Thực tiễn thực hiện biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ

Một phần của tài liệu Biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự (Trang 69)

Trên thực tế, biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự ít được Chấp hành viên áp dụng hơn so với các biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự khác. Từ khi biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ được quy định trong Luật Thi hành án dân sự, người phải thi hành án nhận thức được việc có thể bị Chấp hành viên ra quyết định tạm giữ giấy tờ, tài sản để đảm bảo việc thi hành án nên đã không còn quản lý, sử dụng tài sản của họ một cách công khai như trước mà sử dụng triệt để thủ đoạn nhờ người khác đứng tên đăng ký tài sản của mình... Mặt khác, hiện nay pháp luật về thi hành án dân sự vẫn chưa có cơ chế để thực hiện biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ một cách triệt để. Việc thực hiện biện pháp này chủ yếu phụ thuộc vào ý thức chấp hành pháp luật của đương sự trong quá trình thi hành án. Ví dụ: Chấp hành viên vận động người phải thi hành án hoặc gia đình, thân nhân của họ tự nguyện nộp sản phẩm là lúa, gạo, nông sản khi đến vụ thu hoạch hoặc nộp số tiền thu được từ việc bán các sản phẩm đó, tiền lương, tiền công lao động mà họ được trả…

Qua khảo sát cho thấy việc thực hiện biện pháp này còn có một số vướng mắc, bất cập như sau:

Thứ nhất, hiện nay đang có ý kiến tranh luận về việc khi áp dụng biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ thì Chấp hành viên có cần phải ra quyết định tạm giữ tài sản hay không? Nếu không cần ra quyết định thì cơ sở nào để xác định biên bản tạm giữ tài sản, giấy tờ là có giá trị pháp lý và nếu nhất thiết Chấp hành viên phải ra quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ thì đối với các trường hợp Chấp hành viên thực hiện việc tạm giữ tài sản, giấy tờ của người phải thi hành án khi đang ở địa bàn xa trụ sở cơ quan mà không có điều kiện ra ngay được quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ thì xử lý như thế nào? Do Luật Thi hành án dân sự không quy định cụ thể và chưa có văn bản hướng dẫn về vấn đề này nên đã dẫn đến sự lúng túng của Chấp hành viên trong tổ chức thực hiện.

Thứ hai, hiện nay pháp luật quy định về việc đăng ký tài sản, công khai tài sản chưa được cụ thể nên chưa có cơ chế cung cấp thông tin công khai về đăng ký tài sản, thu nhập. Do đó, trên thực tế tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án nhưng về danh nghĩa lại là của người khác hoặc đã được mua bán, chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp cho người khác trước đó. Vì vậy, trong một số trường hợp, sau khi ra quyết định tạm giữ đối với các tài sản này thì Chấp hành viên đã buộc phải chấm dứt việc áp dụng biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ để trả lại các tài sản đã bị tạm giữ do các tài sản, giấy tờ đó thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người khác. Điều này đã làm giảm hiệu quả đáng kể của việc áp dụng biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ của người phải thi hành án.

Thứ ba, chưa có quy định cụ thể về cơ chế phối hợp giữa Chấp hành viên với cơ quan Công an và các cơ quan khác có liên quan trong việc thực hiện biện pháp tạm giữ giấy tờ, tài sản. Do người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án trong khi lại phát hiện thấy họ có tài sản, giấy tờ nên Chấp hành viên phải áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự để tạm giữ tài sản, giấy tờ đó. Việc tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự thường vấp phải sự chống đối của người phải thi hành án. Trong khi đó, Chấp hành viên không được đào tạo về võ thuật, không được trang bị các điều kiện cần thiết để trấn áp khi có sự chống đối, thậm chí là manh động của người phải thi hành án. Vì vậy, việc Chấp hành viên (đặc biệt đối với Chấp hành viên là phụ nữ) thực hiện biện pháp này một mình là rất khó khăn nên không hiệu quả. Mặt khác, về thủ tục thu giữ thì khi có căn cứ cho thấy người phải thi hành án đang giấu giấy tờ, tài sản hoặc đang đeo trang sức trên người, Chấp hành viên có được khám người, phương tiện để tạm giữ hay không còn chưa được quy định cụ thể. Trong khi đó, có quan niệm cho rằng nếu thực hiện sẽ vi phạm nhân quyền...

Thứ tư, pháp luật quy định về thời hạn thực hiện biện pháp này. Thông thường sau khi đã tạm giữ tài sản mà người phải thi hành án vẫn không tự

nguyện thi hành án thì để áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự, Chấp hành viên phải thực hiện việc xác minh quyền sở hữu, sử dụng tài sản của họ tại các cơ quan, tổ chức có liên quan. Hầu hết các trường hợp, Chấp hành viên chưa kịp nhận được kết quả phản hồi thì thời hạn áp dụng là 15 ngày đã hết. Trong trường hợp này việc thực hiện tiếp theo sẽ như thế nào thì pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể.

Tóm lại, quy định áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự tạm giữ tài sản, giấy tờ là một quy định tiến bộ, đột phá, nhằm thực thi một cách triệt để, đúng pháp luật, có hiệu quả các bản án, quyết định được đưa ra thi hành, bảo đảm pháp chế Xã hội chủ nghĩa, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, một số vấn đề liên quan đến việc áp dụng biện pháp này như hình thức của quyết định, cơ chế phối hợp giữa Chấp hành viên và cơ quan hữu quan…vẫn chưa được quy định cụ thể. Vì thế thực tiễn thực hiện không tránh khỏi vướng mắc cần phải hoàn thiện hơn trong thời gian tới.

Một phần của tài liệu Biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự (Trang 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)