc "Liên hợp quốc hoàn toàn không có quyền can thiệp vào những

công việc thực chất thuộc thẩm quyền nội bộ của bất kỳ quốc gia nào và không đòi hỏi thành viên của Liên hợp quốc phải đưa những công việc loại này ra giải quyết theo quy định của Hiến chương" (khoản 7, Điều 2).

Nội dung của nguyên tắc này là:

- Cấm can thiệp vũ trang và các hình thức can thiệp hoặc đe dọa can thiệp khác nhằm chống lại quyền năng chủ thể hoặc nền tảng chính trị, kinh tế và văn hoá của quốc gia.

- Cấm sử dụng các biện pháp kinh tế, chính trị và các biện pháp khác để buộc các quốc gia khác phụ thuộc vào mình.

- Cấm tổ chức, khuyến khích, giúp đỡ các băng đảng, nhóm vũ trang vào hoạt động phá hoại, khủng bố trên lãnh thổ nước khác nhằm lật đổ chính quyền của nước đó.

- Cấm can thiệp vào cuộc đấu tranh nội bộ của quốc gia khác.

- Tôn trọng quyền của mỗi quốc gia tự do lựa chọn cho mình hệ thống chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội không có sự can thiệp từ phía các quốc gia khác.

Nguyên tắc không can thiệp không cho phép bất kỳ quốc gia nào dù lớn hay nhỏ, dù giàu hay nghèo, dù văn minh hay lạc hậu quyền được can thiệp vào các lĩnh vực thuộc thẩm quyền riêng biệt của mỗi quốc gia, xuất phát từ chủ quyền của mình. "Công việc thuộc thẩm quyền nội bộ của mỗi quốc gia" hiểu một cách chung nhất là công việc nằm trong thẩm quyền giải quyết của mỗi quốc gia độc lập xuất phát từ chủ quyền của mình. Đó là quyền tối thượng của quốc gia trong lãnh thổ của mình và quyền độc lập trong quan hệ quốc tế. Mỗi quốc gia có quyền tự do lựa chọn, tự do xây dựng và phát triển chế độ chính trị, kinh tế, văn hoá và xã hội của mình phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Trong lãnh thổ của mình quốc gia có quyền tối thượng trong việc thiết lập và thực thi quyền lợi bằng các hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào từ phía các quốc gia khác. Tuy nhiên, các hoạt động thực thi quyền lực của quốc gia phải phù hợp với các nguyên tắc và quy phạm của luật quốc tế, không dẫn đến chia rẽ, phân biệt chủng tộc, hận thù dân tộc. Thực hiện công việc thuộc thẩm

quyền nội bộ của mình, quốc gia phải luôn luôn hướng hoạt động vào mục đích cao cả là phục vụ cho cuộc sống của nhân dân, tôn trọng và đảm bảo quyền con người. Trong quan hệ quốc tế, quốc gia có quyền độc lập thiết lập mối quan hệ với bất kỳ quốc gia nào; có quyền tham gia hoặc không tham gia vào các tổ chức quốc tế toàn cầu và khu vực; có quyền ký kết hoặc không ký kết, tham gia hoặc không tham gia vào các điều ước quốc tế mà không cần có sự can thiệp của các quốc gia khác.

Tuy nhiên cũng có hai trường hợp ngoại lệ theo Điều 39 Hiến chương Liên hợp quốc: Hội đồng Bảo an có quyền được quyết định áp dụng mọi biện pháp cưỡng chế cần thiết khi có sự đe doạ hoà bình và an ninh thế giới. Hội đồng Bảo an có quyền " can thiệp" khi tình hình chính trị xã hội ở quốc gia nào đó trở nên phức tạp mà không còn được coi thuần tuý là công việc nội bộ nữa. Vấn đề đặt ra là, trước khi quyết định áp dụng các biện pháp cưỡng chế "can thiệp" Hội đồng Bảo an phải xác định xem tình hình thực tế ấy có đe doạ hoà bình và an ninh thế giới hay không. Thông thường có hai trường hợp: Trường hợp thứ nhất, khi có xung đột vũ trang nội bộ ở quốc gia nào đó, về nguyên tắc cộng đồng quốc tế không có quyền đụng chạm đến. Tuy nhiên, nếu cuộc xung đột này đã đạt đến mức độ nghiêm trọng mà nếu tiếp tục kéo dài sẽ gây ra mất ổn định trong khu vực, đe doạ hòa bình và an ninh thế giới, trước hết là hoà bình và an ninh của các nước láng giềng, thì cộng đồng quốc tế thông qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được quyền " can thiệp" trực tiếp hoặc gián tiếp vào các cuộc xung đột này. Sự " can thiệp" này không bị coi là can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia. Trường hợp thứ hai mà Liên hợp quốc được quyền " can thiệp" là khi có vi phạm nghiêm trọng các quyền cơ bản của con người, trong đó có quyền được sống và sống trong hoà bình. Việc thực hiện chính sách phân biệt chủng tộc, thực hiện tội ác diệt chủng là vô cùng dã man, xâm phạm trực tiếp vào tính mạng và đời sống con người, đe doạ hoà bình và an ninh quốc tế.

