Thực tiễn thực hiện biện pháp phong tỏa tài khoản

Một phần của tài liệu Biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự (Trang 64 - 69)

Một trong những yêu cầu cơ bản khi tham gia các hoạt động kinh doanh thương mại trong nền kinh tế thị trường hiện nay là người tham gia giao dịch phải có phương tiện thanh toán thuận tiện, nhanh chóng, đơn giản và hiệu quả. Việc thanh toán thông qua tài khoản mở tại các Ngân hàng, tổ chức tín dụng đáp ứng được điều đó. Mặt khác, theo quy định của pháp luật, một số hoạt động thương mại, các bên tham gia giao dịch bắt buộc phải thực hiện việc thanh toán thông qua hình thức chuyển khoản. Do vậy, đây là sự lựa chọn của hầu hết các cá nhân, tổ chức khi tham gia giao dịch trong nền kinh tế thị trường.

Để phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội, phù hợp với xu hướng thực hiện việc thanh toán qua tài khoản và các quy định của pháp luật có liên quan, Luật Thi hành án dân sự đã quy định biện pháp phong tỏa tài khoản như là một công cụ hữu hiệu trong hoạt động thi hành án dân sự. Trong nhiều trường hợp, khi tổ chức thực hiện việc thi hành án trong thực tế, khi có nhiều biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự khác nhau để lựa chọn thì Chấp hành viên vẫn xác định việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản của người phải thi hành án là biện pháp ưu tiên hàng đầu. Sở dĩ Chấp hành viên luôn lựa chọn áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản của người phải thi hành án là bởi vì trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp này đơn giản, nhanh chóng, thuận lợi, không phải huy động lực lượng và các thủ tục xử lý về sau cũng sẽ thuận lợi, đưa

đến kết quả tốt nhất so với các biện pháp khác. Tuy nhiên, việc áp dụng biện pháp này trong thực tiễn cũng đã phát sinh một số hạn chế, bất cập sau:

Thứ nhất, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành mới chỉ quy định một cách chung chung về căn cứ để áp dụng biện pháp này là để "ngăn chặn việc tẩu tán tiền trong tài khoản" mà chưa có quy định cụ thể về các hành vi như thế nào là hành vi tẩu tán tiền trong tài khoản và hành vi nào là hành vi thực hiện giao dịch bình thường thông qua tài khoản trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng....của người phải thi hành án. Từ đó nảy sinh các quan điểm xử lý khác nhau giữa Chấp hành viên, đương sự và tổ chức tín dụng về các hành vi này.

Thứ hai, hiện nay pháp luật chưa có cơ chế cụ thể để hỗ trợ cho người được thi hành án thực hiện việc xác minh thông tin về tài khoản của người phải thi hành án.

Luật Thi hành án dân sự đã trao quyền cho đương sự (thường là người được thi hành án) được chủ động cung cấp thông tin và yêu cầu Chấp hành viên áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản của người phải thi hành án. Tuy nhiên, chưa có quy định của pháp luật tạo cơ sở pháp lý và cơ chế để đương sự tự mình xác minh, thu thập thông tin về tài khoản của người phải thi hành án. Để thu thập được các thông tin về tài khoản của người phải thi hành án tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng thì người được thi hành án thường phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và hầu hết không đạt được kết quả.

Với lý do bảo vệ quyền lợi của khách hàng là những người đã mở tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng và thực hiện các giao dịch kinh tế, thương mại thông qua các tài khoản tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã viện dẫn các quy định của Luật các tổ chức tín dụng năm 2010; Pháp lệnh bảo vệ bí mật Nhà nước năm 1991; Nghị định số 70/2000/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21/11/2000 về việc giữ bí mật, lưu trữ và cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi của khách hàng; Thông tư số 02/2001/TT-NHNN ngày 04/4/2001

của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện Nghị định 70/2000/NĐ-CP; Quyết định số 1004/2001/QĐ-NHNN ngày 08/8/2001 về sửa đổi tiết a điểm 2.2 Mục II Thông tư số 02/2001/TT-NHNN để từ chối cung cấp thông tin về tài khoản, số dư tài khoản của người phải thi hành án theo yêu cầu của người được thi hành án. Việc chậm trễ trong sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định hạn chế này và tạo cơ chế cung cấp thông tin cho người được thi hành án cũng là một hạn chế, bất cập gây khó khăn cho việc thi hành án trong giai đoạn hiện nay.

Thứ ba, việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản của Chấp hành viên nhiều khi thiếu sự hợp tác từ Kho bạc, ngân hàng, tổ chức tín dụng và cũng chưa có chế tài áp dụng đối với tổ chức đang nắm giữ thông tin về tài khoản của người phải thi hành án khi từ chối cung cấp thông tin theo yêu cầu.

