Theo quy định tại Điều 66, Điều 67 Luật Thi hành án dân sự thì việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản được Chấp hành viên tự mình áp dụng hoặc theo yêu cầu bằng văn bản của người được thi hành án.
Về quyền yêu cầu áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản: Pháp luật về thi hành án dân sự đã trang bị cho người được thi hành án thêm một "vũ khí" hữu hiệu để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi ghi nhận quyền yêu cầu áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản của người phải thi hành án. Trong nhiều trường hợp, Chấp hành viên không thể nắm được thông tin về tài khoản của người phải thi hành án hoặc nắm được nhưng vì lý do nào đó mà không lựa chọn áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản dẫn đến việc người phải thi hành án thực hiện hành vi tẩu tán tiền trong tài khoản và việc thi hành án không đạt được kết quả. Vì vậy, Luật Thi hành án dân sự đã quy định theo hướng giúp cho người được thi hành án được chủ động thực hiện việc cung cấp thông tin, đề nghị với Chấp hành viên để kịp thời thực hiện việc phong tỏa tài khoản. Khi nhận được đề nghị của người được thi hành án, Chấp hành viên phải thực hiện việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản của người phải thi hành án theo yêu cầu, trường hợp không ra quyết định áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản mà gây ra thiệt hại thì Chấp hành viên phải có trách
nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Tuy nhiên, Luật Thi hành án dân sự cũng có quy định để tránh trường hợp người được thi hành án tùy tiện yêu cầu áp dụng biện pháp bảo đảm, gây thiệt hại. Theo đó, người yêu cầu Chấp hành viên áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trường hợp người đó đưa ra yêu cầu để áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản không đúng mà gây ra thiệt hại cho người bị phong tỏa tài khoản hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường. Do đó, văn bản đề nghị phong tỏa tài khoản của người phải thi hành án phải đảm bảo sự chính xác về các thông tin của tài khoản sẽ bị phong tỏa cũng như cần lường trước các hậu quả phát sinh nếu như có sự nhầm lẫn dẫn đến thiệt hại cho người thứ ba.
Thẩm quyền áp dụng: Bên cạnh quyền yêu cầu của người được thi hành án, pháp luật về thi hành án dân sự cũng quy định về trách nhiệm của Chấp hành viên trong việc tự mình áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản của người phải thi hành án. Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của Chấp hành viên, chúng ta có thể nhận thấy Chấp hành viên là người có nhiều thuận lợi trong việc tiếp cận các thông tin về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, đặc biệt là thông tin về tài khoản của họ. Do đó, trong trường hợp phát hiện thấy người phải thi hành án có tiền trong tài khoản thì Chấp hành viên theo chức trách, nhiệm vụ của mình cần thực hiện ngay việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản của người phải thi hành án để bảo đảm thi hành án dân sự, nhanh chóng kết thúc nhiệm vụ được phân công, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án.
Mặt khác, thông thường khi tổ chức thi hành một bản án về dân sự thì bên cạnh việc thi hành nghĩa vụ đối với người được thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức thì người phải thi hành án còn phải thi hành khoản nghĩa vụ thuộc diện Thủ tưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án (như khoản án phí, tiền phạt nộp cho ngân sách Nhà nước…). Trường
hợp người phải thi hành án phải thi hành đồng thời cả khoản nghĩa vụ thi hành án theo đơn yêu cầu và nghĩa vụ thi hành án thuộc diện Thủ tưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án thì việc xác minh điều kiện thi hành án của đương sự được Chấp hành viên chủ động tiến hành cho đến khi người phải thi hành án thi hành xong khoản nghĩa vụ thuộc diện chủ động. Do đó, khi tổ chức thực hiện việc thi hành khoản án phí thì kết quả xác minh của Chấp hành viên cũng được sử dụng để tổ chức thi hành cho việc thi hành án theo đơn yêu cầu của người được thi hành án.
Như vậy, có thể nói việc Luật Thi hành án dân sự quy định trách nhiệm của Chấp hành viên tự mình áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản của người phải thi hành án là phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao của Chấp hành viên và phù hợp với yêu cầu công bằng xã hội.
Trên cơ sở yêu cầu bằng văn bản của người được thi hành án hoặc Chấp hành viên tự mình nhận thấy cần phải áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản để đảm bảo thi hành án dân sự thì ra quyết định áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản của người phải thi hành án. Tuy nhiên, để thực hiện được biện pháp này, cần đáp ứng được hai điều kiện cụ thể sau đây:
Về điều kiện cần: khi người phải thi hành án có tài khoản tại ngân hàng, kho bạc hoặc các tổ chức tín dụng khác và tài khoản đó có số dư để đảm bảo thi hành án.
Về điều kiện đủ: khi người được thi hành án nhận thấy cần ngăn chặn việc tẩu tán tiền trong tài khoản đó và có văn bản đề nghị hoặc Chấp hành viên tự mình phát hiện ra thông tin về tài khoản và nhận thấy cần phải ra quyết định phong tỏa tài khoản để ngăn chặn việc tẩu tán tiền trong tài khoản.
Như vậy, nếu người phải thi hành án có tiền trong tài khoản mở tại ngân hàng, kho bạc Nhà nước hoặc các tổ chức tín dụng nhưng không tự nguyện thi hành, có dấu hiệu tẩu tán tiền trong tài khoản của họ thì trên cơ sở
kết quả xác minh hoặc các thông tin do người được thi hành án cung cấp, Chấp hành viên phải ra quyết định phong tỏa tài khoản của người phải thi hành án để ngăn chặn việc tẩu tán tiền trong tài khoản, đảm bảo việc thi hành án đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án.
Việc áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản của người phải thi hành án thuộc thẩm quyền của Chấp hành viên được giao tổ chức thi hành vụ việc. Trường hợp vụ việc có tính chất phức tạp, nhiều nội dung cần thực hiện tại các địa điểm khác nhau, cần đảm bảo tính nhanh chóng, kịp thời thì việc áp dụng có thể được giao cho nhiều Chấp hành viên thực hiện khi các Chấp hành viên này cùng được giao tổ chức thi hành vụ việc.