Như vậy, các hoạt động của Liên hợp quốc để giải quyết các vụ xung đột vũ trang nội bộ hoặc để đảm bảo thực hiện quyền con người ở quốc gia vi phạm là hoạt

động " can thiệp" hợp pháp được pháp luật quốc tế cho phép.

Chống khủng bố quốc tế nói riêng và chống khủng bố nói chung phần lớn vẫn thuộc phạm vi công việc nội bộ của quốc gia. Các quốc gia có quyền tự vạch ra đường lối, chính sách về chống khủng bố của mình, tự quyết định tham gia hay không vào các điều ước quốc tế, tự quyết định việc ban hành, thực hiện các văn bản pháp luật để điều chỉnh vấn đề này, tự tiền hành điều tra, truy tố xét xử các tội phạm khủng bố thuộc quyền tài phán của mình, tự quyết định việc có dẫn độ hay không dẫn độ nghi phạm khủng bố, tự quyết định về việc hợp tác chống khủng bố v.v.. Đương nhiên, khi thực hiện các công việc này cũng như các công việc nội bộ khác, quốc gia phải dựa trên cơ sở quyền lợi của mình, của cộng đồng quốc tế và tuân thủ các nguyên tắc của pháp luật quốc tế cũng như các điều ước quốc tế mà mình đã tham gia, đặc biệt là nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ phải hợp tác với nhau.

Trong lĩnh vực chống khủng bố quốc tế, nguyên tắc không can thiệp được thể hiện trực tiếp hoặc gián tiếp trong tất cả các điều ước các văn kiện của LHQ. Nghị quyết 1373 (2001) của HĐBALHQ khi nói đến vấn đề tham gia các công ước quốc tế về chống khủng bố cũng không buộc các quốc gia phải tham gia vào các điều ước quốc tế về chống khủng bố mà chỉ khuyến nghị các quốc gia tham gia càng sớm càng tốt. Điều 17, 18 CB1997 quy định "các quốc gia thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo Công ước này phù hợp với các nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác" "không một quy định nào trong Công ước này cho phép một quốc gia thành viên được thực hiện trên lãnh thổ một quốc gia thành viên khác quyền tài phán và các chức năng chỉ dành cho các cơ quan của quốc gia khác đó theo pháp luật trong nước của quốc gia khác đó". Các công ước đều quy định không áp dụng công ước nếu vụ việc chỉ liên quan đến một quốc gia và chỉ quốc gia đó có quyền tài phán.

Chiếu nguyên tắc này vào hành động của Mỹ tấn công Áp ga nít tan với cái cớ tiêu diệt các căn cứ khủng bố của Binlađen, ta thấy rõ ràng Mỹ đã can thiệp trái

phép vào công việc nội bộ của quốc gia này. Mặc dù ở nước này đang có nội chiến và chính điều này đã tạo ra cơ hội để tổ chức khủng bố của Binlađen phát triển đe doạ tới an ninh của nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, thế nhưng HĐBA cơ quan duy nhất có thẩm quyền trong trường hợp này vẫn chưa ra một quyết định nào cho phép tấn công vũ trang vào Áp ga nít tan.

Một phần của tài liệu PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VỀ CHỐNG KHỦNG BỐ MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN (Trang 51 -51 )

×