Mặc dù việc xác minh thông tin về tài khoản để áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản của người phải thi hành án hầu hết do Chấp hành viên thực hiện bởi Chấp hành viên sẽ gặp thuận lợi hơn nhiều khi thực hiện việc này do pháp luật quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin của ngân hàng, tổ chức tín dụng, kho bạc nhà nước theo yêu cầu của Chấp hành viên. Tuy nhiên, hiện nay việc áp dụng biện pháp này đang gặp phải vấn đề cơ bản và khó khăn nhất chính là thiếu sự hợp tác từ phía Ngân hàng, tổ chức tín dụng. Trong nền kinh tế thị trường, với khẩu hiệu "khách hàng là thượng đế", với mong muốn bảo vệ tối đa quyền lợi của khách hàng (mặc dù là trái pháp luật) nhiều nhân viên ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khi nhận được yêu cầu hoặc quyết định về phong tỏa tài khoản của Chấp hành viên đã bí mật báo cho khách hàng của mình là người phải thi hành án, nhanh chóng chuyển tiền trong tài khoản của họ sang một tài khoản bí mật khác hoặc một tài khoản tạm thời khác nhằm làm cho số dự của tài khoản bị phong tỏa xuống mức thấp nhất, vô hiệu hóa quyết định phong tỏa tài khoản của Chấp hành viên.

So với Luật Các tổ chức tín dụng năm 1997 thì Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đã có nhiều quy định một cách rõ ràng, cụ thể về việc thực

hiện yêu cầu cung cấp thông tin về tài khoản của khách hàng. Theo đó, tại khoản 3 Điều 10 có quy định: Từ chối việc điều tra, phong tỏa, cầm giữ, trích chuyển tiền gửi của khách hàng, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng; khoản 3 Điều 14 quy định: Tổ chức tín dụng, Chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật hoặc được sự chấp thuận của khách hàng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tổ chức tín dụng đã cố tình quên các quy định này hoặc đề nghị làm rõ cụm từ "Cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật" để kéo dài thời gian hoặc gây khó khăn cho Chấp hành viên trong việc xác minh, thu thập thông tin và áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản của người phải thi hành án. Trong khi đó, chế tài đối với các hành vi này của tổ chức tín dụng là chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa nên hiệu quả không cao.

Thứ tư, vấn đề đang được đặt ra để tranh luận hiện nay chính là giá trị pháp lý và hiệu lực của biên bản xác minh tài khoản do Chấp hành viên lập khi thực hiện việc xác minh tài khoản tại Ngân hàng thương mại, Kho bạc nhà nước và tổ chức tín dụng khác.

Theo đó, khi phát hiện trong tài khoản của người phải thi hành án có tiền để thi hành án, Chấp hành viên lập biên bản về hiện trạng tài khoản và yêu cầu tổ chức tín dụng nơi có tài khoản tạm dừng tất cả các giao dịch nhằm chuyển tiền ra khỏi tài khoản trong thời gian Chấp hành viên chưa kịp ban hành quyết định phong tỏa tài khoản. Theo quy định, quyết định phong tỏa tài khoản phải được Chấp hành viên ký tên, đóng dấu thì mới có giá trị pháp lý. Không phải trường hợp nào Chấp hành viên cũng ra ngay được quyết định phong tỏa tài khoản để áp dụng ngay mà trong nhiều trường hợp, thông qua việc xác minh, các thông tin về tài khoản mới được chính xác. Trên cơ sở kết

quả xác minh thì Chấp hành viên mới có cơ sở ra quyết định phong tỏa tài khoản. Do đó, thời điểm lập biên bản xác minh và thời điểm ban hành quyết định phong tỏa trong trường hợp này là khác nhau. Vấn đề đặt ra ở đây chính là hiệu lực của biên bản đã lập khi xác minh trước khi kịp ban hành quyết định phong tỏa đó. Nếu tổ chức tín dụng thực hiện theo yêu cầu tại biên bản đã lập của Chấp hành viên thì họ sẽ phải trả lời khiếu nại của khách hàng về việc tự ý tạm dừng giao dịch thông qua tài khoản trong khi chưa có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền. Vì theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự thì tài khoản chỉ bị phong tỏa sau khi có quyết định của Chấp hành viên. Mặt khác, nếu tổ chức tín dụng không thực hiện theo yêu cầu tại biên bản đã lập của Chấp hành viên thì họ có phải chịu trách nhiệm pháp lý, chế tài nào hay không, khi mà tại Điều 176 Luật Thi hành án dân sự chỉ nêu chung chung trách nhiệm của kho bạc nhà nước, ngân hàng và tổ chức tín dụng trong khi thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên.

Thứ năm, một số Chấp hành viên thoái hóa, biến chất đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp khi có sự thông đồng với người phải thi hành án trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình. Vì mục đích vụ lợi, khi có thông tin về tài khoản của người phải thi hành án do người được thi hành án cung cấp hoặc qua việc xác minh, họ đã thông báo cho người phải thi hành án các thông tin cần thiết nhằm tạo điều kiện để người phải thi hành án kịp thời thực hiện việc tẩu tán tiền trong tài khoản trước khi bị áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự.

Như vậy, từ các phân tích nêu trên cho thấy, biện pháp phong tỏa tài khoản trong thi hành án dân sự là một quy định rất tiến bộ, có nhiều ưu điểm, nhanh gọn, ít tốn kém và đưa lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, hệ thống các quy định của Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành về biện pháp này vẫn còn một số hạn chế dẫn đến việc áp dụng còn lúng túng, kém hiệu quả nên cần được sửa đổi, bổ sung để khắc phục trong thời gian tới.

Một phần của tài liệu Biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự (Trang 64 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(87 trang)